Đỗ trọng có tên khoa học là Eucommia ulmoides Oliv, thuộc họ Đỗ trọng (Eucommiaceae). Vị thuốc có công dụng bổ Can Thận, chữa đau lưng mỏi gối, tê nhức gân xương, di tinh, liệt dương, hay đi tiểu đêm, phụ nữ có thai đau bụng, động thai ra huyết.
1. Mô tả dược liệu
Cây được trồng ở Trung Quốc và ở Liên Xô cũ (miền Nam). Cây mọc được cả ở những nơi lạnh như Sapa (Lào Cai). Gần đây ở Việt Nam đã trồng nhiều hơn. Tuy nhiên số lượng chưa đủ nên hiện nay vị Đỗ trọng chính thức vẫn phải nhập.
Vào mùa hạ, bóc vỏ ở những cây có đường kính to, ép cho phẳng. Xếp thành đống, chờ 6 – 7 ngày cho đổ mồ hôi, mặt trong có màu đen nâu. Bấy giờ mới đem phơi khô. Vỏ mỏng, mặt ngoài màu xám, mặt trong đen nâu nhạt. Khi bẻ có các sợi trắng như tơ giống như mành mành
2. Thành phần hoá học
Vỏ được nhiều người nghiên cứu để sử dụng chất nhựa của nó có tính chất như cao su.
Trong vỏ cây có 3 – 7% chất có tính chất của gutta pecka. Trong lá có 2%, trong quả có 27,34%. Ở nhiệt độ 45 – 700, chất gutta pecka có tính chất dẻo rất cao. Chúng có khả năng chịu nước biển và độ cách điện cũng cao. Do đó được dùng làm vật cách điện và để bọc dây điện ngầm dưới biển.
Ngoài chất như gutta pecka trong đỗ trọng có chứa chất màu, chất anbumin, chất béo, tinh dầu và muối vô cơ.
Trong lá có tanin và nhựa. không có ankaloit. Dù sao hoạt chất cũng chưa rõ.
3. Tác dụng dược lý
- Chiết xuất từ dược liệu này có thể ức chế sự tiến triển của viêm xương khớp.
- Khả năng bảo vệ thần kinh mạnh mẽ, có khả năng có thể được áp dụng trong phòng ngừa hoặc điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer .
- Đỗ trọng đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ sụn ở chuột bị viêm xương khớp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
3. Công dụng – Liều dùng
3.1. Công dụng
Tính vị: ngọt, ấm. Qui kinh can – thận
Tác dụng: bổ thận can – cường cân cốt – an thai.
Ứng dụng lâm sàng:
Điều trị chứng hạ liệt chi dưới, liệt dương,tiểu nhiều do can thận bất túc, thường dùng cùng với bổ cốt chi, hồ đào nhục như bài thanh nga hoàn, hoặc dùng cùng với sơn thù, thỏ ty tử.
Điều trị chứng có thai ra huyết, động thai, sảy thai liên tục, thường dùng cùng với tục đoạn, đại táo, thỏ ty tử, a giao.
Trên lâm sàng ứng dụng điều trị tăng huyết áp do thận hư, thường dùng cùng với dâm dương hoắc, tang ký sinh, ngưu tất, do can hỏa vượng thường dùng cùng với hạ khô thảo, cúc hoa, hoàng cầm.
Liều dùng: 10 – 15g.
3.2 Đơn thuốc Đỗ trọng
Hải thượng Lãn Ông đã sử dụng một số đơn thuốc sau:
- Đau vùng thắt lưng:
Đỗ trọng, hạt Quít mỗi vị đều 80g, sao, tán nhỏ uống dần với thang nước muối và rượu. Hoặc dùng Tỳ giải, Địa cốt bì sắc cách thuỷ với rượu, uống thường ngày.
- Ra mồ hôi trộm:
Đỗ trọng, Mẫu lệ đều bằng nhau tán nhỏ, uống với rượu, mỗi lần một thìa.
- Các chứng trẻ em bẩm sinh ốm yếu. Trẻ co giật, hen suyễn, lỵ mạn tính, mất tiếng, cam tích, bị trướng, còi xương, chậm nói, chậm đi:
Đỗ trọng 4g, Thục địa 4g, Sơn dược 4g, Sơn thù 4g, Phục linh 4g, Ngưu tất 4g, Mẫu đơn 3g, Ngũ vị 2g, Trạch tả 3g, Phụ tử chế 1,2g, Nhục quế 0,8g, sắc uống.
3.3. Đơn thuốc khác
Lương y Lê Trần Đức giới thiệu vài đơn thuốc:
- Phụ nữ sẩy thai nhiều lần (uống dự phòng khi thai được 2 – 3 tháng):
Đỗ trọng, Cẩu tích, Ba kích, Thục địa, Vú bò, Củ gai, Đương quy, Tục đoạn, Ý dĩ sao, mỗi vị đều 10g, sắc uống.
- Thận yếu, đau lưng, mỏi gối, liệt dương:
Đỗ trọng, Ngưu tất, Tục đoạn, Đương quy, Thục địa, Ba kích, Cẩu tích, Cốt toái bổ, Mạch môn, Hoài sơn, mỗi vị đều 12g, sắc uống hoặc tán bột làm viên với mật ong, mỗi ngày dùng 15 – 20g, chia làm 2 lần. Hoặc dùng Đỗ trọng 16g, Tỳ giải 16g, Cẩu tích 20g, Dây đau xương 12g, rễ Gốc hạc 12g, Thỏ ty từ 12g, rễ Cỏ xước 12g, Cốt toái bổ 16g, Củ mài 25g, Sắc uống.
4. Kiêng kỵ
- Theo sách Bản Thảo Kinh Giải: Không dùng Đỗ trọng với Huyền sâm, Xà thoái.
- Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Người không phải Can Thận hư hoặc âm hư hỏa vượng thì không dùng.
- Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Người âm hư có nhiệt phải dùng thận trọng.
Để lại một phản hồi