Cây Duối: Loài cây dân dã và những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

Duối là cây thường được trồng làm hàng rào ở các vùng nông thôn Việt Nam, tạo nên vẻ đẹp của làng quê. Bên cạnh đó, các bộ phận của cây như rễ, thân, lá cũng có được sử dụng trong trị bệnh. 

1. Giới thiệu cây thuốc

Duối hay Ruối, còn có tên là Duối nhám. Tên khoa học Streblus asper Lour., thuộc họ Dâu tằm.

Cây nhỏ, cao 4 – 6 m. Thân và cành khúc khuỷu. Lá mọc so le, hình trứng, cứng, ráp, mép khía răng. Cụm hoa đực gồm 10 – 12 hoa, cụm hoa cái chỉ có 1 hoa. Quả mọng màu vàng nhạt, to bằng hạt tiêu. Mùa hoa quả tháng 6 – 11.

Cây duối phân bố ở nhiều nước như Ấn Độ, Myanma, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaixia, Indonexia, Philippin và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở vùng đồi núi và thường được trồng làm hàng rào ở khắp nơi. Thường trồng bằng gieo hạt hoặc bằng cành.

Cây duối cổ thụ tại khu di tích Đền thờ Lê Ngọc tại làng Trường Xuân, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa
Cây duối cổ thụ tại khu di tích Đền thờ Lê Ngọc tại làng Trường Xuân, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa

2. Bộ phận dùng, thành phần hóa học

2.1. Bộ phận dùng

Thường dùng vỏ rễ, vỏ thân, lá và mủ. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm. Mủ dùng tươi, các bộ phận khác rửa sạch, thái ngắn, phơi khô, sao vàng.

2.2. Thành phần hoá học

Trong mủ có nhựa (resin) và một ít cao su. Trong mủ đông đặc, tỷ lệ nhựa là 76%, cao su là 23%. Nhựa có tác dụng làm đông mủ. Vỏ rễ chứa nhiều loại glycosid tim như kamloside, asperoside, strebloside, indroside, cannodimemoside, strophalloside,…

Glycoside tim là một nhóm hoạt chất từ thực vật, có tác dụng lên hệ tim mạch, có thể dùng để sản xuất thuốc. Một ví dụ điển hình, 2 loại thuốc dùng trong điều trị suy tim là digitoxin và digoxin được chiết xuất từ các loài Dương địa hoàng.

2.3. Tính vị, tác dụng

Duối có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, sát trùng. Người ta nhận thấy chất đắng của vỏ có tác dụng đối với cơ tim tương tự như adrenalin (là 1 thuốc làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp). Streblosid có thể so sánh với digitoxin (là một thuốc điều trị suy tim).

3. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Quả chín ăn ngọt và thơm. Lá Duối dùng để đánh bóng đồ gỗ, làm thức ăn cho gia súc. Gỗ mịn, trắng, mềm, đẹp thường dùng để khắc dấu, tiện đồ đạc. Vỏ chứa nhiều xơ dùng dệt túi, làm nguyên liệu chế bông nhân tạo và làm giấy.

Nhiều bộ phận được dùng làm thuốc:

  • Lá: chữa trâu bò đau bụng ỉa chảy và xoa bóp chữa bại liệt, ngoài ra nó còn được dùng để chữa nắng nóng. Lá sao vàng chữa băng huyết, kiết lỵ. Lá non giã đắp trị vết thương chảy máu (thêm ít vôi tôi).
  • Nhựa mủ dùng dán hai bên thái dương chữa nhức đầu, cũng dùng chữa nhọt lở ngoài da.
  • Vỏ dùng chữa sâu răng, đau bụng, sốt, đi tiêu chảy, lỵ, phong thấp đau nhức, đắp bó chữa gãy xương.
  • Cành và rễ thái mỏng sắc uống làm thuốc thông tiểu chữa bụng trướng. Vỏ rễ chữa tiểu đục, bí tiểu. Liều dùng 12 – 20g dưới dạng thuốc sắc để uống và ngậm.

Ở Ấn Độ, nước sắc vỏ dùng chữa sốt, lỵ và tiêu chảy. Rễ dùng đắp trị mụn nhọt mưng mủ và viêm, cũng dùng trị rắn cắn. Nhựa mủ sát trùng, làm se, dùng đắp nứt nẻ ở tay và ở gót chân.

4. Một số bài thuốc dùng cây Duối

4.1. Chữa phù thũng

Dùng lá Duối 12 g, vỏ Bưởi (sao vàng) 12 g, vỏ Quýt 12 g, cây Bố rừng 12 g, vỏ Tỏi 10 g, củ Sả 10 g. Đổ 600 ml nước sắc còn 200 ml, uống mỗi thang 2 nước trong 1 ngày.

4.2. Tiểu đục

Dùng vỏ rễ Duối, vỏ rễ Nhót, mỗi vị 20 g, sắc uống.

4.3. Bó gãy xương

Dùng vỏ Duối giã nhỏ với lá Thanh táo, dây Tơ hồng và Chuối tiêu đắp bó.

4.4. Sâu răng

Dùng vỏ Duối sắc đặc ngâm.

5. Nghiên cứu về tác dụng của các chiết xuất từ cây Duối

Trên hệ tim mạch, chiết xuất từ vỏ rễ có tác dụng tăng cường hoạt động co bóp của cơ tim.

Dịch chiết của vỏ thân và vỏ rễ có tác dụng ức chế nhiều loại giun sán ký sinh ở người hoặc súc vật. Tác dụng này được lý giải thông qua ức chế sự hấp thu glucose của ký sinh trùng, làm chúng không nó năng lượng để sống.

Các thành phần trong lá cây Duối cho thấy tác dụng chống viêm. Bên cạnh đó, còn có tác dụng kháng khuẩn, tác động lên nhiều chủng vi khuẩn khác nhau, đặc biệt là các vi khuẩn gây bệnh vùng mũi họng. Do đó người ta kết luận rằng súc miệng bằng nước chứa chiết xuất lá Duối có thể làm ức chế các vi khuẩn có hại mà không ảnh hưởng đến các vi khuẩn có lợi.

Đối với Candida albican là vi nấm thường gây bệnh ngoài da, đường tiết niệu, sinh dục, chiết xuất lá Duối làm ức chế sự bám dính của vi nấm vào tế bào. Dịch chiết từ rễ của cây thuốc này còn cho thấy tác dụng chống lại vi rút viêm gan B (gây viêm gan, xơ gan).

Chiết xuất từ lá cây Duối có tiềm năng trong điều trị nhiều bệnh
Chiết xuất từ lá cây Duối có tiềm năng trong điều trị nhiều bệnh

Chiết xuất vỏ thân và phần tinh dầu từ lá Duối tươi thể hiện tác dụng chống ung thư, tác động trên các dòng tế bào ung thư máu, ung thư gan, ung thư vú, ung thư đại tràng… Nó còn thể hiện tác dụng chống dị ứng qua nghiên cứu trên chuột.

Trên mô hình chuột đái tháo đường, chiết xuất vỏ rễ Duối làm giảm mức đường huyết, cải thiện các thông số xét nghiệm, được giải thích bằng cơ chế chống oxy hóa. Tác dụng chống oxy hóa đó còn được thể hiện trong nhiều thí nghiệm khác.

Lưu ý các nghiên cứu trên chỉ tiến hành trong phòng thí nghiệm, không nên tự ý sử dụng Duối để trị ung thư, viêm gan, đái tháo đường,…

Tóm lại, cây Duối được dân gian dùng từ lâu trong điều trị đau bụng, tiêu chảy, phù thũng, viêm nhiễm trùng,… Các nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá, vỏ thân, vỏ rễ của nó có các tác dụng kháng khuẩn, chống nấm, chống oxy hóa, tác động lên nhiều loại ung thư,…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*