Cây Gáo còn được gọi với tên gọi khác là Gáo vàng, Huỳnh bá, Gáo nam. Cây có tên khoa học là Sarcocephalus coadunatus Druce, thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Vỏ cây Gáo được nhân dân dùng làm thuốc chữa sốt dưới dạng thuốc sắc.
1. Giới thiệu chung về cây Gáo
1.1. Mô tả dược liệu
Cây to với chiều cao trung bình từ 15 – 20m. Cành mọc ngang, cành non màu nâu sậm, cành già màu xám, nhẵn, gỗ màu vàng. Lá mọc đôi, hình trái xoan, gốc tròn hoặc hình tim, đầu tù, 2 mặt nhẵn, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới màu nâu nhạt, cuống lá có khía rãnh, lá kèm tù ở đầu.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành đầu tròn; hoa màu vàng hay trắng vàng, mùi thơm. Quả dính lại với nhau thành khối hình cầu, mỗi quả có 2 ô, mỗi ô có 5 – 8 hạt.
Mùa hoa: tháng 3 – 5, mùa quả: tháng 6 – 8.
1.2. Phân bố, sinh thái
Chi Sarcocephalus Afz. có 3 loài ở Việt Nam. Gáo là loài cây gỗ phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Srilanca, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây phân bố rải rác ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp (dưới 600m) và trung du, đôi khi thấy cả ở vùng đồng bằng do trồng hoặc chim đưa hạt giống đến.
Cây ưa sáng, thường mọc ở ven rừng thứ sinh hay bờ nương rẫy, thích nghi với nhiều loại đất có pH trung tính và tầng đất thịt dày. Gáo sinh trưởng phát triển nhanh, trong vòng 5 năm đầu tiên, mỗi năm có thể cao từ 1 đến 1,5m. Khoảng 6 – 7 năm tuổi cây bắt đầu có hoa quả.
Quả chín là thức ăn của 1 số loài chim lớn, nếu rụng xuống đất thường nhanh bị thối rữa. Gáo gieo giống tự nhiên chủ yếu bằng hạt, khi cây còn nhỏ nếu bị chặt hoặc gãy có thể tái sinh cây chồi. Trồng được bằng hạt.
Gỗ gáo có màu vàng, dễ gia công, thường dùng để đóng thùng, làm ván thưng nhưng không bền.
1.3. Bộ phận dùng
Bộ phận dùng chủ yếu là vỏ cây và gỗ. Sau khi lấy về vỏ sẽ được chẻ nhỏ phơi khô hoặc sấy khô.
1.4. Thành phần hóa học
Thành phần cây Gáo có chứa triterpene glycoside là naucleosid và noreugenin.
Lá chứa các alkaloid là 10 hydroxy strictosamid và 6’ O acetyl strictosamid, vincosamid. Ngoài ra còn có β sitosterol, acid palmitic.
Vỏ, lá và gỗ đều chứa các chất đắng.
2. Công dụng của cây Gáo
Vỏ thân cây Gáo có tác dụng hạ nhiệt, bổ dưỡng.
Vỏ cây Gáo được nhân dân dùng làm thuốc chữa sốt dưới dạng thuốc sắc với liều 10 – 16 g. Có thể dùng gỗ Gáo thái mỏng và sắc như vỏ cây. Bạn cũng có tham khảo thêm loại thảo dược sau: Đại bi: Vị thuốc trị cảm sốt hiệu quả
Ở Tiên Yên (Quảng Ninh), người ta dùng vỏ Gáo chữa sốt rét, xơ gan cổ trướng trong bài thuốc sau: Vỏ Gáo phối hợp với Cỏ sữa lá to, Cỏ xước, mỗi vị 10g. Sắc uống trong ngày.
Ngoài ra, cây Gáo còn được nhân dân các nước dùng làm thuốc, cụ thể:
- Ở Campuchia, nhân dân vùng Xiêm Riệp dùng vỏ Gáo làm thuốc giảm đau.
- Ở Philippine, bột vỏ Gáo dùng chữa vết loét. Nước sắc chữa vết thương, tiêu chảy, đau răng.
- Ở New Guinea, nước ngâm vỏ Gáo chữa đau dạ dày.
- Ở Ấn Độ, vỏ của cây lại dùng trị rắn cắn. Ngoài cây gáo thì cây ba chẽ cũng là một phương thuốc hữu hiệu điều trị khi bị rắn cắn.
3. Bài thuốc có chứa cây Gáo
3.1. Bài thuốc chữa xơ gan cổ trướng
Vỏ Gáo, Cỏ sữa lá lớn, Cỏ xước toàn cây. Ba vị bằng nhau, mỗi vị 10g. Sắc uống trong ngày. Dùng liền trong 10 – 15 ngày.
3.2. Bài thuốc trị cảm sốt
Dùng 10 – 16g vỏ cây Gáo. Rửa sạch rồi cho vào ấm, sắc uống.
Để lại một phản hồi