Lặng lẽ trong góc vườn nhà ai, có những bụi cây nhỏ, cây thon dài luôn tỏa ra mùi hương nồng nàn dễ chịu. Mùi hương ấy âm thầm xua đuổi bao loài côn trùng khó chịu. Loài cây này ngoài làm thứ gia vị quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày, nó còn là thứ cây thuốc chữa bệnh. Đó chính là cây Sả.
Mô tả về cây Sả
Cây còn được biết đến với những cái tên như: Cỏ Sả, Sả chanh, Hương mao, Tranh thơm,… Sả có nhiều giống: Sả chanh (hay Sả dịu), Sả Java (hay Sả xòe), Sả bẹ (Sả Sri Lanka), Sả hồng (hay Sả rộng, Sả Palma-rosa)… Tất cả đều thuộc họ Lúa (Poaceae).
Sả chanh
Sả chanh (còn gọi Sả dịu), tên khoa học Cymbopogon flexuosus. Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan. Đây là loại cây bụi sống lâu năm, thân cao 1m – 1,5m. Phiến lá hẹp dài tới 1m, mép lá nhám, có bẹ lá cuốn chặt vào nhau. Thân rễ trắng hay hơi tím. Bẹ lá không có lông và có sọc dọc. Cụm hoa gồm nhiều hoa nhỏ và không có cuống. Cây sả chanh được nhân giống bằng cách trồng từ tép sả tách từ cây mẹ sau 1-2 năm.
Sả Java
Sả Java (Cymbopogon winterianus), có nguồn gốc từ quần đảo Java thuộc Indonesia. Giống Sả này thường mọc thành bụi, thân mọc thẳng có thể cao đến 2m. Gốc thân màu hồng tím hay đỏ tím. Cây có đốt ngắn, được bao bọc bởi các bẹ lá quấn chặt lấy nhau. Rễ cây phát triển khỏe, ăn sâu vào lòng đất 20-25cm. Lá sả Java thuôn dài có mép lá nhám, màu xanh, khi trưởng thành rũ xuống 2/3 phiến lá.. Chồi con mọc từ nách lá, tạo thành cây con được gọi là tép, nhiều tép tạo thành bụi. Chùy hoa gồm nhiều chùm mọc thẳng đứng.
Sả bẹ
Sả bẹ (còn gọi là Sả Sri Lanka), tên khoa học Cymbopogon nardus. Có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Á. Sả bẹ mọc thành bụi, tán rộng, thân cao tới 2m, lá dài hẹp, có ít hoặc không có lông. Hoa mọc kép, cụm hoa chùy, hoa dài 60 – 80cm. Gốc Sả Sri Lanka có màu tím hồng hay tím đỏ.
1.4. Sả hồng
Sả hồng (Sả hoa hồng, Sả Palma-rosa), tên khoa học Cymbopogon martinii, Cây Sả Hồng có thân lá nhỏ hơn các loại sả khác, mọc thành bụi cao đến 1,5m. Lá và hoa sả hồng được dùng chiết xuất tinh dầu nguyên chất.
Phân bố và thu hái của cây Sả
Phân bố
Cây Sả được trồng phổ biến khắp nơi trên thế giới. Trong đó những nước sản xuất tinh dầu Sả lớn nhất thế giới là Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc.
Ở Việt Nam, Sả được trồng nhiều tại miền Đông Nam Bộ, tây Nguyên và một số nông trường ở miền Bắc.
Thu hái
Sả có thể trồng và thu hái quanh năm. Người ta dùng Sả vào mục đích làm nguyên liệu chế biến thực phẩm hoặc chiết xuất tinh dầu. Nếu dùng để ăn thì sau khi trồng khoảng 3 – 4 tháng thì có thể tỉa lấy các nhánh to, trồng và vun gốc cho ra nhánh mới. Còn nếu trồng để lấy tinh dầu thì thu hoạch sau khi trồng khoảng 10 – 12 tháng là tốt nhất. Khi ấy các gốc Sả đã già, sẽ cho lượng tinh dầu cao. Người ta cắt cả lá và bẹ, chừa lại một khúc 8 – 10cm trên mặt đất, rồi tiếp tục tưới nước chăm bón cho ra nhánh mới. Từ những nhánh ấy, khoảng 5 – 6 tháng sau là có thể tiếp tục thu hoạch để chiết xuất lấy tinh dầu.
Bộ phận dùng, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng của Sả
Những nhánh Sả khi thu hoạch phần thường được sử dụng nhiều nhất là thân và lá.
Chế biến Sả
Sả được dùng tươi cho mục đích chế biến món ăn, hoặc được xay thành bột để làm gia vị nấu nướng.
Sả cũng có thể được phơi trong bóng mát hay sấy khô dùng làm thuốc.
Ngoài ra còn một ứng dụng rộng rãi của Sả đó là chiết xuất tinh dầu. Tinh dầu Sả có rất nhiều ứng dụng trong các ngành làm đẹp, chăm sóc da, tóc, xua đuổi côn trùng rất hiệu quả, giải cảm, kháng khuẩn, giảm đau, giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp dễ ngủ…
Bảo quản
Sả tươi hay khô có thể giữ khá lâu trong môi trường khô ráo, thoáng mát, ở nhiệt độ phòng.
Tinh dầu Sả nên chứa trong những hũ thủy tinh nhỏ tối màu. Nên cất giữ nơi khô thoáng, tránh nhiệt độ quá nóng, tránh ánh sáng trực tiếp. Có thể cất giữ trong tủ lạnh.
Thành phần hóa học trong cây Sả
Lượng tinh dầu dồi dào là thành phần chính trong cây Sả. Hàm lượng tinh dầu này thay đổi từ 0,4 – 2% tùy thuộc vào giống, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và chăm bón. Ví dụ trong giống Sả chanh (Cymbopogon flexuosus), hàm lượng tinh dầu là 0,7 – 1,5%, Sả Java (Cymbopogon winterianus) là 0,8 – 2%, còn Sả Sri Lanka (Cymbopogon nardus) chỉ có 0,4 – 0,8%.
Trong tinh dầu Sả chứa nhiều hợp chất thơm như: Citral, Geraniol, Acetat, Caproat geranyl, Dipenten, Metylheptenon, Carvon và một số ít Aldehyde như Heptandehyde và Citronellol. Trong các hợp chất này thì Geraniol, Citronellol, Citrat có hàm lượng cao nhất.
Những công dụng của cây Sả
Trong Đông Y, Sả có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Nó được biết đến với rất nhiều công dụng như:
Giải cảm
Lá và thân Sả đập dập nấu nước với các loại lá chứa nhiều tinh dầu như: Hương nhu, Tía tô, Kinh giới, Bạc hà, Ngải cứu,… Tất cả đem xông để chữa cảm lạnh. Lưu ý khi xông phải chú ý uống nhiều nước và ở nơi kín gió.
Hỗ trợ tiêu hóa
Củ Sả non đem thái nhỏ, phơi khô tán bột (phối hợp với Mạch nha).
Tẩy uế răng miệng, khử mùi hôi
Bột củ Sả 10 phần phối hợp với Phèn phi 1 phần, trộn đều, luyện viên.
Giải nhiệt, thông tiểu, tiêu thực, làm ra mồ hôi
Lá Sả tươi nấu nước nóng uống.
Chữa phù nề 2 chân, tiểu ít
Củ Sả (2 nắm) phối hợp với Cỏ xước, rễ Cỏ tranh hoặc bông Mã đề (mỗi thứ 1 nắm).
Chữa tiêu chảy do lạnh bụng
Rễ sả 10gr, Củ gấu 8gr, Vỏ rụt 8gr, Trần bì 6gr, Hậu phác 6gr. Sắc nước uống.
Chữa đầy bụng
Lá Sả, vỏ Bưởi, Mộc thông, Trạch tả, Cỏ bấc, Hồi hương (mỗi thứ 10gr), Quế 5gr, Bồ hóng 2gr, Diêm tiêu 2gr, Xạ hương 0,05gr. Tất cả đem sắc cách thủy với 200ml nước trong 15 – 20 phút. Chia uống 2 lần sau bữa ăn trong ngày.
Giải rượu
Dùng vài củ Sả rửa sạch, giã nát với một ít nước lọc. Gạn lấy nước cho người đang say rượu uống. Người đó sẽ nhanh chóng tỉnh lại và giảm nhanh cảm giác đau đầu.
Chữa chàm mặt trẻ em
Giã nát bôi ngoài vết chàm.
Ngăn ngừa ung thư
Thường xuyên sử dụng nước Sả sẽ giúp tiêu diệt tế bào ung thư như ung thư vú, ung thư gan,….
6. Lưu ý khi sử dụng Sả
Mặc dù chưa có tài liệu nào ghi chép về tính không an toàn của Sả. Nhưng trên thực tế, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên dùng Sả. Vì Sả có thể có tác dụng kích thích tử cung gây nên sảy thai. Còn trên phụ nữ đang cho con bú, Sả có tính ấm khi dùng Sả nhiều có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng sữa.
Do Sả tính ấm nên một số bệnh nhân người bị nhiệt cũng không nên sử dụng. Những người cơ thể suy yếu cũng cần cẩn trọng khi dùng Sả vì tính chất mãnh liệt của vị thuốc này.
Không nên uống tinh dầu Sả trực tiếp vì có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
Để lại một phản hồi