Củ nâu hay được biết đến như một loại củ dùng để nhuộm nên những loại vải thổ cẩm của miền sơn cước. Tuy nhiên ít ai biết đây cũng là một vị thuốc được dân gian sử dụng với tác dụng trị tiêu chảy, kiết lị.
1. Mô tả
Củ nâu, hay còn có tên gọi khác là Củ nầng, Dây tẽn, Plé (Kho), Đâu (Tày). Tên khoa học là Dioscorea cirrhosa Lour., thuộc họ Dioscoreaceae (Củ nâu)
1.1 Cây Củ nâu
Câu củ nâu là loài dây leo thân nhẵn, ở gốc rất nhiều gai. Lá mọc cách ở gốc, mọc đôi ở ngọn.
Củ ở trên mặt đất, tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng.
Mặc dù tên khoa học chỉ xác định có một nhưng trên thực tế người ta thấy có mấy loại củ nâu như sau:
- Củ nâu dọc đỏ: củ xám vàng nhạt, vỏ không sần sùi, nhựa màu đỏ nhạt. Loại củ nâu này nhuộm vải cho màu bóng.
- Củ nâu dọc trai hay củ nâu dọc dựa: vỏ thường bị nứt, màu nâu xám nhạt, nhựa đỏ hơn loại trên.
- Củ nâu trắng hay củ nâu tẻ: vỏ củ có rãnh, màu nâu đỏ nhạt, nhựa màu vàng nhạt hơi hồng. Người ta thường dùng loại củ nâu này để nhuộm những nước đầu tiên rồi mới nhuộm những loại củ nâu đỏ nói trên. Vì người ta cho rằng loại củ nâu này làm cho vải thêm dày và bền.
1.2 Phân bố
Củ nâu mọc hoang tại hầu hết những vùng rừng núi ở nước ta. Nhiều nhất tại các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh (Quảng Yên), Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tây, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nghệ Anv.v… Còn được khai thác ở Lào.
2. Thu hái và bào chế
Củ nâu sau khi thu hái về phải gọt vỏ ngoài, ngâm nhiều nước và thay nước nhiều lần cho hết hoặc giảm chất chát, rồi luộc ăn.
3. Thành phần hoá học
Trong Củ nâu có nhiều tanin và tinh bột. Hiện chưa thấy nghiên cứu về thành phần hoá học khác trong Củ nâu được công bố.
4. Tác dụng dược lý
Một nghiên cứu khoa học đã sử dụng các thành phần hoạt tính cô lập được từ Củ nâu. Đem sử dụng trên chuột thông qua phương pháp tiêm tĩnh mạch cảnh chung và tiêm tĩnh mạch đuôi để kiểm tra tác động của chúng đối với huyết áp. Kết quả cho thấy hoạt chất được phân lập và tinh chế từ Củ nâu có hiệu quả rõ rệt trong việc hạ huyết áp của chuột.
Chưa tìm thấy nghiên cứu nào khác về tác dụng dược lý của của nâu được thực hiện.
5. Công dụng và liều dùng
Củ Nâu có vị ngọt, chát, tính bình không độc, có tác dụng thanh nhiệt cầm máu, làm se, sát trùng chống tích tụ.
Củ Nâu được dùng chữa tiêu chảy, kiết lỵ, các chứng tích tụ hòn cục trong bụng, xích bạch đới, băng huyết, chảy máu tử cung, ho ra máu, thổ huyết, đái ra máu. Dùng ngoài trị bỏng, đòn ngã tổn thương, bị thương chảy máu, viêm da mủ.
Liều dùng: Ngày 10-15g, sắc uống.
6. Phương thuốc kinh nghiệm
6.1 Chữa tiêu chảy, kiết lỵ
Củ Nâu thái mỏng, phơi hoặc sấy khô, ngày 10-20g, sắc chia 2-3 lần uống trong ngày. Có thể tán bột uống, mỗi lần 2-3g, ngày 2-4 lần.
6.2 Chữa phụ nữ tích huyết thành hòn cục
Lấy bã Củ nâu (sau khi đã mài với nước vắt lấy nước cốt để nhuộm) sấy khô tán bột uống 8g, ngày 2-3 lần. Hoặc dùng 20g bã Củ nâu sắc uống.
6.3 Chữa khí hư
Củ Nâu 20g sao đen, Mẫu lệ 12g, Ích tri nhân 12g, Bạch đồng nữ 20g, Đảng sâm 40g, Kim anh 12g, Thân khương (Gừng đốt cháy) 8g. Sắc chia 2 lần uống trong ngày.
Tóm lại, Củ nâu ngoài việc được dùng làm thuốc nhuộm, còn có thể được sử dụng như một loại thuốc chữa tiêu chảy, kiết lị, khí hư và tích huyết thành hòn cục ở nữ giới.
Để lại một phản hồi