Cây nở ngày đất: Cây thuốc có nhiều tác dụng hay

Theo y học dân gian của nhiều nước trên thế giới, cây nở ngày đất có khả năng trị liệu trong các bệnh lý viêm, đau, lợi tiểu, trị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu… Hiện cũng có nhiều nghiên cứu trên mô hình động vật để làm rõ các công dụng này. 

Cây nở ngày đất là gì?

Nở ngày đất: Gomphrena celosioides Mart., họ Rau Dền (Amaranthaceae)

Cây thân cỏ sống lâu năm, mọc nằm hoặc đứng, cây phân nhánh nhiều. Thân có rãnh sâu, lông nhiều, ngắn. Lá không có cuống, mọc đối, có nhiều lông trắng ở hai mặt lá.

Cụm hoa dạng bông, hình trụ dài 2-3cm. Kích thước cỡ ngón tay, lá bắc giống lá thật, kích thước 5-6cm. Hoa màu trắng, gồm 5 lá đài, 5 nhị, dính lại thành ống, bầu hình trứng. Quả hộp chứa nhiều hạt, hạt nhỏ màu nâu.

Cây nở ngày đất nhiều tác dụng
Hình ảnh bên ngoài của loại dược liệu này

Cây nở ngày đất có tác dụng gì?

Thành phần hóa học

Đây là cây hằng năm, được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Theo nghiên cứu hóa dược gần đây, cây chứa nhiều hoạt chất có giá trị trong trị liệu.

Trong toàn cây chứa: saponins, steroids, amino acid và đường.

Lá cây, cụm hoa, mầm non thì chứa  nhiều phenols và flavonoids. Chất betacyanins chỉ có trong mầm non và ketones chỉ có trong rễ, mầm.

Trong nghiên cứu khác về dược chất trong dịch chiết của cây có chứa: flavonoids, saponins, sterols. Tri-terpens, tanins, coumarins, đường, holosises.

Trong dịch chiết cồn của cây, các nhà khoa học tìm thấy sự hiện diện chuyển hóa thứ phát của: alkaloids, tanins, saponins, steroids, gycosides và đường.

Kháng viêm

Cây nở ngày đất đã được sử dụng trong dân gian để điều trị các bệnh lý viêm, đau, nhất là châu Phi. Các nhà khoa học cũng làm nghiên cứu để khảo sát khả năng kháng viêm của cây. Nghiên cứu được tiến hành trên chuột được làm phù chân với hóa chất gây viêm. Chuột được phân thành 3 nhóm: điều trị bằng dịch chiết nước cây, dịch chiết cồn cây (liều 100 và 200mg/kg), thuốc diclofenac (10mg/kg).

Sau thí nghiệm, cả hai loại dịch chiết đều cho tác dụng giảm viêm đáng kể (ở liều 200mg/kg) so với Diclofenac. Đồng thời, nồng độ CRP ở nhóm chuột điều trị bằng dịch chiết cồn thấp hơn 2.6% dịch chiết nước. Và nồng độ CRP cũng không có sự chênh lệch nhiều giữa chuột dùng Diclofenac và chuột dùng hai loại dịch chiết.

Kết luận được rút ra, dịch chiết cồn và chiết nước của loại dược liệu này đều cho khả năng kháng viêm rất tốt.

Tuy nhiên tác dụng của dịch chiết cồn có vẻ nhỉn hơn. Và cả hai loại dịch chiết đều có thể sử dụng cho mục đích điều trị.

dịch chiết cồn và chiết nước của cây nở ngày đất đều cho khả năng kháng viêm
Dịch chiết cồn và chiết nước của loại cây này đều cho khả năng kháng viêm.

Giảm đau

Nghiên cứu ở Việt Nam đã được tiến hành trên chuột để khảo sát tác dụng giảm đau, an thần của cây. Khả năng giảm đau trung ương đước đánh giá theo mô hình nhúng đuôi chuột. Giảm đau ngoại biên theo mô hình acid acetic 1%. Tác động an thần thông qua mô hình thí nghệm Rota-Rod. Kết quả cho thấy, cao cồn và cao nước của cây có tác dụng giảm đau ngoại biên. Nhưng không thấy tác dụng giảm đau trung ương (ở liều 300 và 600mg/kg), và có hiệu quả an thần ở liều 600mg/kg. Điều này cho thấy tác dụng giảm đau của cây nở ngày đất là có cơ sở.

Bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống loét dạ dày

Cây nở ngày đất có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ điều trị loét dạ dày. Một thí nghiệm trên chuột đã được tiến hành để khảo sát công dụng này của nó. Người ta chia chuột thành 8 nhóm, trong đó 5 nhóm được uống dịch chiết cồn từ cây liên tục trong 7 ngày, sau đó tất cả chuột được làm loét dạ dày với indomethacin.

Kết quả cho thấy, chuột được điều trị trước với dịch chiết đều có sự giảm. Thang điểm đánh giá loét dạ dày giảm chỉ số. Giảm lượng dịch vị tiết ra và lượng acid toàn phần trong dịch vị có phụ thuộc liều so với nhóm chứng.

Lợi tiểu

Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta sử dụng cây nở ngày đất để điều trị sỏi, thận, sỏi đường tiết niệu.

Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm trên chuột để làm rõ hiệu quả và cơ chế hoạt động của công dụng chữa bệnh này. Sau 8 giờ được uống dịch chiết cồn cây nở ngày đất, chuột có lượng nước tiểu tăng đáng kể so với nhóm chứng.

Hiệu quả này duy trì liên tục sau 7 ngày điều trị. Với kết quả thu được, người ta cây có tác dụng lợi tiểu và bài natri niệu qua nhiều cơ chế khác nhau.

Cũng cần lưu ý là các thuốc lợi niệu có khả năng điều trị rối loạn điện giải, nước đặc biệt là cao huyết áp. Do đó cây nở ngày đất cũng có nhiều tiềm năng trong điều trị bệnh cao huyết áp.

Một số bài thuốc có sử dụng cây nở ngày đất

Trà nở ngày đất

20g toàn cây nở ngày đất khô, rửa sạch, hãm với nước sôi làm trà uống hằng ngày để ổn định huyết áp, lợi tiểu.

Đối với người hay bị đau khớp, có thể sử dụng cây nở ngày đất dưới dạng thuốc sắc uống hằng ngày. Liều lượng 20-60g, cho vào 1 lít nước, sắc lại còn 500ml, chia đều uống trong ngày.

trà từ cây nở ngày đất ổn định huyết áp, lợi tiểu
Trà từ cây nở ngày đất giúp ổn định huyết áp, lợi tiểu.

Lưu ý khi dùng

Một số nghiên cứu cho thấy cây nở ngày đất có độc tính ở dạng tươi. Nếu dùng quá liều có thể ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc như run cơ, hoa mắt, chóng mặt, mất nhận định phương hướng. Nếu dùng trên 200gr cây có thể gây tổn thương thận mạn tính.

Cây nở ngày đất đã được sử dụng trong nền y học dân tộc của nhiều nước. Khoa học cũng chứng minh các công dụng này trên các nghiên cứu động vật. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào trên người, và cây cũng được bày bán tràn lan với những công dụng được đồn thổi “trên trời”. Người sử dụng nên cân nhắc và tỉnh táo khi sử dụng cây nở ngày đất chữa bệnh. Không nên tự ý ngưng các loại thuốc chính thống đang sử dụng để tin vào lời đồn thổi. Nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia trước khi quyết định sử dụng cây nở ngày đất. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*