Rươi là loài sinh sống ở các vùng nước mặn và lợ ở khắp nước ta, được mệnh danh là “Rồng đất” của biển cả. Loài này không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao trong các món ăn mà còn có là vị thuốc điều trị bệnh hiệu quả.
Giới thiệu về con Rươi
- Tên gọi khác: Rươi biển, Paloto, Rồng đất…
- Tên khoa học: Eunice viridis hay Tylorrhynchus heterochaetus.
- Họ khoa học: Thuộc họ Rươi – Nereidae.
Đôi nét về con Rươi
Con Rươi là loài nhuyễn thể có hình dạng như con giun, thường sinh sống ở vùng nước lợ hoặc nước mặn. Rươi sống ở vùng nước mặn được gọi là rươi biển.
Rươi trưởng thành dài 60-70mm, bề ngang chừng 5-6mm. Thân hình dẹp với hơn 50 đốt màu hồng, xanh nhạt, nâu nhạt hay màu trắng. Đầu rươi tương đối nhỏ, nhưng mắt lại to. Phần trước của rươi to hơn phần sau trong khi các đốt lại ngắn hơn. Cơ thể rất đối xứng, lưng và bụng phân biệt rõ ràng.
Thùy trước miệng có một cặp xúc tu được chia thành hai khối, một khối lớn một khối nhỏ. Riêng các nhánh mặt lưng của các chi bên là khác biệt, thông thường với những thùy bẹt hơn, nhánh mặt bụng hợp lại thành dạng hình liềm hoặc hình gai.
Là loài động vật phân tính đực cái rõ ràng nhưng thường rất khó phân biệt. Khi đến thời kỳ sinh sản nó chui ra khỏi hang, phần sau chứa đầy tế bào sinh dục đứt lìa khỏi phần trước và trôi nhanh lên mặt nước, phóng ra vô số trứng hay tinh trùng làm cho mặt nước có màu trắng đục như sữa. Trứng kết hợp với tinh trùng tạo thành bào tử cho thế hệ mới. Mất khoảng 1 năm rươi mới phát triển lại phần đuôi đã bị đứt.
Phân bố
Rươi có khoảng 500 loài, được chia thành 42 chi, chủ yếu là các loài sống ở biển và nước lợ. Ở Việt Nam, chúng sống quanh năm dưới đất, trong lớp bùn đáy sông hay trong các ruộng nước. Môi trường sống thích hợp cho chúng là nước phải thật nhạt thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình…
Đây là loại ưa sạch, rất dị ứng với các tác nhân ô nhiễm. Chỉ cần môi trường sống thay đổi, Độ mặn của nước thay đổi cũng ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng của rươi.
Thu hoạch
Chủ ruộng sẽ đắp những bờ cao vây kín ruộng, và có hệ thống cống thoát nước. Khi đến thời gian rươi đủ độ chín nước thủy triều lên người dân sẽ đóng cống và giữ nước trên ruộng.
Khi Rươi đã lên hết người dân sẽ tháo cống nước và chặn bắt rươi bằng lưới mềm. Con rươi di chuyển theo dòng nước và chảy vào túi lưới, sau đó được đổ ra trên các thau chậu và nhặt sạch các chất bẩn bám theo sau đó đổ vào các túi lưới và treo lên cho ráo nước.
Sau đó, vớt ra để ráo nước, chuẩn bị “làm lông” để khi ăn không bị ngứa rát cổ. Dùng nước nóng chừng 40 độ C, thả Rươi vào, dùng đũa khuấy nhẹ. Khi thấy bùn, chân và lông rươi rụng, nổi lên thì vớt ra và chế biến món ăn.
Rươi còn tươi ngon là những con lớn, khỏe ở phía trên, thân mập mạp, màu đỏ, còn ngọ nguậy. Rươi sắp chết là những con nhỏ, gầy, có màu xanh, bò yếu hoặc lâu lâu mới ngọ nguậy.
Bảo quản vị thuốc
Sau khi vớt rươi lên, cần bảo quản trong nước đá. Sau đó rươi được dùng để làm chả hoặc chế biến thành các món ăn khác.
Thành phần hóa học và tác dụng của con Rươi
Thành phần hóa học
Thành phần hóa học trong Rươi gồm:
- 11,34% chất đạm.
- 3,2 % chất béo.
- Nhiều khoáng chất như sulfua canxi, kali.
- 0,3% kim loại.
- Trung bình 100g Rươi sẽ chứa 12.4 g protid, 81.9 g nước, 1.3 g tro, 4.4 lipit và cung cấp cho cơ thể 87 calo. Ngoài ra rươi còn chứa nhiều khoáng chất khác như sắt 1.8 mg, phốt pho 57 mg và canxi 66 mg. Cung cấp cho cơ thể 92 calo.
- Thậm chí còn chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn thịt bê nếu tính theo lượng bằng nhau.
Tác dụng
Theo nhiều tài liệu ghi chép rằng, con Rươi có tính vị và tác dụng dược lý gần giống với Trần bì.
- Tính vị: Vị cay, thơm, tính ấm.
- Công dụng: Hóa đờm và điều khí, trị khó tiêu, kém ăn, tiêu chảy…Đây là món ăn bổ dưỡng, được chế biến đa dạng trong ẩm thực.
Cách dùng và liều dùng con Rươi
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Các món ăn từ Rươi có hương vị thơm ngon và giàu giá trị dinh dưỡng như nem rươi, chả rươi, mắm rươi…
Liều dùng: Ngày dùng 50 – 100g, dạng thực phẩm, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác .
Một số bài thuốc kinh nghiệm từ con Rươi
Chữa huyết hư, bổ dưỡng
Rươi 50g, Đại táo 10 quả, Xương lợn 200g cho nước vào hầm uống, mỗi ngày 1 thang.
Dùng ngoài da chữa mụn nhọt
Rươi một lượng thích hợp, sấy khô, tán nhỏ, trộn với nước thành dạng keo, đắp lên vùng bị bệnh. Nếu mụn chưa vỡ thì có thể giúp tiêu sưng, giảm đau. Nếu mụn đã vỡ rồi thì có thể giúp mụn mau khỏi, chóng lên da non.
Lưu ý, kiêng kỵ
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu. Đạm trong rươi rất dễ gây dị ứng, đặc biệt với những người từng dị ứng với hải sản.
- Người có bệnh hen tránh ăn vì chúng có chất gây nên cơn hen.
- Cũng vì loài này giàu đạm, nên bà bầu hay trẻ em hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh không nên đụng tới món này vì có thể gây khó tiêu, sình bụng, không có lợi cho tiêu hóa.
- Cần chế biến Rươi đúng cách để tránh tình trạng nhiễm các loại vi khuẩn như E. coli, Salmonella,… Khi chết, rươi sẽ phân hủy và sinh ra độc tố.
Rươi không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày.
Để lại một phản hồi