Dền gai là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng giảm đau, thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp rất hiệu quả.
1. Giới thiệu về Dền gai
- Tên gọi khác: Dền hoang, La rum giê la (Bana) và Phjăc hôm nam (Tày)
- Tên khoa học: Amaranthus spinosus L.
- Họ khoa học: Amaranthaceae (Rau dền)
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Phân bố:
- Ở vùng nhiệt đới châu Á, nay trở thành liên nhiệt đới.
- Còn được gọi là cây Dền hoang, bởi nó thường mọc hoang dại trong vườn nhà, ven đường, ven đồi núi…ở khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam.
- Cây con mọc từ hạt xuất hiện từ cuối mùa xuân đến suốt mùa hè, sinh trưởng phát triển nhanh, rồi tàn lụi khoảng giữa mùa thu.
- Là cây có nhiều hoa quả và hạt giống.
- Ở một số nơi trên các bãi sông, cây mọc gần như thuần loại tới hàng ngàn mét vuông.
- Ngọn và lá non là thức ăn cho gia súc nhưng do có nhiều gai, cây trở thành đối tượng gây khó khăn trong quá trình canh tác và thường bị loại trừ.
Thu hoạch:
- Thu hái Dền gai quanh năm.
- Có thể dùng tươi hoặc khô đều được. Đối với dạng khô, sau khi thu hoạch về đem rửa sạch, cắt ngắn và phơi khô.
- Mùa hoa quả: tháng 9 – 10.
1.2. Mô tả toàn cây
Dền gai thuộc loại thân thảo đứng, cao 0,3-0,7 m. Thân cành cứng nhẵn, phân thành nhiều cành, đôi khi màu đỏ, có 2 gai ở mỗi mẫu. Sở dĩ người ta gọi cây Dền gai là vì trên phần thân cây có nhiều cột gai nhỏ, mềm chứ không hề cứng. Cây có bộ rễ ăn sâu vào lòng đất nên khả năng chịu hạn, chịu nước tốt.
Lá mọc so le, hình mác hoặc bầu dục có cuống dài, gốc thuôn hoặc đầu tù hoặc hơi nhọn dài 3-5 cm, rộng 1,5-3 cm. Mép nguyên, hai mặt nhẵn. Ở gốc cây có gai dài khoảng 3 – 15 mm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, thành bông dày hoặc đặc dài 10-15 cm, thẳng đứng, lá bắc có mào. Bao hoa đực dài 2,5-3 mm. Có 5 phiến trứng nhọn, nhị 5. Bao hoa cái dài 1,5 mm, có phiến thuôn tù.
Quả có dạng túi, hình trứng nhọn một đầu. Hạt có màu đen óng ánh.
1.3. Bộ phận làm thuốc-Bào chế
Bộ phận dùng làm thuốc: Toàn cây Dền gai, đặc biệt là rễ và lá.
Cách chế biến:
- Dùng toàn cây rửa sạch, cắt ngắn, phơi khô. Có thể đốt thành tro dùng dần.
- Chú ý cây có rất nhiều gai sắc nhọn, bởi vậy cần mang bao tay khi chế biến cây thuốc này.
1.4. Bảo quản
Bảo quản dược liệu trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.
2. Thành phần hóa học và tác dụng
2.1. Thành phần hóa học
Toàn thân Dền gai chứa:
- Lượng nitrat kali nhất định.
- Nhiều sắt, đây là một trong loại rau ở Việt Nam về thành phần sắt bên trong giúp bổ máu.
- Ngoài ra còn có nhiều các vitamin B2, C, A, hàm lượng canxi nhiều,
- Giàu nước, chất xơ, đạm thực vật, glucid các axit amin như lysin, axit nicotic…
- Rễ chứa spinasterol. Toàn cây chứa sterol. Phần trên mặt đất chứa rutin 1,9%.
2.2. Tác dụng Y học hiện đại:
- Dền gai có hoạt tính kích thích thực bào.
- Cao nước có tác dụng diệt nấm đối với nấm Cercospora cruenta gây bệnh ở cây.
- Hàm lượng canxi và các khoáng chất giúp cho quá trình tạo xương chắc khỏe hơn, hạn chế loãng xương và thoái hóa khớp, tốt cho xương khớp đồng thời điều trị đau nhức xương khớp,đau lưng, gai cột sống.
- Hỗ trợ điều trị kiết lỵ, chảy máu cam.
- Tác dụng trong việc điều trị bệnh sỏi thận.
- Tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, làm mát gan, bảo vệ gan.
- Giảm ho khan, ho có đờm, viêm họng.
- Điều trị khí hư, kinh nguyệt không đều.
2.3. Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị: Vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh.
Tùy theo bộ phận mà có các tác dụng riêng:
- Tác dụng chung thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp, giảm đau, cầm tiêu chảy…,
- Lá và ngọn non dùng luộc ăn như các loại rau dền. Thường dùng trị phù thũng, bệnh về thận, bệnh lậu, chữa lỵ có vi khuẩn và làm thuốc điều kinh.
- Phần cây trên mặt đất được dùng làm thuốc dịu để trị bỏng, đắp tiêu viêm mụn nhọt.
- Lá có tính long đờm và được dùng trị ho và các bệnh về đường hô hấp.
- Hạt đắp để băng bó chỗ gãy, trật đả ứ huyết.
- Ở Ấn Độ, rễ được dùng trị rong kinh, lậu, eczema, đau bụng, làm tiết sữa. Rễ và lá sắc cho trẻ em uống để nhuận tràng; còn dùng đắp làm dịu apxe, mụn nhọt và bỏng.
3. Cách dùng và liều dùng Dền gai
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau và liều lượng thay đổi. Dền gai có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, hoặc dùng tươi đắp ngoài.
Kiêng kỵ:
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
- Do vị thuốc có tính hơi lạnh nên những người bị tiêu chảy mãn tính, phụ nữ có thai hư hàn hoặc người có cơ địa tính hàn không nên sử dụng.
- Không ăn Dền gai hoặc bất kỳ loại Dền nào khác với thịt ba ba vì hai loại thực phẩm này kỵ nhau. Nếu sử dụng chung có thể gây độc.
- Phụ nữ đang hành kinh hoặc phụ nữ đang mang thai hay cho con bú không nên sử dụng Dền gai trong các bài thuốc chữa bệnh.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm từ Dền gai
4.1. Hỗ trợ giảm ho có đờm
Thân, lá Dền gai 50g, Cam thảo đất 16g, lá Bồng bồng 20g, Kim ngân hoa 20g. Rửa sạch tất cả các vị thuốc, cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 250ml, chia 2 – 3 lần. Dùng liền 5 ngày.
Hoặc dùng thân, lá cây Dền gai 50g, Cam thảo đất 16g, lá Húng chanh 16g, vỏ rễ Dâu tằm 16g. Rửa sạch tất cả các vị thuốc, cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 250ml, chia 2 – 3 lần. Dùng liền 5 ngày.
4.2. Hỗ trợ chữa kinh nguyệt không đều
Rễ Dền gai 20g, Bạc thau 16g. Rửa sạch tất cả các vị thuốc, cho vào ấm đổ 400ml nước sắc còn 100ml, chia 2 – 3 lần.
4.3. Chữa kiết lỵ ra máu
Rễ Dền gai 20g, lá Huyết dụ 12g, lá Trắc bá 8g, Hoa hòe 4g. Tất cả thái nhỏ sao vàng, sắc uống.
Dền gai là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày.
Để lại một phản hồi