Dâm dương hoắc: Vị thuốc bổ thận tráng dương

Dâm dương hoắc có tên khoa học là Epimedium macranthum Morr. & Decne, thuộc họ Hoàng liên gai (Berberidaceae). Từ cái tên, Dâm dương hoắc đã nói lên công dụng của mình: bổ Thận tráng dương.

1. Xuất xứ và bộ phận dùng

1.1. Xuất xứ, tên gọi

  • Dâm dương hoắc phân bố chủ yếu ở miền rừng núi và có rất nhiều ở Trung Quốc, đây là cây thích hợp mọc ở vùng có khí hậu ôn đới. Ở Việt Nam, cây này xuất hiện tại các vùng núi cao vùng Tây Bắc, đặc biệt là ở Hòa Bình, Sapa.
  • Cây này có nhiều loài khác nhau như Dâm dương hoắc lá to , Dâm dương hoắc lá hình tim, Dâm dương hoắc tá mác, tất cả các loại trên đều được sử dụng trong y học cổ truyền.
  • Tương truyền rằng khi Dâm dương hoắc được người dân cho dê đực ăn. Sau đó dê đực có khả năng giao phối với dê cái rất nhiều lần trong ngày, từ đó cây được đặt tên là Dâm dương hoắc.
Dâm dương hoắc
Dâm dương hoắc

1.2. Bộ phận dùng

  • Bộ phận dùng là lá và cả thân cây đã phơi khô.
  • Vào mùa hạ và thu, hái lấy toàn bộ cây, cắt bỏ rễ mang về phơi hay sấy khô. Không phải chế biến gì đặc biệt.
Dâm dương hoắc phơi khô

2. Thành phần hoá học

Dâm dương hoắc chứa một lượng L-Agrinine rất cao, đây là hợp chất có tác dụng kích thích tăng trưởng hormon sinh dục nam. Ngoài ra còn có một lượng các chất giúp tăng cường dòng máu, hạ áp và hạ lipid máu như: alcaloid, flavoloids,  saponosid, phytosterol, tinh dầu, acid béo, vitamin E. Dịch chiết của cây có tác dụng tương tự hormon sinh dục gây tăng tiết tinh dịch và tăng ham muốn, giúp hạ huyết áp, hạ lipid máu và ức chế vi khuẩn như tụ cầu.

3. Tác dụng dược lý

Nhiều nghiên cứu Y học hiện đại đã cho thấy tác dụng:

  • Kích thích tố nam: uống dạng cao khiến kích thích xuất tinh
  • Hạ lipid máu và đường huyết
  • Tác dụng hạ huyết áp: khi dùng dâm dương hoắc cho thỏ và chuột bị huyết áp cao do thận nhận thấy huyết áp giảm sau khi dùng.
  • Tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.
  • Giảm ho, hóa đờm, bình suyễn có tác dụng rõ rệt, kháng khuẩn kháng viêm với tụ cầu vàng.

4. Theo Y học cổ truyền

Tính vị: cay, ngọt, ấm. Qui kinh can – thận.

Tác dụng: ôn thận tráng dương – cường cân cốt – khứ phong thấp.

Chỉ định:

Điều trị thận dương hư: liệt dương, không có thai, tiểu tiện nhiều, thường dùng cùng với thục địa, kỷ tử, ba kích như bài Tán dục hoàn.

Điều trị can thận bất túc gây đau cân cốt, tê nhức co rút do phong thấp, thường dùng cùng với đỗ trọng, ba kích, tang ký sinh. Ngoài ra gần đây áp dụng điều trị  chứng hen suyễn, cao huyết áp đạt hiệu qủa cao.

Liều dùng: 5 – 10g.

5. Đơn thuốc có Dâm dương hoắc:

5.1 Chữa liệt dương

Dâm dương hoắc 8g, Sinh khương 2g, Cam thảo 1g, Nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

5.2 Chữa bệnh đau nhức

Dùng Dâm dương hoắc, Uy linh tiên, Xuyên khung, Quế tâm, Thương nhĩ tử (mỗi vị 40g) đem tất cả tán nhuyễn; mỗi lần dùng 4g, dùng với rượu ấm. 

6. Lưu ý

  • Phụ nữ có thai không nên dùng.
  • Người mắc chứng liệt dương do thấp nhiệt, có âm hư hỏa vượng không được dùng.
  • Tướng hỏa dễ động, dương vật dễ cương, di mộng tinh, tiểu đỏ, miệng khô, mất ngủ, sung huyết não không dùng.
  • Một số tác dụng phụ có thể xảy ra như váng đầu, nôn mửa, miệng khô, chảy máu mũi.
  • Dùng dâm dương hoắc làm thuốc phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.

Dâm dương hoắc là vị thuốc quý có tác dụng bổ dương, bổ Thận, giúp ích cho việc sinh hoạt tình dục, và còn chữa chứng lưng đau gối mỏi. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*