Cây Me đất: loài cây hoang dại có tác dụng trị ho

Cây Me đất không chỉ là loài cây mọc dại quen thuộc mà còn là vị thuốc quý thường được sử dụng để điều trị bệnh. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, sát trùng, lợi tiểu rất hiệu quả.

1. Giới thiệu về cây Me đất

Tên gọi khác: Toan tương thảo, Tam diệp toan, Tạc tương thảo, Ba chìa, Chua me đất…

Tên khoa học:

  • Oxalis corniculata L. (Me đất hoa vàng).
  • Oxalis corymbosa DC. (Me đất hoa đỏ).

Họ khoa học: Oxalidaceae.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Me đất là loại cây mọc hoang, có thể tìm thấy ở những nơi đất ẩm mát như trong vườn, cả ở bãi đất hoang hoặc bờ ruộng. Cây phân bố ở khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Thuộc loại cây chịu bóng, ưa ẩm, ưa sáng.

Người ta dùng toàn cây hay chỉ dùng lá. Thường dùng tươi, ít khi dùng phơi khô.

Mùa thu hái tốt nhất là tháng 6 – 7.

Me đất là loại cây mọc hoang, có thể tìm thấy ở khắp nơi trên đất nước ta
Me đất là loại cây mọc hoang, có thể tìm thấy ở khắp nơi trên đất nước ta

1.2. Mô tả toàn cây

Me đất hoa vàng

  • Đây là loại cây thân thảo, có thể sống lâu năm. Cây mọc bò sát đất với thân mảnh hơi có màu đỏ nhạt và hơi có lông.
  • Lá chét mỏng hình tim và có cuống dài, mọc so le.
  • Hoa mọc thành tán, mỗi tán gồm 2 – 3 hoa, đôi khi 4 hoa, màu vàng.
  • Quả nang thuôn dài, khi chín nứt dọc thành các mảng cong lại, tung hạt đi xa. Hạt hình trứng, màu nâu thẫm, dẹt, có bướu, mọc thành hàng rất đều.
  • Mùa hoa các tháng 5 – 7.

Me đất hoa đỏ

  • Cây thảo nhỏ, cao 20 – 30 cm. Phần dưới đất có nhiều vảy xếp sít sao. Bẹ lá phồng lên chứa nhiều tinh bột, làm cho thân trông có vẻ như một hành.
  • Lá kép có cuống dài, cấu tạo bởi 3 lá chét hình tim ngược. Lá mọc hình hoa, mặt dưới có tuyến hơi đen. Cuống lá mảnh, dài có lông. Hoa mọc thành chùm và có 5 lá đài. Lá đài hình mác, nhẵn ở phía dưới, lông cứng ở phía ngoài.
  • 5 cánh hoa màu hồng, 10 nhị xếp thành 2 vành, vành ngoài đối diện với các cành hoa, vành trong đối diện với các lá đài. Bầu 5 ô, hợp thành bầu thượng, 5 vòi rời nhau.
  • Quả nang dài, có lông tồn tại.

1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế

Toàn bộ cây bao gồm lá, thân, rễ đều được sử dụng để làm thuốc.

Thu hái: Thu hái quanh năm, nhiều nhất là vào tháng 6 – 7.

Chế biến:

  • Nhổ cả cây và rễ, sau đó rửa sạch và phơi trong bóng râm. Phơi khô hoặc dùng tươi.
  • Lá có vị chua, thường luộc ăn với rau muống.
Cây Me đất có 2 loại hoa vàng và hoa đỏ, đều có tác dụng trị bệnh rất hiệu quả
Cây Me đất có 2 loại hoa vàng và hoa đỏ, đều có tác dụng trị bệnh rất hiệu quả

1.4. Bảo quản

Cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Thân cây Me đất chứa các hoạt chất chính như kali, acid oxalic và oxalat kali. Ngoài ra, trong cây còn chứa các thành phần khác như vitamin C, B2, caroten; acid tartric, citric, calci…

Trong đó, nước chiếm 74,4%; nito 0,7%; calci (CaO) 0,41%; kali 0,98%; phosphoric 0,18%.

2.2. Tác dụng y học hiện đại

  • Kháng khuẩn, kháng viêm: Cao nước từ cây có tác dụng kháng tụ cầu vàng, nước ép toàn cây kháng vi khuẩn gram dương.
  • Diệt côn trùng.
  • Thanh nhiệt, lợi tiêu hóa, lợi tiểu.
  • Dùng ngoài trị nhọt độc sưng hoặc nấm chân da.

2.3. Tác dụng y học cổ truyền

Tính vị: Tính mát và vị chua, không độc.

Tác dụng: Lợi tiểu, thanh nhiệt, giảm ho, tiêu phù thủng, sát trùng.

Theo Đông y:

  • Dùng làm thuốc giải nhiệt, khát nước, sát trùng.
  • Dùng làm thuốc thông tiểu tiện, chữa viêm niệu đạo.
  • Lá đánh đồ đồng sẽ bóng sáng do có chất axid oxalic.
  • Lá nghiền ra hãm trong nước sôi vài giờ, hoặc toàn cây sắc uống có tác dụng giải nhiệt và trị kiết lỵ.
  • Còn các hành có vẩy, màu vàng vàng, 4 – 5 cái xếp thành búi chỉ to không bằng ngón chân cái không ăn được vì quá chua.

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Cây Me đất thường dùng dưới dạng sắc thuốc hoặc chế biến thành món ăn.

Liều dùng tối đa mỗi ngày đối với Me đất khô 5 – 10 g và tươi là 30 – 50 g.

Cách dùng: Lá tươi 30 – 50 g hoặc 5 – 10 g lá khô đun với 1,5 lít nước để uống trong ngày.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Rửa vết loét

Nước sắc hoặc giã cây tươi vắt lấy nước để rửa vết loét.

4.2. Ho do thử nhiệt (nắng nóng)

Me đất hoa vàng 40 g, Rau má 40 g, lá Xương sông 20 g, cỏ Gà 20 g. Các vị thuốc đều dùng tươi, rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước. Thêm 1 thìa đường, đun sôi lại, chia 3 lần uống trong ngày.

Hoặc Me đất hoa vàng dùng tươi 10 – 20 g, nhai với ít muối, nuốt nước hoặc phối hợp với rễ Dâu tằm, Măng tre, Gừng giã nhỏ thêm nước. Uống

4.3. Trị ngã bong gân gây sưng đau

Dùng 1 nắm lá cây Me đất chưng nóng và đắp vào nơi bị sưng đau.

4.4. Chữa tiểu tiện không thông

Me đất và Mã đề dùng tươi, mỗi thứ một nắm tương đương 20 g. Đem rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt và thêm đường vào uống.

4.5. Điều trị ngứa ngáy, rôm sẩy

Sử dụng lá Me đất đem rửa sạch và vò nát. Sau đó đắp lên vùng da bị ngứa hoặc rôm sẩy. Sau khi thấy lá bắt đầu khô, dùng nước sạch vệ sinh lại da.

5. Kiêng kỵ

  • Chứa nhiều acid oxalic, đặc biệt là thành phần hoạt chất oxalat kali có thể gây sỏi thận hoặc sỏi trong bàng quang. Vì vậy, những người bị đang bị sỏi thận, bàng quang… cũng không nên dùng.
  • Không nên dùng quá cao vì muối oxalate độc ở liều 20 – 30 g. Triệu chứng ngộ độc là vô niệu, gây suy thận cấp.
  • Không dùng cho phụ nữ đang mang thai.

Cây Me đất không chỉ là loài cây quen thuộc mà còn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*