1. Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật xuất hiện khi các cơ quan bị thiếu máu do các mạch máu co thắt và nội mạch phù dày. Gây ra bởi một loạt các bệnh lý trong thai kỳ, huyết áp cao, nước tiểu có đạm và phù. Tiền sản giật chiếm tỉ lệ 5 – 8% số phụ nữ mang thai và thường xảy ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ.
Nếu không được điều trị kịp thời, tiền sản giật có thể trở thành sản giật gây ra nhiều biến chứng và hậu quả hết sức nặng nề.
2. Triệu chứng tiền sản giật
Khi người mẹ có dấu hiệu của tiền sản giật, là bắt đầu từ tuần thứ 20 của thai kỳ.
Lúc này huyết áp của người mẹ đột ngột tăng cao, huyết áp tối đa ≥ 140mmHg và huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg. Toàn thân của người mẹ sưng, phù thường là ở bàn tay, chân và bàn chân. Xét nghiệm nước tiểu có đạm niệu > 0,3g/l.
Tiền sản giật giai đoạn nặng: Huyết áp tối đa ≥ 160mmHg và/ hoặc tối thiểu ở mức ≥ 110mmHg, đạm niệu đạt mức ≥ 3g/l. Kèm theo đó là những triệu chứng cơ năng như đau đầu không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường, đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, khó thở, xanh tím. Các cơ quan như mắt cũng bị ảnh hưởng nặng, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, tầm nhìn của mắt kém; thiểu niệu (lượng nước tiểu <>
Khi làm các xét nghiệm sinh hóa cũng có thay đổi: men gan tăng cao, tiểu cầu giảm, creatinin máu tăng cao.
Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến giai đoạn sản giật là biến chứng của tiền sản giật nặng. Lúc này cơ thể bắt đầu co giật từ mặt đến các cơ. Người mẹ có thể cắn lưỡi do hàm bị cử động mạnh. Dần dần cơ thể bị bất động ngưng thở, hoặc thở sâu và dẫn tới hôn mê. Tuy nhiên sau khi tỉnh dậy người mẹ không nhớ gì về sự việc đã trải qua.
3. Nguyên nhân gây ra tiền sản giật
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố nguy cơ được cho là có khả năng cao như:
– Với những bà mẹ có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu dưỡng chất, máu và sắt có nguy cơ mắc bệnh cao.
– Với những hiện tượng song thai, đa thai hay mang thai con đầu lòng, người mẹ có tuổi cao từ 40 tuổi cũng là những yếu tố thuận lợi để bệnh xuất hiện.
– Mắc một số bệnh lý như: cao huyết áp mạn tính, tiểu đường, bệnh thận mãn tính, béo phì thừa cân hay bị một số rối loạn máu khó đông.
– Ngoài ra, nếu trong gia đình có người thân như: bà, mẹ, cô dì hay chị em ruột bị tiền sản giật thì có nguy cơ cao bị ảnh hưởng trực tiếp.
4. Điều trị tiền sản giật
Nếu như bị tiền sản giật, thai còn non tháng, nên đến bệnh viện làm các xét nghiệm sinh hóa. Để bác sĩ theo dõi tình hình bệnh, nên đi tái khám 1 tuần/lần. Khi tiền sản giật chuyển qua giai đoạn nặng, thai phụ cần được theo dõi sát tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Nên đo huyết áp tại nhà ngày 2 lần sáng và chiều, theo dõi cân nặng, thai máy, nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc đặt biệt là việc nặng.
Theo dõi sát sao các dấu hiệu nặng như hoa mắt, nhìn kém, huyết áp cao, nước tiểu đậm màu. Khi thấy những dấu hiệu trên người mẹ nên gặp bác sĩ để kịp thời điều trị.
Người mẹ nên dự phòng trước tiền sản giật bằng cách ăn nhiều chocolate đen, canxi, vitamin tổng hợp, Omega 3….
Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, điều trị nguyên nhân là phải ngừng thai nghén, các điều trị khác chỉ là điều trị triệu chứng để phòng các biến chứng vì vậy phải lấy thai ra sớm.
5. Phòng ngừa tiền sản giật
Hiện nay có thể dự báo tiền sản giật thông qua sàng lọc quý 1 của thai kỳ (từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày), sản phụ sẽ được khai thác tiền sử, đo huyết áp động mạch cả hai tay, siêu âm sàng lọc đo Doppler động mạch tử cung, làm một số các xét nghiệm sinh hoá để tính nguy cơ có thể mắc tiền sản giật vào nửa sau thai kỳ. Nếu thai phụ được xác định có nguy cơ cao mắc tiền sản giật (chỉ số nguy cơ ≥ 1/100) sẽ được tư vấn điều trị dự phòng bằng thuốc, như: Canxi liều cao hoặc Aspirin liều thấp. Nếu thai phụ có nguy cơ thấp sẽ được tiếp tục theo dõi thai kỳ.
Để phòng bệnh tiền sản giật người mẹ phải ăn uống hợp lý. Nên bổ sung nhiều đạm, canxi, vitamin, các yếu tố vi lượng. Nhiều loại thức ăn giàu Omega 3 (DHA, EPA) như: cá hồi, hạt vừng, quả óc chó…
Tham gia các lớp học về kiến thức tiền sản, sau sinh. Để có đủ kiến thức, và khả năng phát hiện ra bệnh cao.
Chăm sóc trước sinh, hay theo dõi các sản phụ có nguy cơ cao ở nửa sau thai kỳ sẽ phát hiện được sớm các dấu hiệu của tiền sản giật.
Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, nên giữ tinh thần thoải mái, hạn chế làm việc, đi lại nhẹ nhàn, cẩn thận. Giữ cân nặng ở mức độ ổn định, tránh béo phì và tăng cân đột ngột.
Nguồn: Thạc sĩ Võ Văn Khoa – BV Đại học Y dược Huế
Để lại một phản hồi