Cây Chàm là một loại cây sống ở vùng núi, được dùng để tạo thuốc nhuộm. Chàm còn được dùng để chế Thanh đại, một vị thuốc y học cổ truyền. Bài viết sau sẽ giới thiệu đến quý độc giả cây Chàm, công dụng của nó cũng như vị thuốc Thanh đại, đồng thời giới thiệu về cách người ta chế Thanh đại từ cây Chàm.
1. Giới thiệu cây thuốc
Cây Chàm có tên khoa học Indigofera tinctoria L. thuộc họ Đậu. Đây là một cây bụi thấp, cao 1 – 2m, với nhánh thẳng, có luôn hình thuyền. Lá kép, mọc đối như lông chim. Lá dài 1,5 – 2,5cm, rộng 0,6 – 1,5cm, gốc thon hẹp, có mũi ngắn ở chóp.
Chùm hoa có rất nhiều hoa, mọc thẳng đứng rồi thõng xuống. Hoa có màu xanh lục và đỏ. Quả hình dải, thẳng hay cong, dài 3 – 4cm, rộng 0,3cm.
Cây mọc trên đất hoang, rải rác trên đường đi hoặc các bờ sông, có thể phân bố lên vùng cao 2.000m. Đây cũng là cây trồng của đồng bào vùng núi. Chàm ra hoa quanh năm, chủ yếu tháng 8 – 9, có quả tháng 10 – 11.
Cây phổ biến khắp nơi ở Việt Nam, được trồng tại nhiều địa phương. Cây thường gắn với người Tày – Nùng ở vùng Đông Bắc, bao gồm các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Trên thế giới, cây cũng được trồng ở các nước nhiệt đới.
2. Bộ phận dùng, thành phần hóa học
2.1. Bộ phận dùng
Người ta dùng rễ và toàn cây. Cành lá thu hái vào mùa khô trước khi cây ra hoa. Rễ thu hái quanh năm, thường dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Lá tươi khi đem ngâm vào nước vôi sẽ thu được bột Chàm (còn gọi là Thanh đại) có màu xanh lam rất đẹp, là một vị thuốc, cùng dùng để nhuộm quần áo.
2.2. Thành phần hóa học
Cây chứa một chất gọi là indican. Chất này khi bị thủy phân cho ra glucose và indoxyl. Chất indoxyl này khi bị oxy hóa trong không khí cho ra chất indigo màu xanh đậm, rất bền. Các thành phần hóa học khác như deguelin, dihydrodeguelin, rotenol, rotenol tephrosin, sumatrol, retinoid…
3. Vị thuốc Thanh đại trong y học cổ truyền
3.1. Tính vị, công năng chủ trị
Thanh đại có vị đắng tính hàn (lạnh). Vị thuốc này có công dụng thanh nhiệt tả hỏa, tức là làm mát cơ thể, trị phần hỏa độc bên trong. Do đó, Thanh đại được dùng trị bệnh sốt quá cao, co giật, hôn mê bất tỉnh, nôn ra máu, ho ra máu. Thường được phối hợp với Thạch cao, Hoàng liên.
3.2. Cách chế Thanh đại từ cây Chàm
Ngoài cây Chàm, Thanh đại còn được chế từ 2 cây khác là cây Nghệ chàm (Polygonum tinotorium Lour) và cây Chàm mèo (Strobilanthes cusia Bremek).
Cây tươi thu hái về ngâm ngay vào nước ở 30°C trong vòng 12 giờ. Sau đó gạn lấy nước rồi cho vôi cục vào, 100kg Chàm dùng khoảng 10kg vôi. Dùng cây khuấy liên tục 4 – 6 giờ. Dung dịch sẽ nổi bọt và đổi màu xanh lam. Bột Chàm được vớt ra, ép hết nước, cắt thành từng khúc nhỏ để phơi trong mát cho đến khô. Trong khi phơi có thể có mốc ở phía trên, khi dùng cạo lớp mốc đó đi.
4. Công dụng, cách dùng
Toàn cây, nhất là Thanh đại có vị đắng tính mát, có tác dụng thanh nhiệt tán uất, lương huyết giải độc. Rễ có tác dụng lợi tiểu. Lá giải độc, tiêu viêm, thường được dùng chữa viêm họng, sốt.
Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch lá dự phòng chứng sợ nước. Người ta còn dùng nước hãm toàn cây để chữa động kinh, ho gà, dùng làm thuốc bôi trị biết thương. Dùng ngoài lấy lá bó gãy chân và ép lấy dịch trộn với mật ong chữa tưa lưỡi, lở miệng, viêm lợi chảy máu. Ở Vân Nam (Trung Quốc), dùng cành lá trị viêm gan B, viêm tuyến mang tai, mắt đỏ, chảy máu…
Thường dùng dưới dạng uống hoặc sắc hoặc thuốc tán (bột), ngày dùng 2 – 6g. Dùng ngoài, giã nát hoặc ép lấy dịch để bôi.
5. Các bài thuốc sử dụng cây Chàm
5.1. Chữa trẻ em sốt cao, co giật
Thanh đại hòa với nước, mỗi ngày uống 2 – 8g, chia thành nhiều lần.
5.2. Chữa chảy máu mũi
Thanh đại, Bồ hóng sao, tán bột, lượng bằng nhau. Trộn lẫn, uống mỗi lần 4g.
5.3. Chữa viêm lợi, chảy máu, lở miệng
Thanh đại, Phèn chua, Hoàng liên, Đinh hương, tán bột, dùng bôi ngoài.
5.4. Chữa nhọt lở, đau nhức
Lá Chàm giã nát, đắp tại chỗ.
5.5. Chữa ngộ độc do uống thuốc quá liều
Lá Chàm giã nhỏ, chế nước nguội, mỗi giờ bôi 1 lần.
5.6. Giải độc khi dị ứng bởi sơn
Thanh đại 25g, Thạch cao sống 50g, Hoạt thạch 15g, vỏ Núc nác 20g, sắc uống ngày 1 thang.
6. Một số nghiên cứu về cây Chàm
Một nghiên cứu trên tế bào cho thấy các chất hóa học trong bột Chàm có tác dụng bảo vệ thần kinh mạnh mẽ. Nghiên cứu khác tiến hành trên mô hình chuột bị động kinh, cho thấy chiết xuất cây Chàm giúp chống động kinh và giảm tỉ lệ chết.
Chiết xuất cây Chàm còn giúp bảo vệ gan trên mô hình chuột gây độc gan bằng nhiều loại hóa chất khác nhau.
Nghiên cứu trên mô hình gây đau bụng ở chuột cho thấy chiết xuất từ cây Chàm có tác dụng làm giảm đau, và gợi ý các cơ chế có thể tương tự như các thuốc giảm đau hiện tại.
Chiết xuất cây Chàm còn cho thấy tác dụng làm giảm lipid máu (tác động các chỉ số như triglycerid huyết tương, cholesterol toàn phần…), tác dụng chống tăng sinh vi khuẩn, chống tăng sinh tế bào ung thư.
Lưu ý: không tự ý sử dụng để điều trị động kinh, ung thư…
Để lại một phản hồi