Trong dân gian, các đồng bào dân tộc phía Bắc thường sử dụng cây Mú từn trong chữa đau nhức xương khớp. Vậy thực hư công dụng của loài cây này như thế nào?
Cây mú từn là gì?
Mú từn ( hay là cây cù boong nậu), có tên khoa học là Rourea oligophlebia Merr, thuộc họ Dây khế – Cannabaceae.
Mô tả thực vật
Cây dây leo thân gỗ, có chiều dài từ 5m đến 15m. Khi còn là cây non, có nhiều lông mềm; khi về già, lông rụng đi.
Lá cây mú từn mọc kép, gần đối xứng. Mặt dưới là có nhiều lông, dài từ 4 – 8cm.
Hoa mọc ở nách lá, thành từng cụm, cao từ 2 – 7cm. Cánh hoa dài màu hồng phớt, dài khoảng 5mm, trên mỗi cánh có 1 cặp nhị hoa. Đài có nhiều lông phủ bên ngoài.
Quả mú từn không có lông, hình bầu dục dài khoảng 2 cm, lúc đầu màu xanh, chín chuyển sang màu đỏ. Bên trong quả có hạt, hạt có 1 lớp áo bao bên ngoài.
Thu hoạch
Bộ phận có tác dụng dược lý là rễ mú từn. Rễ có vỏ ngoài xù xì, kích cỡ không đồng đều. Vỏ rễ có màu đỏ và bên trong, lõi có màu vàng. Chúng to bằng cổ tay của con nít, rất chắt khỏe. Sau khi thu hoạch, người ta chặt khúc và chẻ đôi rễ để đem phơi khô và ngâm rượu
Phân bố
Tại Việt Nam, cây Mú từn phân bố ở Nghệ An, Thanh Hóa, các tỉnh miền núi phía bắc của Việt Nam
Thành phần hóa học
Trong nghiên cứu thành phần hóa học từ thân cây của Rourea oligophlebia, các nhà khoa học phân lập được năm hợp chất bao gồm Friedelin, Friedelinol, alcohol coniferyl, 7αhydroxyl-3β-sistosterol và scopoletin.
Một nghiên cứu khác của Viện khoa học, ở các bộ phận khác nhau của cùng 1 loài được nghiên cứu thì các thành phần cũng có sự khác biệt nhau đáng kể. “Ở lá và rễ được đặc trưng bởi nerolidol, tuy nhiên hàm lượng này ở rễ thấp hơn ở lá, trong khi đó neral chiếm hàm lượng trong rễ khá cao
(22,7%), còn ở lá thì rất thấp (6,6%) hay spathoulenol trong lá và rễ gần tương đương nhau. Các thành phần đặc trưng cho 2 mẫu tinh dầu được nghiên cứu là nerolidol (45,2%-32,1%), spathoulenol (10,3%-12,7%), β-myrcen (7,0%-15,9%) và neral (6,6%-22,7%)”.
Tác dụng Y học của cây mú từn
Vì cây mú từn không được nghiên cứu nhiều trên các công trình nghiên cứu về dược lý, nên bài viết lấy tác dụng y học chung của loài Rourea. Chúng sẽ có những đặc điểm tương đồng, nhưng không hoàn toàn chính xác về tác dụng y học. Bạn đọc nên cân nhắc khi sử dụng.
Chống sốt rét
Cây mú từn có chứa hoạt chất Rourinoside and rouremin. Hai hoạt chất này được nghiên cứu có tác dụng làm giảm khả năng hoạt động trong phòng thí nghiệm của Plasmodium falciparum.
Kháng vi khuẩn
Dịch chiết cồn của Rourea cho thấy có khả năng ức chế vi khuẩn S. epidermidis and S. aureas.
Cây mú từn bảo vệ chức năng gan
Trong những trường hợp tăng men gan, liều dùng 500 mg/ kg chiết xuất cồn lá Rourea induta làm giảm đáng kể AST và ALT (men gan). Trọng lượng gan của nhóm được điều trị cũng
nhỏ hơn so với nhóm đối chứng không được điều trị.
Giảm đường huyết
Các chiết xuất của Rourea minor có hiệu quả trong việc giảm mức đường huyết sau 60 phút khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Ngoài khả năng làm giảm đường huyết, dịch chiết còn làm tăng khả năng phóng thích insulin (một loại hormon làm giảm đường huyết).
Tác dụng Y học cổ truyền của cây Mú từn
Giảm đau nhức xương khớp
Trong Đông y, nó là một trong những vị thuốc giúp khỏe gân, bổ cốt. Tương tự như rễ nhàu, rượu mú từng hỗ trợ điều trị bệnh nhân thường xuyên đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, mỏi gối, phong thấp.
Tăng cường sinh lý phái mạnh
Ngày xưa, vì người dân tộc cho con lợn (mú) ăn rễ cây này, thì thấy con lợn đực xuất hiện nhu cầu giao phối cao. Nên người dân cũng thử dùng để uống, để tăng cường sinh lực cho nam, tăng khả năng thụ thai cho phụ nữ. Thực hư công dụng, vì chưa có nghiên cứu rõ ràng, nên bài viết này không bàn đến.
Cách sử dụng cây mú từn
Bước 1: Rễ cây mú từn cho lên chảo gang sao vàng, trong quá trình sao, vẩy 2 chén rượu trắng lên. Sao vàng, và dược liệu có mùi thơm thì dừng.
Bước 2: Cho mú từn đã rang vào bình, đổ ngập rượu lên gần đến miệng bình. Sau đó, ta đóng chặt nắp và để ủ rượu ở nơi mát, khuất nắng trong 3 tháng.
Bên cạnh việc ngâm 1 vị, bạn có thể kết hợp ngâm với các vị thuốc khác. Tuy nhiên, để ngâm đúng loại thảo dược, và không để chúng tương tác thuốc với nhau, thì quý bạn đọc nên đến tiệm thuốc Đông Y uy tín để bốc thuốc và hỏi bác sĩ tại đó.
Một số lưu ý, kiêng kị khi sử dụng
Cây mú từn được tìm thấy ở trên lãnh thổ Việt Nam, ngoài một số bài nghiên cứu nhỏ phân tích về hoạt chất hóa học, thì chưa có nghiên cứu về dược tính y học của nó. Vì vậy để khuyên bạn đọc sử dụng hay không sử dụng loại cây này là hoàn toàn không có cơ sở. Tuy nhiên, tôi muốn đưa ra một số khuyến cáo chung cho thảo dược như sau:
- Về liều lượng: Nếu dùng để ngâm rượu thì nên ngâm lượng vừa phải, tránh trường hợp nồng độ chất quá cao. Mà cơ thể bạn lại nhảy cảm, dị ứng với hoạt chất đó. Dễ dẫn đến ngộ độc chất
- Dùng phối hợp các loại thuốc: Khi dùng thuốc, chắc chắn chúng sẽ có tương tác. Nên khi không hiểu rõ về tương tác thuốc thì không nên dùng chung.
- Rượu có tính nóng, hoạt huyết mạnh, nên nếu có tiền căn xuất huyết tiêu hóa thì hạn chế dùng
- Dù cây Mú từn có hoạt chất sinh học có tác dụng hạ đường huyết, bảo vệ gan. Nhưng không nên tùy tiện thay thế thuốc hạ đường huyết đang dùng bằng thảo dược.
Để lại một phản hồi