Cỏ gà (Cynodon dactylon) còn gọi là cỏ ống hay cỏ chỉ. Đây là loại thực vật gần gũi với con người đặc biệt là những người nông dân. Cây thường được dùng để làm thức ăn cho gia súc, làm trò chơi chọi gà của trẻ em vùng nông thôn. Đặc biệt hơn chúng còn được dùng làm thuốc chữa các chứng ho gà, ho khan hoặc kết hợp một số vị thuốc khác để trị phong thấp đau nhức.
1. Tên khoa học
Cỏ gà hay còn được gọi là cỏ ống, cỏ chỉ có tên khoa học Cynodon dactylon, thuộc họ Lúa (Poaceace).
2. Mô tả thực vật
Đây là loài cỏ sống dai, bò chằng chịt vào nhau thành thảm cỏ dày đặc. Thân rễ bò dài ở gốc, thẳng đứng ở ngọn, cứng, có từ 8 đến 40 cọng, có khi cao tới 90 cm. Lá phẳng, hẹp nhọn, dài 3-4 cm, màu vàng lục, có lông, mép hơi ráp. Cụm hoa gồm 3-7 bông con xếp hình ngón, đơn, mảnh, màu xanh hay tím. Quả dĩnh hình thoi thường dẹt không rãnh tự do trong các mày nhỏ. Cỏ gà thường có một loại sâu ăn lá kí sinh là Spodoptera frugiperda. Do tác động của loài sâu này, những bẹ lá cuộn xếp lên nhau làm nhiều lớp khiến cho đầu cọng cỏ tạo thành một nốt sần cỡ hình giống như con gà.
3. Phân bố, thu hái Cỏ gà
Cỏ gà hiện diện ở khắp các miền nhiệt đới, cận nhiệt và ven biển vùng ôn đới trên thế giới. Ở Việt Nam, chúng thường mọc ven bờ sông, bờ ruộng, sườn đê, ven đường khắp các vùng nông thôn. Đây là loại thực vật ưa nóng và chịu ngập úng và giẫm đạp tốt. Cây thích hợp với nhiều loại đất: đất cát, đất thịt, đất sét thậm chí là đất rất chua, đất kiềm, đất mặn. Tuy nhiên nó không thể phát triển ở nơi râm mát
Thu hái cỏ gà quanh năm. Khi hái, đào lấy cả cây, đem cắt thân rễ để riêng, sau đó rửa sạch đất cát và sấy/ phơi khô dùng dần. Thân rễ là bộ phận của cây thường được thu hái và sử dụng. Tuy nhiên một số nơi dùng toàn cả cây vào những mục đích khác nhau.
4. Thành phần hóa học Cỏ gà
Dược liệu chứa các phytotoxin phenolic. axit ferulic, syringic, paracoumaric, vanillic, para hydroxyl benzoic và orthohydroxy phenyl axetic. Flavonoid và glycoside được tìm thấy có trong dịch chiết nước của Cỏ gà. Các alkaloid, glycoside và flavonoid thì có trong dịch chiết ethanol của cây. Lá có chứa chứa glycerin, 12-Octadecadienoyl clorua, axit hexadecanoic, etyl este, ethyl -d-glucopyranoside, axit linoleic… Ngoài ra cây còn chứa vitamin C, β carotene, chất béo, axit palmitic.
5. Tính vị, quy kinh
Theo Y học cổ truyền, cỏ gà có vị ngọt, hơi đắng, tính bình. Quy vào kinh Can, Thận.
6. Tác dụng dược lý
6.1. Theo Y học hiện đại của Cỏ gà
6.1.1. Bảo vệ gan
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan chống lại độc chất của cỏ gà. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch chiết ethanol từ cây có tác dụng bảo vệ các tế bào gan chống lại các tổn thương từ độc chất do CCl4 gây ra ở chuột. Các chỉ số men gan, billirubin, cholesterol cũng giảm đáng kể ở những con chuột được cho uống dịch chiết ethanol từ cây.
6.1.2. Cỏ gà giúp hạ đường huyết
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh tiềm năng hỗ trợ hạ đường huyết từ chúng khi cho chuột bị đái tháo đường uống 500 mg/kg dịch chiết ethanol từ cây này. Kết quả cho thấy nó là giảm 43,42% mức đường huyết ở chuột thử nghiệm. Như vậy, chiết xuất ethanolic của cây có nhiều tiềm năng làm hạ mức đường huyết trong máu ở những đối tượng đái tháo đường.
6.1.3. Bệnh sỏi thận
Dịch chiết cồn của cỏ gà được chứng minh có khả năng làm giảm nồng độ lắng đọng Canxi oxalat tại mô thận – một nguyên nhân gây ra sỏi thận.
6.1.4. Chống ung thư
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc điều trị bằng chiết xuất methanol của cây có khả năng làm tăng biểu hiện các enzym chống oxy hóa và giảm số lượng các tế bào loạn sản trong ruột ở chuột bạch tạng. Hoạt tính chống ung thư biểu hiện thông qua quá trình chống tăng sinh và chống oxy hóa tế bào. Điều tra này đã chứng minh tiềm năng chống ung thư của chiết xuất methanol của cây.
6.1.5. Tác dụng lợi tiểu của Cỏ gà
Các nhà khoa học quan sát lượng nước tiểu khi cho các con chuột uống chiết xuất với liều 0,5 g/kg. Kết quả có sự gia tăng đáng kể lượng nước tiểu và bài tiết chất điện giải trong những giờ đầu tiên. Không có con chuột nào chết khi dùng liều này. Tuy nhiên ở liều 4,5g/kg thì 50% số chuột đã chết. Từ đó ta thấy được ở liều 0,5 g/kg dịch chiết có tác dụng lợi tiểu tốt và không có độc tính.
6.1.6. Hoạt động chống oxy hóa
Chiết xuất của cây đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa stress oxy hóa. Người ta thấy rằng các hoạt động của glutathione-S-transferase và acetylcholinesterase giảm dần. Họ kết luận các chất chống oxy hóa kháng cholinestesterase và chống oxy hóa có thể được lấy từ Cỏ gà.
6.1.7. Chống virus gây Hội chứng đốm trắng (WSSV) ở tôm
Hoạt tính kháng virus của chiết xuất cỏ gà được nghiên cứu trên tôm sú (Penaeus monodon) bị hội chứng đốm trắng (WSSV) bằng thử nghiệm in vivo. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, cỏ gà có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm WSSV mà không gây tử vong cho tôm.
6.2 Theo Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, cỏ gà có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, tiêu đờm. Thường dùng cỏ gà trong điều trị các rối loạn tiểu tiện, sỏi đường niệu, sỏi mật, vết rắn cắn, thấp khớp, đau nhức xương, chữa ho gà, ho khan.
6.3. Một số thành tựu liên quan đến Cỏ gà
Một chế phẩm thảo dược có chứa chiết xuất từ cỏ gà (Cynodon dactylon) và nhũ hương (Boswellia serrate) được phát hiện có hiệu quả trong điều trị bệnh hen suyễn, bệnh ngoài da và dị ứng nhẹ.
Các nhà khoa học đã bào chế hỗn hợp bột mịn cỏ gà dùng trong điều trị ho khan, hen suyễn. Nó không cho thấy bất kỳ tác động co bóp phế quản hoặc kích ứng trên niêm mạc mũi. Đồng thời nó có hiệu quả hơn các chất chống dị ứng được sử dụng ở dạng dung dịch.
Các nhà khoa học đã điều chế và sử dụng các biến thể của các chất gây dị ứng nhóm 1 thuộc họ Lúa (Poaceae) trong đó có Cỏ gà. Phản ứng IgE trong mô hình giảm đáng kể thông qua duy trì phản ứng với tế bào lympho T. Các biến thể đã được chứng minh là hữu ích cho liệu pháp miễn dịch.
Các nhà khoa học đã phát minh ra một loại protein mới có khả năng ức chế hoạt động của độc tố bệnh than. Protein được phân lập từ hạt phấn của Cỏ gà. Nó cho thấy sự ức chế hoạt động của độc tố bệnh than.
Cỏ gà là loại cây gần gũi và có nhiều hữu ích trong nhiều loại bệnh. Các hoạt động dược lý khác nhau của cỏ gà đã được các nhà nghiên cứu khám phá. Công dụng chữa bệnh của nó cũng được đề cập trong kiến thức y học cổ truyền.
Để lại một phản hồi