Đinh hương là tên vị thuốc có nguồn gốc từ nụ hoa của cây Đinh hương. Vì có hình dạng giống như cây đinh và có mùi hương rất đặc biệt, nên mới thành tên gọi. Trong Đông Y, Đinh hương có công dụng làm ấm hệ tiêu hoá, chữa đau bụng do lạnh, trị nấc, kích thích tiêu hoá. Nó còn được dùng để sát trùng trong nha khoa.
1. Mô tả
Đinh hương là nụ hoa đã phơi hay sấy khô của cây Đinh hương. Còn có tên khác là Cống đinh hương, Đinh tử, Đinh tử hương. Tên khoa học là Syzygium aromaticum (L.) Merill et Perry, thuộc họ Sim (Myrtaceae).
1.1. Cây Đinh hương
Đinh hương cao 12 – 15 m. Lá mọc đối, hình bầu dục nhọn, phiến lá dai. Hoa mọc thành xim nhỏ chi chít và phân nhánh ở đầu cành. Hoa gồm lá dài dày, khi chín có màu đỏ tươi.
1.2. Dược liệu Đinh hương
Nụ hoa giống như một cái đinh, màu nâu sẫm, bao gồm phần bầu dưới của hoa hình trụ, dài 10 mm đến 12 mm, đường kính 2 mm đến 3 mm và một khối hình cầu có đường kính 4 mm đến 6 mm. Ở phía dưới bầu đôi khi còn sót lại một đoạn cuống hoa ngắn, phía trên có 4 lá đài dày, hình 3 cạnh, xếp chéo chữ thập. Khối hình cầu gồm 4 cánh hoa chưa nở, xếp úp vào nhau. Bóc cánh hoa thấy bên trong có nhiều nhị, giữa có một vòi nhụy, thẳng, ngắn.
3. Thành phần hoá học
- Nụ đinh hương chứa từ 10 đến 12% nước, 5 đến 6% chất vô cơ, rất nhiều gluxit, 610% lipit, 13% tanin.
- Hoạt chất chính của Đinh hương là tinh dầu chiếm tới 15 – 20%. Trong tinh dầu, thành phần chủ yếu là 80 đến 85% eugenol (allygaiacol). Kèm theo 2 đến 3% axetyleugenol. Các hợp chất cacbua trong đó có một chất sesquitecpen là caryophyllen. Một ít dẫn xuất xeton (metylamylxeton) ảnh hưởng tới mùi của tinh dầu và các este.
4. Tác dụng dược lý
Thuốc trừ giun: chiết xuất từ nước hoặc rượu có thể làm tê liệt hoặc tiêu diệt giun tròn trong ống nghiệm. Chó bị nhiễm giun tròn dùng liều dầu Đinh hương 0,5 – 1 g/kg, có tác dụng làm tê liệt, nhưng không thể tẩy giun tròn hoàn toàn. Dầu Đinh hương có tác dụng vượt trội hơn so với thuốc sắc Đinh hương.
Hỗ trợ dạ dày: Đinh hương làm tăng co bóp dạ dày. Nó có thể làm giảm đầy hơi bụng, tăng cường tiêu hóa và giảm buồn nôn và nôn.
Tác dụng giảm đau: dầu Đinh hương (một lượng nhỏ) có thể khử trùng khoang sâu răng và phá hủy dây thần kinh của nó. Do đó làm giảm đau răng.
Tác dụng kháng khuẩn: Đinh hương đã được chứng minh chống lại một số chủng vi khuẩn và nấm. Mẫu cho thấy tác dụng diệt khuẩn hoàn toàn chống lại tất cả các mầm bệnh truyền qua thực phẩm đã được thử nghiệm Escherichia coli (E. coli), Staphylococcus aureus và Bacillus cereus là chiết xuất từ cây đinh hương ở mức 3%. Ở nồng độ chiết xuất từ cây đinh hương 1% cũng cho thấy tác dụng ức chế tốt.
5. Công dụng, liều dùng
5.1. Công dụng theo YHCT
Tính vị: cay, ôn. Quy kinh tỳ, vị, thận.
Tác dụng: ôn trung giáng nghịch, tán hàn chi thống, ôn thận trợ dương.
Chỉ định:
Điều trị hư hàn gây nấc thường dùng với thị đế, đẳng sâm, sinh khương như bài đinh hương thị đế thang. Điều trị vị hàn gây nôn, thường dùng với bán hạ, sinh khương. Điều trị tỳ vị hư hàn gây ỉa lỏng, nôn, ăn ít thường dùng với bạch truật, sa nhân như bài đinh hương tán.
Điều trị vị hàn, bụng lạnh đau thường dùng với diên hồ sách, ngũ linh chi.
Điều trị thận hư gây liệt dương, lạnh tử cung thường dùng với phụ tử, nhục quế, dâm dương hoắc.
Chú ý: kỵ với uất kim.
5.2. Liều dùng
Ngày dùng từ 1 g đến 4 g dưới dạng thuốc sắc, hoặc tán.
6. Đơn thuốc kinh nghiệm
6.1 Nấc cụt lâu ngày
Dùng bài Đinh hương thị đế thang: Đinh hương 3 g, Thị đế 10 g, Sinh khương 10 g, sắc nước uống.
6.2 Trẻ em ăn đồ lạnh đau bụng
Đinh hương, Sa nhân, Hậu phác, Can khương, Quất bì, Thảo quả, Thương truật, Mộc hương, Mạch nha.
6.3 Nôn ói, tiêu chảy do ăn đồ lạnh
Đinh hương có công dụng trị nấc, nôn ói, tiêu chảy do ăn phải đồ lạnh.
Bài Đinh hương tán: Đinh hương 3 g, Sa nhân 5 g, Bạch truật 10 g, tán bột mịn mỗi lần uống 2 – 4 g, ngày 2 đến 3 lần với 2 đến 3 lần với nước ấm.
7. Lưu ý
- Không dùng đinh hương phối hợp với uất kim.
- Người bị nôn mửa do nhiệt và đang viêm sốt không dùng.
Để lại một phản hồi