Cây Quế: Thảo dược cay nồng

Chúng ta có lẽ không ai chưa từng nghe tới Quế. Quả thật, từ cây Quế cho ra rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Thân, lá, cành, vỏ quế, rồi bột quế, tinh dầu quế, bao nhiêu thứ có thể đem ra sử dụng. Tuổi thơ ai chắc cũng từng một lần cắn thử miếng vỏ Quế thơm thơm, cay nồng, mà lại ngọt ngọt, để rồi chắc cũng khó mà quên được hương vị ấy.

Quế là gì?

Quế gồm nhiều loại thuộc chi Quế Cinnamomum, thuộc họ Long não (Lauraceae). Trong đó có một số loài quan trọng như: quan quế (Cinnamomum verum hay C. zeylanicum), quế Trung Quốc (C. aromaticum hay C. cassia), quế Thanh (C. loureiroi),…

Mô tả đặc điểm thực vật

Quế là cây thân gỗ sống lâu năm. Những cây trưởng thành có thể cao tới 20m, đường kính thân tới 40cm. Rễ cây là dạng rễ cọc, phát triển mạnh, cắm sâu vào lòng đất, lại dễ dàng đan chéo lan rộng. Cho nên cây Quế thích hợp sống ở những vùng đồi núi dốc.

Thân Quế tròn đều, vỏ ngoài thân nhẵn, màu xám, hơi có vết rạn nứt chạy theo chiều dọc.

Lá cây mọc so le, có cuống ngắn, cứng và giòn. Đầu lá nhọn hoặc hơi tù, có 3 gân hình cung. Mặt trên của lá xanh bóng, mặt dưới lá xanh đậm. Lá trưởng thành dài khoảng 18 – 20 cm, rộng khoảng 6 – 8 cm, cuống lá dài khoảng 1 cm. Quế thuộc dạng cây thường xanh quanh năm, tán lá tỏa hình trứng.

Hoa trắng, mọc thành chùm xim ở kẽ lá hoặc đầu cành. Hoa nhỏ chỉ bằng nửa hạt gạo, có mùi thơm đặc trưng.

Quả hạch, hình trứng. Khi chưa chín màu xanh, lúc chín chuyển sang màu nâu tím, nhẵn bóng. Quả mọng trong chứa một hạt, quả dài 1 – 1,2 cm. Hạt hình bầu dục, trong hạt chứa dầu.

Toàn cây Quế có tinh dầu thơm, nhất là vỏ thân.

Quế và các bộ phận của nó
Quế và các bộ phận của nó

Nguồn gốc, phân bố

Quế là loại gia vị lâu đời nhất trên thế giới. Nó được phát hiện và sử dụng đầu tiên ở Trung Quốc. Sau đó lan sang châu Âu và đi khắp thế giới bằng con đường giao thương buôn bán.

Trên thế giới, cây được trồng ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Lào, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka, Nam Mỹ,…

Ở nước ta, Quế phân bố hầu khắp các vùng trên cả nước. Tuy nhiên, phải kể đến bốn vùng trồng quế tập trung là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi.

Dược liệu Quế chi
Dược liệu Quế chi

Tác dụng của Quế

Thành phần hóa học trong Quế.

Thành phần chính và có giá trị trong Quế là tinh dầu. Và thành phần chính trong tinh dầu là cinamaldehyd (70 – 95%).

Tác dụng của Quế theo Y học hiện đại

Theo nghiên cứu, Quế có những tác dụng sau:

  • Kích thích tiêu hóa
  • Hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn
  • Tăng sự bài tiết, co mạch
  • Tăng nhu động ruột
  • Tăng co bóp tử cung
  • Chống khối u
  • Chống xơ vữa động mạch vành
  • Ngăn cản oxy hóa
  • ….
 
Quế nhục
Quế nhục

Tác dụng của Quế theo Y học cổ truyền

  • Quế nhục vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, dùng chữa những bệnh do lạnh từ bên trong người như tay chân lạnh, đau bụng lạnh, phong tê bại, tiêu chảy.
  • Quế chi vị ngọt, tính ấm, có tác dụng cho ra mồ hôi chữa cảm lạnh, sốt không ra mồ hôi.
  • Tinh dầu cất từ cành, lá cũng dùng làm thuốc và làm hương liệu

Cách dùng dược liệu Quế

Quế trồng sau 5 năm là có thể thu hoạch. Nhưng muốn có những cây có phẩm chất tốt, thì phải chờ 20 – 30 năm mới bóc vỏ. Thậm chí có những cây Quế già hàng trăm năm tuổi, cho một loại Quế chất lượng khó đo đếm bằng tiền bạc.

Người ta thường bóc vỏ quế vào tháng 4 – 5, hoặc tháng 9 – 10, là những thời điểm cây nhiều nhựa, dễ bóc.

Quế cành thì thu hái vào mùa hạ hàng năm. Đem về phơi khô.

Lá và vỏ quế cành dùng để cất tinh dầu.

Cành Quế đầu nhỏ vót gọi là quế tiêm, cành nhỏ vừa gọi là quế chi, vỏ quế gọi là quế thông. Quế thông gọt vỏ bỏ thô ở ngoài lấy lớp trong gọi là quế tâm. Quế bóc ở thân, cành to, dày và có nhiều đầu phân riêng rõ, thì gọi là quế nhục.

Ngày dùng 1 – 4g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, hãm.

Một số bài thuốc từ Quế

Bài thuốc chữa tiêu chảy

Quế nhục 10g, Vỏ cây bàng 20g, Hoắc hương 20g, Vỏ cây vối 20g, Nụ sim 25g. Tất cả đem phơi khô, tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 2 muỗng café với nước ấm. Uống 2 – 3 lần trong ngày. Uống đến khi hết bệnh thì thôi.

Bài thuốc chữa cảm mạo, người mệt mỏi, uể oải

Quế chi 10g, Cối xay 20g, Liên kiều 12g, Cát căn 16g, Sài hồ 12g, Kinh giới 12g. Mỗi ngày uống 1 thang.

Kiêng kỵ

  • Phụ nữ có thai và những người có tính nhiệt không nên dùng quế.
  • Khi dùng quế thì phải kiêng hành và ngược lại dùng hành thì kiêng quế.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*