Những năm gần đây, chùm ngây được nổi lên như là một loại cây – rau giàu chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Nhiều công trình nghiên cứu về chùm ngây được phát triển, đồng thời, các thực phẩm chức năng có liên quan đến chùm ngây ngày càng nhiều.
1. Mô tả dược liệu
1.1. Tên gọi, danh pháp quốc tế
- Tên gọi: Chùm ngây, ba đậu dại.
- Tên khoa học: Moringa oleifera.
- Thuộc họ Chùm ngây Moringaceae.
1.2. Đặc điểm thực vật
Cây thân mộc cao cỡ trung bình, ở độ tuổi trưởng thành cây có thể mọc cao hàng chục mét.
- Giai đoạn 1 năm tuổi: nếu không cắt ngọn cây có thể cao tới 5 – 6m và có đường kính 10 cm.
- Giai đoạn 3 – 4 năm tuổi: là cây ở độ tuổi trưởng thành. Thân cây óng chuốt, không có gai. Lá kép dài 30 – 60 cm, hình lông chim, màu xanh mốc. Lá chét dài 12 – 20 mm hình trứng, mọc đối có 6 – 9 đôi.
Cây trổ hoa vào các tháng 1 – 2. Hoa trắng kem, có cuống, hình dạng giống hoa đậu, mọc thành chùy ở nách lá, có lông tơ, nhiều mật.
Quả dạng nang treo, dài 25 – 40 cm, ngang 2 cm, có 3 cạnh, chỗ có hạt hơi gồ lên, dọc theo quả có khía rãnh. Hạt màu đen, tròn có 3 cạnh, lớn cỡ hạt đậu Hà Lan.
1.3. Phân bố, thu hái, chế biến
Bản địa chùm ngây là ở vùng Hymalaya, Ấn Độ, có lịch sử phát hiện và sử dụng hơn 4000 năm, nhưng ngày nay được trồng rộng rãi ở châu Phi, Trung Nam Mỹ, Đông Nam Á.
Ở Việt Nam chùm ngây là loài duy nhất của chi Chùm ngây được phát hiện mọc hoang từ lâu đời tại nhiều nơi như Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Phú Quốc,…
Thu hái: Thu hoạch quả từ tháng 7 đến tháng 9. Lá có thể thu hái quanh năm. Hoa ra từ tháng 4 – 6.
1.4. Bộ phận sử dụng
Người ta thường dùng quả, rễ, lá non, hoa và các nhánh non của chùm ngây.
2. Thành phần hóa học
Mỗi bộ phận của cây chùm ngây đều chứa các chất hóa học khác nhau:
Vỏ cây: chứa galactose, arabinose và acid glucuronic, -sitosterol và benzylanin.
Rễ cây: chứa glucosinolate như 4 (-L-rhamnosyloxy)-benzyl glucosinolate).
Lá: Chứa các hoạt chất chống oxy hóa như flavonoid và phenolic Ngoài ra, lá cây còn chứa các thành phần như chất gồm và 2 alkaloid bao gồm moringinin và moringi.
Hoa: chứa Polysaccharid.
Hạt: chứa glucosinolate và peptid.
Toàn thân: Chứa thành phần hóa học chính là pterygospermin.
3. Tác dụng dược lý
Chùm ngây được sử dụng từ lâu trong nền Y học bản địa của một số quốc gia. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người còn hạn chế.
3.1. Tác dụng giảm đường huyết
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng đường huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng đường huyết mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh. Vì vậy, việc kiểm soát đường huyết là một trong những mục tiêu quan trọng. Vì phải điều trị lâu dài nên việc thuận tiện trong cuộc sống sinh hoạt của người bệnh và ít tác dụng phụ là quan trọng.
Các nghiên cứu cho thấy sử dụng 7 – 8 gram bột lá chùm ngây giúp giảm mức đường huyết gồm đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn. Ngoài ra còn có hemoglobin A1C – HbA1C (một chỉ số quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi điều trị đái tháo đường) mà không ảnh hưởng đến bài tiết insulin.
3.2. Tác dụng giảm lipid máu
Rối loạn lipid máu là tình trạng tăng nồng độ cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL-C và/hay giảm HDL-C so với các giá trị bình thường trong huyết tương. Cùng với tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường, đây là một rối loạn chuyển hóa mạn tính khá thường gặp, làm tăng quá trình xơ vữa động mạch, tổn thương các cơ quan như tim, não, thận.
Nghiên cứu cho thấy bột lá chùm ngây giúp giảm cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL, VLDL, và tăng HDL. HDL là loại cholesterol tốt. Việc giảm các cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt là một trong những mục tiêu điều trị cần đạt trong các bệnh lí liên quan đến xơ vữa động mạch.
3.3. Tác dụng chống oxy hóa
Các gốc tự do là các chất sinh ra được sản xuất bởi các tế bào khi cơ thể tiêu hóa thức ăn và phản ứng với môi trường, gây hại cho các tế bào và chức năng hoạt động của cơ thể.
Các gốc tự do có liên quan đến bệnh tim, ung thư, viêm khớp, đột quỵ, bệnh hô hấp, suy giảm miễn dịch, khí phế thũng, bệnh Parkinson, và các tình trạng viêm hoặc thiếu máu cục bộ khác.
Chất chống oxy hóa được cho là giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.
Nghiên cứu trên phụ nữ mãn kinh sử dụng bột lá chùm ngây trong 3 tháng cho kết quả tốt: gia tăng đáng kể trong máu các chất có lợi như glutathione peroxidase (18,0%), superoxide dismutase (10,4%), và axit ascorbic (44,4%), và giảm malondialdehyde (16,3%). Đây là những chất chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, lá chùm ngây còn chứa nhiều dưỡng chất hơn cả quả và hoa chùm ngây. Tính theo trọng lượng, trong lá chùm ngây có vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa, sắt gấp 3 lần cải bó xôi, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và kali gấp 3 lần trái chuối.
Nói tóm lại, các nghiên cứu con người đã chỉ ra rằng bột lá chùm ngây dùng đường uống có tác dụng giảm đường huyết, chống rối loạn lipid máu và chống oxy hóa đáng kể ở người mà không gây ra tác dụng phụ.
3.4. Các tác dụng khác
Hiện nay, các nghiên cứu tác dụng của lá chùm ngây trên động vật thí nghiệm về tác dụng chống khối u, hạ huyết áp, bảo vệ gan – thận – thần kinh, cải thiện chất lượng tinh trùng, chống viêm giảm đau, điều hòa miễn dịch… Đây là những tiềm năng của lá chùm ngây trong tương lai.
4. Cách dùng
Thông thường, chùm ngây thường được sử dụng dưới dạng chế biến món ăn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sắc thuốc uống hoặc cũng có thể sử dụng viên uống bổ sung.
5. Lưu ý
- Với hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt các khoáng chất trong rau chùm ngây. Việc tiêu thụ lá chùm ngây không được vượt quá tối đa 70 gam mỗi ngày để ngăn ngừa độc tính tích lũy của các nguyên tố thiết yếu này trong thời gian dài.
- Trong chùm ngây có alpha – sitosterol, có thể gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Điều này được nghiên cứu trên động vật thí nghiệm. Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu cần cẩn trọng trong việc sử dụng chùm ngây.
Để lại một phản hồi