Đạm trúc diệp (Cỏ lá tre) là loại thực vật dân dã và gần gũi với người dân. Cây có nhiều tác dụng điều trị bệnh rất hiệu quả, đặc biệt là vị thuốc từ lá cây – Trúc diệp. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của Trúc diệp.
1. Giới thiệu về Trúc diệp
- Tên gọi khác: Đạm trúc diệp, Toái cốt tử, Sơn kê mễ…
- Tên khoa học: Folium Bamburae vulgaris.
- Họ Lúa Poaceae (Gramineae).
- Vị thuốc Trúc diệp là thân lá phơi khô của cây Đạm trúc diệp (Lophatherum gracile Brongn).
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Đạm trúc diệp mọc hoang khắp nơi ở nước ta, nhưng nhiều nhất là ở những vùng rừng thưa và đồi cỏ. Ngoài ra, cây còn được thấy xuất hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản… Cây ưa ẩm, mọc trên các loại đất tương đối màu mỡ, ra hoa quả hằng năm.
Thu hái khoảng tháng 5 – 6, hái toàn cây, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô, bó thành từng bó nhỏ, khi dùng cắt ngắn khoảng 2 – 3cm. Có thể dùng tươi.
Mùa hoa quả: tháng 4 – 8.
1.2. Mô tả toàn cây
Đạm trúc diệp là một loại cỏ sống lâu năm, có rễ phình thành củ, nhiều nhánh, cứng. Thân cao 0,6 – 1,5m, mọc thẳng đứng, đốt dài.
Lá mềm, hình mác dài nhọn, dài 10 – 15cm, rộng 2 – 3cm. Những lá phía trên lơ thơ ở mặt trên có ít lông, mặt dưới nhẵn, cuống lá gầy tiếp liền với bẹ dài, ôm lấy thân.
Hoa mọc thành chùy thưa ở ngọn thân, dài 15 – 45cm, bông nhỏ dài 7 – 12mm, hình mũi mác. Hoa lưỡng tính có 8 – 9 mày nhỏ cuộn lại, nhị 2 – 3.
Quả hình thoi dài chừng 4mm.
1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế
Sau khi thu hái dược liệu, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô, bó thành từng bó nhỏ, khi dùng cắt ngắn khoảng 2 – 3cm. Có thể dùng tươi.
1.4. Bảo quản
Vị thuốc nên được bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm hay mối mọt. Có thể cho vào túi nylon để bảo quản và sử dụng dần.
2. Thành phần hóa học
Trong thảo dược có chứa các hoạt chất: arundoin, cyulindrin, acid hữu cơ, đường…
3. Công dụng
3.1. Y học hiện đại
- Hạ sốt: Những thí nghiệm trên các loài chuột cống trắng, mèo, thỏ cho thấy Trúc diệp có khả năng hạ sốt hiệu quả. Thành phần có tác dụng này tan trong nước mà khó tan trong cồn.
- Lợi niệu của Trúc diệp yếu hơn Trư linh, Mộc thông nhưng lượng hợp chất clorua trong nước tiểu được thải ra nhiều hơn.
Tuy nhiên, những tác dụng trên đa số được thực hiện trong phòng thí nghiệm và trên động vật. Vẫn cần có nhiều bằng chứng lâm sàng hơn nữa.
3.2. Y học cổ truyền
Tính vị: ngọt, đạm, hàn. Qui kinh tâm, vị, tiểu trường.
Tác dụng: thanh nhiệt trừ phiền, thông lợi tiểu tiện.
Chỉ định:
Chứng nhiệt bệnh phiền khát, thường dùng cùng với thạch cao, lô căn.
Chứng tâm hoả tích thịnh, miệng lưỡi loét, di nhiệt xuống tiểu trường gây ra chứng đái buốt, đái dắt, thường dùng cùng đăng tâm thảo, hoạt thạch, bạch mao căn.
Điều trị chứng thủy thũng, tiểu ít, thường dùng cùng với nhân trần, hoàng cầm, chi tử.
Liều dùng: 10 – 15g.
3.3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau.Thường dùng dưới dạng thuốc sắc phối hợp nhiều vị thuốc khác, liều 10 – 15g.
Thuốc dễ gây sảy thai, phụ nữ có thai dùng nhiều dễ bị đẻ non.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Trị chứng tâm kinh thực nhiệt, bứt rứt, khát nước, miệng lưỡi lở loét, nước tiểu ít và vàng
Trúc diệp 12g, Sinh địa 16g, Mộc thông 12g, Cam thảo tiêu 8g, sắc uống (Đạo xích tán).
4.2. Trị chứng vị nhiệt sinh nôn
Trúc diệp 16g, Sinh Thạch cao 20g, Bán hạ 12g, Đảng sâm 12g, Mạch đông 12g, Cam thảo 8g, Cánh mễ 8g, sắc nước uống (Trúc diệp Thạch cao thang).
4.3. Trị viêm niệu đạo, tiểu tiện đau buốt
Trúc diệp 15g, Thông thảo 5g, Sinh cam thảo 3g, Qua lâu căn 10g, Hoàng bá 5g, nước 600ml, sắc còn 200ml, uống 3 lần trong ngày.
Để lại một phản hồi