Cơ chế của sốt

1. Thân nhiệt bình thường

Trong điều kiện bình thường, cơ thể người luôn được duy trì ở một khoảng nhiệt độ rất hẹp để tạo thuận lợi cho chuyển hóa tế bào và hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể. Trong ngày, thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể) xuống thấp nhất vào 2 – 4 giờ sáng (35,8 – 36oC), thân nhiệt tăng dần tới đỉnh điểm vào khoảng 6 – 10 giờ tối (37 – 37,2oC). Nhiệt độ lấy ở hậu môn thường cao hơn lấy ở miệng 0,25 – 0,5oC và cao hơn ở lấy ở nách 0,5 – 1oC. Vì vậy, nhiệt độ lấy ở hậu môn là tốt nhất vì phản ánh sát với nhiệt độ của các cơ quan nội tạng. Nhiệt độ lấy ở nách người bình thường sau khi nằm nghỉ 30 phút nằm trong khoảng 36 – 36,8oC, sau đó phải cộng thêm vào 0,5oC để xác định thân nhiệt. Thân nhiệt chênh lệch trong khoảng 3,5oC so với thân nhiệt bình thường (nghĩa là khoảng 33 – 40C) thì chưa gây nguy hiểm cho tính mạng. Ở trẻ em khi thân nhiệt cao tới 41oC thường xảy ra co giật và não sẽ bị tổn thương không hồi phục khi thân nhiệt độ lên đến 42,2oC (do làm biến chất protein, làm rối loạn chức năng các enzym). Khi thân nhiệt tụt xuống 32,8oC thì xuất hiện tình trạng hôn mê, khi thân nhiệt xuống tới 28,5oC thì xảy ra rối loạn nhịp tim (rung nhĩ chậm), nếu thân nhiệt thấp hơn nữa có thể gây rung thất và ngừng tim.

2. Cơ chế của sốt

Sốt có thể do nhiều yếu tố gây ra gồm vi khuẩn và nội độc tố vi khuẩn, virus, nấm, xoắn khuẩn, các phản ứng miễn dịch, các hormon điển hình là progesterol, các thuốc và các polynucleotid tổng hợp. Các chất này gọi chung là chất gây sốt ngoại sinh (pyrogens). Chất gây sốt ngoại sinh gây sốt thông qua một chất trung gian gọi là chất gây sốt nội sinh, đó là interleukin 1 (IL – 1) và interleukin -6 (IL-6). IL-1 và IL-6 được bạch cầu đơn nhân và đại thực bào bài tiết ra khi có tác động của các chất sinh nhiệt ngoại sinh. IL – 1 và IL-6 được máu đưa tới trung khu điều hòa thân nhiệt ở vùng dưới đồi thị rồi gắn vào các neuron cảm nhận nhiệt độ ở vùng trước thị giác của đồi thị và “đặt lại chuẩn” của trung tâm điều hòa thân nhiệt lên mức cao hơn. Khi đó làm cho thân nhiệt bình thường trở nên thấp hơn “mức chuẩn” mới làm người ta có cảm giác ớn lạnh, sởn gai ốc, run và co mạch ngoại vi làm da và niêm mạc tái. Đây là triệu chứng khởi đầu của cơn sốt và là cơ chế làm tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt đạt tới “mức chuẩn” mới thì quá trình sinh nhiệt và thải nhiệt cân bằng và sốt duy trì thân nhiệt độ ở mức cao. Khi nguyên nhân sốt được loại bỏ thì mức “nhiệt độ chuẩn” trở lại bình thường làm người bệnh cảm thấy quá nóng và thân nhiệt đang ở mức cao. Khi đó bệnh nhân bỏ chăn, vã mồ hôi, da ửng đỏ vì dãn mạch, tăng tần số thở, các phản ứng trên làm tăng thải nhiệt và sốt giảm. IL – 1 còn kích thích tổng hợp prostaglandin E1 (PGE1) gây hoạt hóa quá trình sinh nhiệt và giữ nhiệt, huy động bạch cầu từ các kho dự trữ trong tuỷ xương, gây hóa ứng động với bạch cầu tới các nơi vi khuẩn xõm nhập, làm tăng giải phóng enzym và tăng hoạt tính thực bào của bạch cầu. Đây là cơ chế bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh. IL – 1 có trong các tế bào hình sao của não được giải phóng vào não gây hoạt hóa các neuron gây ngủ sóng chậm, gây ra tình trạng ngủ gà, ngủ lâu khi sốt có tác dụng bảo vệ tế bào não.

3. Khi nào cần hạ sốt

Như vậy, sốt là một phản ứng bảo vệ của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Đây là phản ứng có lợi, nó chỉ trở nên có hại khi sốt cao quá mức do sốt làm gia tăng quá trfnh chuyển hóa và teo cơ bắp vì IL – 1 huy động các acid amin từ cơ thông qua vai trò của men cyclo oxygenase. Hiện tượng này gây ra đau mỏi cơ và teo cơ bắp do sốt. Sốt làm tăng nhịp tim, tăng tiết mồ hôi gây mất muối, mất nước, nhức đầu, sợ ánh sáng, toàn thân mệt mỏi. Người cao tuổi đang mắc các bệnh tim hoặc não thì sốt là tác động xấu. Trẻ em khi sốt cao trên 40oC dễ bị co giật.

Do đó cần xử trí sốt hợp lý để phát huy được tác dụng tích cực của sốt và làm giảm những tác dụng bất lợi của sốt. Khi sốt nhẹ (< 38oC) thường ít gây hại, không khó chịu nhiều lại có lợi cho cơ chế bảo vệ của cơ thể thể không nên hạ sốt. Hơn nữa, dùng thuốc hạ sốt sẽ làm mất các hiệu ứng có lợi của IL – 1, làm thay đổi diễn biến tự nhiên của bệnh, gây nhiễu cho quá trình theo dõi kết quả của thuốc điều trị đặc hiệu. Trong trường hợp này chỉ cần điều trị loại trừ nguyên nhân gây sốt. Khi sốt cao (nhiệt độ nách > 39oC) thì cần hạ nhiệt độ. Có hai biện pháp hạ nhiệt độ:

– Hạ nhiệt độ bằng các phương pháp vật lý (nên được ưu tiên sử dụng trước): cởi bớt và nới lỏng quần áo cho thóang, chườm lạnh bằng đắp khăn thấm nước mát lên bẹn, nách, trán, hai bên thái dương, tưới nước muối đẳng trương lên người. Trong trường hợp say nóng, nếu thân nhiệt > 42oC thì ngâm người trong bồn nước mát được coi là một biện pháp cấp cứu.

– Phương pháp dùng thuốc hạ sốt. Có 5 nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau:

+ Nhóm dẫn xuất của acid salicilic: natri salicilat, aspirin.

+ Nhóm dẫn xuất của pyrazolon : antipyrin, pyramidon, amidopyrin

+ Nhóm dẫn xuất của anilin: phenacetin, paracetamol.

+ Nhóm dẫn xuất của indol: indomethacin.

+ Nhóm các thuốc khác: antranilic, ketoprofen, ibuprofen.

Các thuốc trên đều có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Trong đó paracetamol, aspirin, amidopyrin hay được sử dụng để hạ sốt. Khi sử dụng thuốc hạ sốt cần lưu ý thuốc không có tác dụng điều trị nguyên nhân mà chỉ làm giảm triệu chứng nên khi thuốc được thải trừ sẽ sốt trở lại. Các thuốc này đều ức chế tổng hợp prostaglandin nên dễ gây thiếu máu ở các cơ quan, giảm tạo chất nhầy bảo vệ của đường tiêu hóa, dễ gây viêm và loét đường tiêu hóa. Thuốc “chanh chấp” với vitamin K, ức chế kết dính tiểu cầu dễ gây ra chảy máu. Vì vậy không được dùng các thuốc trên cho người có tiền sử bị viêm loét hoặc chảy máu dạ dày – hành tá tràng, nên uống thuốc sau ăn, không dùng trong sốt xuất huyết và các bệnh nhân có bệnh thận, bệnh gan, cao huyết áp. Chỉ dùng liều thấp nhất có tác dụng. Aspirin ức chế bài tiết acid uric ở ống thận, không dùng ở người bị bệnh gút. Aspirin cũng gây bùng phát cơn hen hoặc làm cơn hen nặng lên nên không dùng cho người bị bệnh hen.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*