Với một số bà nội trợ, cây thuốc dòi có lẽ cũng không quá xa lạ. Vì vào những ngày hè nóng nực, người ta thường mua những bó lá bán sẵn về để nấu nước mát, uống giúp người mát mẻ sảng khoái hơn. Những bó lá ấy thường gồm có: rễ cỏ tranh, mía lau, mã đề, rau bắp, cây thuốc dòi…
Đặc điểm cây thuốc dòi
Mô tả
Thuốc Dòi hay còn gọi là thuốc Giòi, Bọ mắm, Đại kích biển,… Nó có tên khoa học Pouzolzia zeylanica (L.) Benn., thuộc họ Tầm ma hay Tầm gai (Urticaceae). Sở dĩ nó có tên thuốc dòi do người ta thường sử dụng nó để tiêu diệt dòi bọ trong mắm. Đây là loại cây thân thảo nhỏ, sống thành bụi. Cây cao khoảng 15 – 20cm. Thân màu tím, lá tím, trên thân có lông và cành mềm. Thân rễ có mấu, cành thường ngắn, có lông cứng.
Lá cây thuốc dòi mọc so le, hiếm khi đối xứng. Lá dài 4 – 9cm, rộng 1,5 – 2,5cm, có lá kèm, hình mác, hẹp. Gân lá và 2 mặt đều có lông cứng đặc biệt ở mặt dưới. Có 3 gân lá nổi rõ, xuất phát từ cuống. Cuống lá dài khoảng 5mm có lông trắng.
Cụm hoa thường có cả hoa đực và hoa cái, mọc thành xim co ở kẽ lá. Hoa cái mang bầu nhụy dạng elip hoặc hình thoi, đường kính 0,8 – 1mm. Quả có đường kính 1,5 – 1,8mm, bao hoa mang lông, quả mang 9 đường gân hoặc 4 cạnh, đỉnh quả có 2 nhánh như 2 răng nhọn. Quả có màu trắng, sáng, màu vàng tối hoặc màu sáng nâu, hình trứng. Cây ra hoa khoảng tháng 7 – 8, có quả tháng 8 – 10.
Phân bố
Cây thuốc dòi là cây ưa ẩm, hơi chịu bóng, thường mọc lẫn với các cây khác trong vườn, ven đường đi, trong nương rẫy,… Cây tập trung nhiều ở các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Ấn Độ, Thái Lan,… Thường phân bố rộng khắp các vùng đồng bằng, trung du, vùng núi.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Toàn bộ cây thuốc dòi đều có thể sử dụng để làm thuốc. Cây có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất nên hái vào tầm mùa hạ. Thuốc dòi có thể dùng tươi hoặc rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô dùng dần.
Lưu ý cất giữ dược liệu khô nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, tránh những chỗ ẩm thấp, mốc meo, mối mọt, tránh ánh mặt trời trực tiếp chiếu vào thuốc.
Một số tác dụng dược lý của cây thuốc dòi
Công dụng của cây thuốc dòi kháng nấm, kháng khuẩn
Theo nghiên cứu của trường đại học Chitagong, Bangladesh, dịch chiết cồn cây này nồng độ 1mg/ml có hoạt tính kháng khuẩn trên cả vi khuẩn gram (-) và (+) như: Bacillus subtilis, Bacillus megaterium, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, E.coli, Shigella và Salmonella typhi dysentariae. Đặc biệt hoạt tính kháng khuẩn tốt với E.coli và Staphylococcus aureus. Aspergillus niger là dòng nấm nhạy cảm nhất với dịch chiết này.
Công dụng của cây thuốc dòi kháng viêm
Nghiên cứu từ trường đại học Dược Quảng Đông trên chuột bị loét da do Staphylococcus aureus, cây thuốc dòi có khả năng giảm sưng, làm lành vết loét nhờ khả năng làm giảm interleukin-1.
Tác dụng tăng cường miễn dịch
Công thức phối hợp của các cao chiết từ các dược liệu cây thuốc dòi, Dây cóc, Hoàng liên ô rô, Gừng có tác dụng làm gia tăng chỉ số thực bào, tăng cường miễn dịch không đặc hiệu.
Công dụng của cây thuốc dòi hạ đường huyết
Nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy thành phần trong dịch chiết cây thuốc dòi có tiềm năng trong việc giảm mức đường huyết, và ít nhiều có khả năng duy trì mức đường huyết ổn định ở thời gian tương đối dài sau khi ngưng điều trị.
Công dụng của cây thuốc dòi theo y học cổ truyền
Cây thuốc dòi có vị đắng nhạt, tính mát, có tác dụng chữa ho, tiêu đờm, lợi tiểu, tiêu viêm. Thường được dùng để chữa:
- Ho lâu ngày;
- Viêm họng;
- Tiểu tiện bí;
- Nóng sốt khát nước;
- Tắc tia sữa;
- Chữa răng đau sâu răng bằng cách giã nát lá nhét vào chỗ sâu đau;
- Đắp mụn nhọt, vết bỏng;
- Trừ mủ, tan độc, tiêu sưng.
Lưu ý, kiêng kỵ khi dùng cây thuốc dòi
- Liều dùng trung bình cho mỗi ngày từ 10 đến 20 g, sắc thuốc uống.
- Cây Thuốc dòi có thể gây sẩy thai. Vì vậy phụ nữ đang mang thai không được dùng.
Để lại một phản hồi