Đuối nước hay ngạt nước là nguyên nhân thường gặp và quan trọng nhất gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới. Mặt khác, đuối nước cũng có thể gặp ở người trưởng thành. Vì vậy, việc trang bị các kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu đuối nước là điều cần thiết cho mỗi người chúng ta!
1. Tìm kiếm sự trợ giúp
KÊU CỨU luôn là điều đầu tiên luôn phải nhớ khi xử trí bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.
– Hãy yêu cầu sự trợ giúp nếu thấy nhân viên bảo hộ. Nếu không, hãy nhờ những người nào xung quanh gọi Cấp cứu 115 trong khi bạn xử lý tình huống.
– Nếu chỉ có một mình bạn, hãy lần lượt thực hiện các bước dưới đây.
2. Đưa nạn nhân ra khỏi nước
– Tiếp cận, đưa nạn nhân ra khỏi càng sớm càng tốt. Tốt nhất nếu được, hãy dùng tàu, thuyền,.. và chú ý đến sự an toàn của chính bạn.
– Đưa nạn nhân nằm trên mặt phẳng hoặc vùng đất bằng phẳng.
– Cần lưu ý:
- Cố định cột sống cổ nếu như nạn nhân có dấu hiệu chẩn thương cột sống cổ. Ví dụ như trong trường hợp té ngã, trượt nước, có vết thương vùng cổ,…
- Không nên xốc nước, vì xốc nước không có hiệu quả trong hồi sức. Đồng thời sẽ làm mất thời gian quý báu để hồi sức nạn nhân.
- Không nên hơ lửa, vì có thể gây dãn mạch, tụt huyết áp.
- Không làm thủ thuật Hemlich hoặc bất cứ các thủ thuật khác nhằm lấy nước ra khỏi phổi. Các cách này đều không hiệu quả và chỉ làm chậm trễ quá trình hồi sức.
3. Lay gọi nạn nhân
– Hãy thử lay gọi nạn nhân bằng các cách sau:
- Lay mạnh hai vai và gọi tên nạn nhân.
- Bấm mạnh các đầu ngón tay nạn nhân.
- Day mạnh trên vùng xương ức giữa ngực nạn nhân.
– Nếu nạn nhân tỉnh lại hãy nhanh chóng cho nạn nhân thay quần áo ấm và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
– Nếu nạn nhân vẫn không tỉnh lại, ngay lập tức thực hiện các bước dưới đây.
4. Kiểm tra nhịp thở của nạn nhân
– Hãy tiến hành kiểm tra nhịp thở nạn nhân bằng cách:
- Áp sát tai của bạn vào mũi và miệng nạn nhân, cảm nhận hơi thở.
- Nhìn sự di động lên xuống của lồng ngực.
– Nếu nạn nhân vẫn thở bình thường, tiến hành kiếm tra mạch.
– Nếu nạn nhân không còn thở:
- Kiểm tra đường thở của nạn nhân. Với nạn nhân đang nằm ngửa, cho ngửa đầu về sau, nâng cằm. Quan sát trong miệng, họng và mũi nạn nhân có dị vật hay không. Nếu có, hãy nghiêng đầu (nghiêng toàn bộ người nếu nạn nhân có chấn thương cổ) về một phía. Cố gắng dùng tay của bạn, lấy sạch dị vật trong miệng, họng và mũi nạn nhân. Hãy làm thông thoáng đường thở nhất có thể!
- Tiến hành hà hơi thổi ngạt 5 lần. Cho nạn nhân trở về tư thế nằm ngửa, đầu ngửa về sau, nâng cằm. Một tay bịt mũi nạn nhân, tay còn lại mở to miệng nạn nhân. Hít một hơi bình thường, đặt miệng bạn khớp với miệng nạn nhân, càng kín càng tốt. Sau đó, thở ra trong 2 giây và quan sát lồng ngực nạn nhân nâng lên là hiệu quả. Tiếp tục lặp lại động tác 5 lần, sau đó kiểm tra mạch.
5. Kiểm tra mạch của nạn nhân
– Kiểm tra mạch của nạn nhân. Đặt 3 ngón tay giữa của bạn vào vùng 2 bên cổ, ngay phía dưới cằm để kiểm tra động mạch cảnh của nạn nhân. Kiểm tra trong vòng 10 giây.
– Nếu nạn nhân có mạch bình thường, tiếp tục lặp lại hà hơi thổi ngạt cho đến khi nạn nhân thở trở lại bình thường hoặc đến khi có nhân viên cấp cứu hỗ trợ. Kiểm tra lại mạch mỗi 5 phút.
– Nếu nạn nhân không có mạch:
- Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực.
- Đảm bảo đã đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng.
- Người sơ cứu nên đứng dạng 2 chân 2 bên người bệnh, mặt hướng về phía người bệnh.
- Đặt lòng bàn tay thuận trên điểm giữa ngực, ngang núm vú hoặc cách mũi ức khoảng 2 ngón tay, tay nọ đặt trên tay kia, các ngón tay đan nhau.
- Động tác ép tim tiến hành theo chiều thẳng đứng, 2 tay chống ép thẳng bằng trọng lượng cơ thể. Biên độ ép xuống mỗi lần khoảng 4-5 cm. Sau khi ép xuống cần thả ra để thời gian để tim giãn nở. Ép tim với tần số 80 – 100 lần/phút.
- Riêng đối với trẻ sơ sinh, chỉ ép tim bằng 2 ngón tay, ép sâu khoảng 2-3 cm.
- Hai động tác ép tim và hà hơi thổi ngạt phải thực hiện xen kẽ nhau. Cứ 30 lần ép tim, thì 2 lần thổi ngạt.
- Thực hiện đến khi nạn nhân thở và có mạch lại bình thường. Kiểm tra lại nhịp thở và mạch mỗi 5 phút.
– Lưu ý, trong quá trình ép tim và hà hơi thổi ngạt, nạn nhân có thể ói. Nếu nạn nhân ói, nghiêng nạn nhân sang một bên, lấy chất ói bằng ngón tay.
6. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất
– Ngay khi nạn nhân tỉnh lại hoặc thở và có mạch lại bình thường, thay quần áo ấm và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
– Cần ghi chú lại các thông tin sau đây:
- Nạn nhân chìm trong nước bao lâu? Môi trường nước như thế nào (nước mặn, nước ngọt, đầm lầy, bùn,..)?
- Nạn nhân có té ngã, hay chấn thương trước đó không?
- Thời gian nạn nhân ngưng thở, không có mạch là bao lâu?
Trên đây, bài viết đã cung cấp một cách dễ hiểu và khá đầy đủ về các bước xử trí khi gặp một trường hợp đuối nước. Trên thực tế, các tình huống có thể phức tạp hơn. Vì vậy, hãy đọc đi đọc lại nhiều lần, ghi chú để ghi nhớ được các bước đơn giản được nêu trên. Đừng ngại ngần cùng Youmed tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về sơ cấp cứu cơ bản trong các tình huống khẩn cấp khác, bạn nhé
Để lại một phản hồi