Điều trị Di chứng của nhồi máu não theo YHCT

DI CHỨNG NHỒI MÁU NÃO (BÁN THÂN BẤT TOẠI)

ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, di chứng tai biến mạch máu não nói chung và di chứng nhồi máu não nói riêng là hậu quả thường gặp của nhóm bệnh lý thần kinh mà nguyên nhân chính là do các bệnh lý tim mạch. Nhồi máu não xảy ra khi một mạch máu bị huyết khối hoặc bị nghẽn mạch làm khu vực não tưới máu bởi động mạch đó bị thiếu máu và hoại tử. Nhồi máu não chiếm khoảng 85% các tai biến mạch máu não, nguyên nhân chủ yếu do: xơ vữa mạch ở người lớn tuổi; tăng huyết áp; bệnh tim có loạn nhịp, hẹp van hai lá, viêm nội tâm mạc bán cấp… Trên lâm sàng, bệnh thường biểu hiện bằng tình trạng liệt nửa người với các thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra từ từ với các triệu chứng thần kinh khu trú hơn lan toả và được xếp vào phạm vi của chứng “Bán thân bất toại” của Y học cổ truyền. 

Việc chẩn đoán xác định dựa trên triệu chứng lâm sàng có sự thiếu sót về chức năng thần kinh và cận lâm sàng trên phim CT – scanner hoặc MRI sọ não có hình ảnh nhồi máu não.

Hậu quả của nhồi máu não thường để lại di chứng liệt vận động nửa người, thất ngôn, liệt các dây thần kinh sọ, rối loạn cảm giác, rối loạn cơ tròn, trong đó liệt nửa người là triệu chứng hay gặp nhất. Do vậy, phục hồi chức năng cho người bệnh sau nhồi máu não là một yêu cầu cấp thiết. Khi người bệnh qua giai đoạn cấp các dấu hiệu sinh tồn ổn định thì có thể bắt đầu được điều trị bằng Y học cổ truyền hoặc kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại.

NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Ngoại phong: chính khí cơ thể hư suy, vệ khí bất cố, lạc mạch trống rỗng làm phong tà thừa cơ xâm nhập vào kinh mạch khiến cho kinh mạch bế tắc, khí huyết không thông mà gây bệnh.

Nội phong:

Ăn uống không điều độ, ăn nhiều chất béo ngọt, uống nhiều rượu bia hoặc lo nghĩ quá nhiều gây tổn thương Tỳ. Tỳ hư lâu ngày không vận hóa được thủy thấp làm thủy thấp đình trệ lại mà sinh đàm. Đàm tích trệ trong cơ thể lâu ngày uất lại hóa hỏa, hỏa động sinh phong mà gây bệnh.

Người cao tuổi hoặc bẩm tố thận tinh hư tổn không nuôi dưỡng được can âm. Âm hư không tiềm được dương làm can dương vượng lên mà sinh phong, phong động gây nên bệnh.

Người hay cáu giận, tình chí uất ức làm ảnh hưởng tới chức năng sơ tiết của tạng can, can hỏa vượng sinh phong mà gây bệnh.

Khí hư, huyết ứ: Người cao tuổi, khí huyết cơ thể hư suy lâu ngày dẫn tới khí hư huyết ứ mà gây bệnh. 

CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

 Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

Thể can thận âm hư

Thường gặp ở người có thể trạng gầy, người cao tuổi, tăng huyết áp và có xơ vữa mạch. 

Triệu chứng:

Bán thân bất toại (yếu, liệt nửa người), chân tay cứng đờ, co quắp, nói ngọng, miệng méo, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai, chất lưỡi đỏ, không rêu hoặc rêu vàng khô. Mạch huyền sác.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bát cương: Lý hư nhiệt.         

Chẩn đoán tạng phủ: Can thận âm hư.

Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

Pháp điều trị:

Tư âm tiềm dương, trấn hỏa tức phong.

Phương 

Điều trị bằng thuốc

Cổ phương: Lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết)

                Thục địa 12g Trạch tả 08g
                Hoài sơn 12g Phục linh 08g
                Sơn thù 12g Mẫu lệ 10g
                Đan bì 08g Miết giáp 10g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Hoặc bài: Đại định phong châu (Ôn bệnh điều biện)

Mạch môn 10g Bạch thược 10g
A giao 08g Ngũ vị tử 08g
Sinh mẫu lệ 10g Sinh miết giáp 10g
Sinh quy bản 10g Can địa hoàng 08g
Kê tử hoàng 2 quả Chích cam thảo 06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Chú ý sau khi sắc xong cho Kê tử hoàng vào bát thuốc và uống nóng.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương:

Long cốt 12g Mẫu lệ 12g
Quy bản 12g Miết giáp 12g
Bạch thược 12g Huyền sâm 12g
Thiên môn 12g Ngưu tất 12g
Câu đằng  12g Cam thảo 06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Điều trị không dùng thuốc

Châm: 

Phác đồ huyệt chung:  

Bách hội (GV.20) Kiên tỉnh (GB.21)
Kiên ngung (LI.15)  Tý nhu (LI.14)
Hợp cốc (LI.4) Phục thỏ (ST.32)
Túc tam lý (ST.36)  Huyết hải (SP.10)
Thái khê (KI.3) Can du (BL.18)
Huyền chung (GB.39) Bát tà 

Nếu liệt mặt: 

Địa thương (ST.4) 

Quyền liêu (SI.18)

Nếu nói ngọng:

Liêm tuyền (CV.23) 

Liệu trình: 10 – 15 ngày/liệu trình. Chọn 16 – 20 huyệt cho 1 lần châm, thời gian châm 30 phút/lần/ngày. 

Cấy chỉ: Có thể chọn 10 – 15 huyệt theo phác đồ huyệt trên để cấy chỉ nửa người bên liệt. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng từ 7 đến 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ đến khám lại để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo.

Điện mãng châm:

Thất ngôn, châm tả các huyệt: 

          Bách hội (GV.20)   Thượng liêm tuyền hướng về gốc lưỡi
          Ngoại kim tân            Ngoại ngọc dịch

Liệt mặt: Châm tả các huyệt       

Quyền liêu (SI.18) xuyên Hạ quan (ST.7)

Địa thương (ST.4) xuyên Giáp xa (ST.6)

Thừa tương (CV.24) Ế phong (TE.17)

Liệt tay: Châm tả các huyệt 

Giáp tích C4 xuyên C7                  

Đại chùy (GV.14) xuyên Tích trung

Kiên ngung (LI.15) xuyên Khúc trì (LI.11)

Kiên trinh (SI.9) xuyên Cực tuyền (HT.1)

Khúc trì (LI.11) xuyên Ngoại quan (TE.5)

Hợp cốc (LI.4) xuyên Lao cung (PC.8)

Bát tà

Liệt chân: Châm tả các huyệt

Giáp tích D12 xuyên L5

Hoàn khiêu (GB.30) xuyên Thừa phù (BL.36)

Thừa sơn (BL.57) xuyên Uỷ trung (BL.40)

Lương khâu (ST.34) xuyên Bễ quan (ST.31)

Giải khê (ST.41) xuyên Khâu khư (GB.40)

Tích trung (GV.6) xuyên Yêu dương quan (GV.3)

Dương lăng tuyền (GB.34) xuyên Huyền chung (GB.39)

Phi dương (BL.58) xuyên Côn lôn (BL.60) 

Địa ngũ hội (GB.42)

Châm bổ các huyệt: 

Thận du (BL.23) xuyên Bạch hoàn du (BL.30)

Tam âm giao (SP.6) xuyên Âm cốc (KI.10)

Thái khê (KI.3) xuyên Trúc tân (KI.9)

Huyết hải (SP.10) xuyên Âm liêm (LB.11)

Liệu trình: 10 – 15 lần/liệu trình. Thời gian châm 20 – 30 phút/lần.

Laser châm: Công thức huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Liều điều trị: A thị huyệt 1 – 2J/cm2, các huyệt khác 1 – 3J/cm2. Thời gian 15 – 20 phút cho một lần laser châm. Mỗi ngày một lần, một liệu trình từ 10 đến 15 lần.

Thủy châm: Sử dụng các thuốc có chỉ định tiêm bắp, tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc có thể sử dụng thuốc phù hợp với chẩn đoán. Mỗi lần thủy châm 2 – 3 huyệt, mỗi huyệt 1 – 2ml, ngày thủy châm 1 lần, từ 10 đến 15 ngày/liệu trình.

Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các động tác xoa bóp bấm huyệt và vận động nửa người bên liệt. Day, ấn, bấm huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Liệu trình: từ 10 đến 15 ngày/liệu trình. Mỗi lần xoa bóp bấm huyệt 30 phút, ngày 1 lần. 

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

Thể phong đàm

Thường gặp ở những người tăng huyết áp, béo phì, cholesterol máu cao.

Triệu chứng:

Bán thân bất toại (liệt nửa người), chân tay tê dại, nặng nề, khó cử động, miệng méo, nói ngọng, nặng đầu, hoa mắt chóng mặt, lưỡi bệu, dính nhớt, rêu trắng dày. Mạch huyền hoạt hoặc phù hoạt.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bát cương: Lý hư.

Chẩn đoán tạng phủ: Tỳ hư.

Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương, đàm thấp hoá hoả sinh phong).

Pháp điều trị:

Kiện tỳ, trừ đàm thông lạc.

Phương điều trị

Điều trị bằng thuốc

Cổ phương: “Đạo đàm thang” (Tế sinh phương)

Bán hạ chế 12g Đảng sâm 12g
Trần bì 08g Trúc nhự 04g
Phục linh 12g Xương bồ 12g
Cam thảo 06g Đại táo 12g
Đởm nam tinh 12g Sinh khương 3 lát

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Hoặc dùng bài “Bán hạ bạch truật thiên ma thang” (Y học tâm ngộ)

           Bán hạ chế 12g         Trần bì 06g
           Thiên ma 12g         Cam thảo 06g
           Bạch truật 12g         Bạch linh 12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương:

           Bán hạ chế 12g Trần bì 06g
           Phục linh 12g Bạch truật 12g
           Khương hoạt 12g Thạch xương bồ 12g
           Thiên ma 12g Cam thảo 06g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Điều trị không dùng thuốc

Châm:

Phác đồ huyệt chung:  

Bách hội (GV.20)                Kiên tỉnh (GB.21)
Kiên ngung (LI.15)  Tý nhu (LI.14)
Khúc trì (LI.11)                    Thủ tam lý (LI.10)
Ngoại quan (TE.5)  Dương trì (TE.4)
Hợp cốc (LI.4)                     Bát tà 
Phong thị (GB.31)  Phục thỏ (ST.32)
Lương khâu (ST.34)  Huyết hải (SP.10)
Tỳ du (BL.20)                      Giải khê (ST.41)        
Âm lăng tuyền (SP.9) Bát phong
Tam âm giao (SP.6)  Túc tam lý (ST.36)
Phong long (ST.40)   Dương lăng tuyền (GB.34)
Huyền chung (GB.39)

Nếu liệt mặt: 

Địa thương (ST.4)  Giáp xa (ST.6)                     
Quyền liêu (SI.18)  Thừa tương (CV.24) bên liệt 

Nếu nói ngọng: 

Liêm tuyền (CV.23)   Bàng liêm tuyền 2 bên. 

Phương pháp châm: Hào châm hoặc điện châm.

Liệu trình: từ 10 đến 15 ngày/liệu trình. Chọn 10 – 15 huyệt cho 1 lần châm, thời gian châm 30 phút/lần/ngày. 

Cấy chỉ: Có thể chọn 10 – 15 huyệt theo phác đồ huyệt trên để cấy chỉ nửa người bên liệt. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng từ 7 đến14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ đến khám lại để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo.

Thủy châm, điện mãng châm, laser châm: Như thể Can thận âm hư.

Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các động tác xoa bóp bấm huyệt và vận động nửa người bên liệt. Day, ấn, bấm huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Liệu trình: từ 10 đến 15 ngày/liệu trình. Mỗi lần xoa bóp bấm huyệt 30 phút, ngày 1 lần. 

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

Thể khí hư huyết ứ

Thường gặp ở người bệnh có bệnh lý tim mạch, xơ vữa động mạch.

Triệu chứng:

Bán thân bất toại (yếu, liệt nửa người), chân tay mình mẩy mềm vô lực, tê bì, nói ngọng, nói khó, miệng méo, sắc mặt không tươi nhuận, lưỡi tím có điểm ứ huyết. Mạch tế sáp hoặc hư nhược.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bát cương: Lý hư trung hiệp thực.

Chẩn đoán tạng phủ: Khí hư, huyết ứ.

Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

Pháp điều trị:

Ích khí hoạt huyết thông lạc.

Phương điều trị

Điều trị bằng thuốc

Cổ phương: “Bổ dương hoàn ngũ thang”

Quy vĩ 12g Hồng hoa 08g
Sinh hoàng kỳ 20g Xuyên khung 10g
Địa long 06g Xích thược 12g
Đào nhân 08g

 Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương:

Đảng sâm 12g Xuyên khung 10g
Sinh hoàng kỳ 12g Xích thược 12g
Đương quy 12g Đan sâm 12g
Bạch truật 12g Ngưu tất  12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Điều trị không dùng thuốc

Châm:

Phác đồ huyệt chung:

Châm tả các huyệt: 

Bách hội (GV.20)      Kiên tỉnh (GB.21)
Kiên ngung (LI.15)  Tý nhu (LI.14)
Khúc trì (LI.11)         Thủ tam lý (LI.10) 
Ngoại quan (TE.5)  Dương trì (TE.4)
Hợp cốc (LI.4)           Huyền chung (GB.39)
Phong thị (GB.31)  Phục thỏ (ST.32)
Lương khâu (ST.34)  Giải khê (ST.41)
Âm lăng tuyền (SP.9) Dương lăng tuyền (GB.34)
Bát tà                       Tam âm giao (SP.6)
Bát phong bên liệt  Huyết hải (SP.10) hai bên. 

Châm bổ các huyệt: 

Quan nguyên (CV.4)           Khí hải (CV.6)
Túc tam lý (ST.36)

Nếu liệt mặt: 

Địa thương (ST.4)  Giáp xa (ST.6)
Quyền liêu (SI.18)  Thừa tương (CV.24) 

Nếu nói ngọng: Liêm tuyền (CV.23)        Bàng liêm tuyền 2 bên

Phương pháp châm: Hào châm hoặc điện châm.

Liệu trình: từ 10 đến 15 ngày/liệu trình. Chọn 16 – 20 huyệt cho 1 lần châm, thời gian châm 30 phút/lần/ngày. 

Cấy chỉ: Có thể chọn 10 – 15 huyệt theo phác đồ huyệt trên để cấy chỉ nửa người bên liệt. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng từ 7 đến 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ đến khám lại để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo. 

Thủy châm, điện mãng châm, laser châm: Như thể Can thận âm hư.

Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các động tác xoa bóp bấm huyệt và vận động nửa người bên liệt. Day, ấn, bấm huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Liệu trình: từ 10 đến 15 ngày/liệu trình. Mỗi lần xoa bóp bấm huyệt 30 phút, ngày 1 lần.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

Nguyên tắc điều trị

Kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng: Theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, Đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch kèm theo…

Điều trị cụ thể

Điều trị bằng thuốc

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

Thuốc tăng cường dinh dưỡng và bảo vệ tế bào thần kinh

Thuốc chống co cứng cơ

Điều trị không dùng thuốc

Tập phục hồi chức năng: Các bài tập tùy thuộc vào giai đoạn, mức độ liệt của người bệnh. Giai đoạn liệt mềm tập thụ động các khớp bên liệt. Giai đoạn liệt cứng tập vận động thụ động hoặc có trợ giúp tùy thuộc vào mức độ liệt của người bệnh, tập nằm, ngồi, thăng bằng, đứng, đi và thực hiện các động tác sinh hoạt hàng ngày. Thực hiện theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

PHÒNG BỆNH

Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như: Huyết áp, đường máu, lipid máu…

Thay đổi lối sống: Ăn nhạt, giảm lượng rượu, bỏ thuốc lá, tăng cường vận động thể lực.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*