Cốt khí củ còn được gọi là Điền thất. Đây là một loại cây hoang dại được tìm thấy nhiều ở Sa Pa. Cốt khí củ trong dân gian được sử dụng như một vị thuốc làm tan huyết ứ, dùng khi kinh nguyệt bế tắc gây đau bụng, té ngã chấn thương gây đau.
1. Mô tả
Cốt khí củ còn có tên gọi là Điền thất, Hoạt huyết đan, Tử kim long, Ban trượng căn, Hổ trượng căn. Tên khoa học là Reynoutria japonica Houtt. – Polygonum cuspidatum Sieb. et Zucc, thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).
Cốt khí là một cây nhỏ sống lâu năm, thân mọc thẳng, thường cao 0,5 – 1m, nhưng đặc biệt có nơi cao tới 2m. Thân không có lông, trên thân và cành thường có những đốm màu tím hồng.
Lá mọc so le có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, rộng, đầu trên hơi thắt nhọn, phía cuống hoặc hơi phẳng hoặc hẹp lại, mép nguyên, dài 5 – 12cm, rộng 3,5 – 8cm. Mặt trên màu xanh nâu đậm, mặt dưới màu nhạt hơn. Cuống dài 1 – 3cm. Bẹ chìa ngắn.
Hoa mọc thành chùm ô kẽ lá, mang rất nhiều hoa nhỏ. Cánh hoa màu trắng.
Rễ phình thành củ cứng màu vàng nâu.
2. Phân bố và thu hái
Cây của vùng Đông Á ôn đới, mọc hoang ở đồi núi và thường được trồng ở nhiều nơi để lấy củ làm thuốc. Có trên núi Cấm (An Giang).
Bộ phận dùng làm thuốc của cây này là phần rễ củ.
Mùa thu hoạch Cốt khí củ là quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu (tháng 8 – 9), có nơi thu hái vào các tháng 2 – 3. Đào về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, cắt thành từng mẩu ngắn dài không đều hoặc thái mỏng, phơi hay sấy khô.
Vị thuốc dài ngắn không đều, thường dài 1 – 8cm, đường kính 0,6 – 2cm, mặt ngoài màu nâu vàng, khi bẻ hay cắt ngang có màu vàng. Mùi không rõ, vị hơi đắng.
3. Thành phần hoá học
Trong rễ cây này có antraglucozit chủ yếu là emodin hay rheum emodin C15H10O5, emodin monometyl ête C16H12O5 dưới dạng tự do và kết hợp. Ngoài ra còn có chất polygonin C21H20O10 và tanin.
4. Tác dụng dược lý
- Adenosine deaminase (ADA) là một enzyme quan trọng trong chuyển hóa purine và được biết đến như một mục tiêu điều trị tiềm năng cho rối loạn tế bào lympho và ung thư. Cốt khí củ sở hữu hoạt động ức chế ADA cao ở mức 95,26%. Điều này đồng nghĩa Cốt khí củ có khả năng chống ung thư.
- Một nghiên cứu khác cho thấy hoạt chất được chiết xuất từ Cốt khí củ có khả năng ức chế sự sinh trưởng của Helicobacter Pylori.
5. Công dụng và liều dùng
5.1. Công dụng theo YHCT
Tính vị: đắng, lạnh. Quy kinh can, đởm, phế.
Tác dụng: lợi đởm thoái hoàng, thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết khứ ứ, khứ đàm chỉ khái.
Chỉ định:
Chứng thấp nhiệt hoàng đản thường dùng với nhân trần, hoàng bá, chi tử. Điều trị thấp nhiệt uất kết bàng quang gây tiểu tiện són đau, đái đục(lâm trọc) đới hạ, có thể dùng bột hổ trượng uống, hoặc phối hợp với các thuốc lợi tiểu thông lâm cùng dùng.
Chứng thấp độc uất kết cơ nhục, bì phu gây mụn nhọt xưng đau dùng nước sắc hổ trượng rửa nơi tổn thương. Nếu bị rắn độc cắn, điều trị dùng nước sắc hổ trượng uống.
Chứng huyết ứ kinh bế, thống kinh, thường dùng với đào nhân, diên hồ sách, hồng hoa. Điều trị vấp ngã xưng nề, thường dùng với đương quy, nhũ hương, một dược, tam thất.
Chứng phế nhiệt khái thấu, thường dùng với bối mẫu, tỳ bà diệp, hạnh nhân.
Ngoài ra hổ trượng còn có tác dụng tả hạ thông tiện.
Liều dùng: 10 – 30g.
Chú ý: phụ nữ có thai cấm dùng.
5.2. Liều dùng
Ngày dùng 6 – 10g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu cùng nhiều vị thuốc khác mà uống.
6. Bài thuốc kinh nghiệm
6.1. Viêm khớp gối và mu bàn chân, sưng đỏ đau nhức
Củ Cốt khí, Gối hạc, lá Bìm bìm, Mộc thông, mỗi vị 15 – 20g, sắc uống.
6.2. Thương tích, ứ máu, đau bụng
Cốt khí củ 20g, lá Móng 30g, nước 300ml, sắc còn 150ml, hoà thêm 20ml rượu, chia 2 lần uống trong ngày.
Tóm lại, Cốt khí củ là vị thuốc làm tan huyết ứ, dùng khi kinh nguyệt bế tắc, kinh nguyệt khó khăn đau đớn, do bị ngã bị thương mà đau đớn, đẻ xong huyết ứ, bụng trướng, tiểu tiện khó khăn.
Để lại một phản hồi