Cây Bồ đề: loài cây có ý nghĩa về phong thủy và tác dụng trị bệnh

Bồ đề là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng sát trùng, giảm đau nhức khớp rất hiệu quả. 

1. Giới thiệu về cây Bồ đề

  • Tên thường gọi: Bồ đề, Cánh kiến trắng, An tức bắc, Săng trắng, Bồ đề trắng, Hu món (Tày)…
  • Tên khoa học: Styrax tonkinensis (Pierre) Craib ex Hart.
  • Họ khoa học: Styracaceae (Bồ đề).

Nhựa cây Bồ đề là bộ phận được thu hái nhiều nhất để chữa bệnh và ứng dụng rộng rãi trong y học.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây Bồ đề có nguồn gốc từ Ấn Độ, là loại cây thường xanh với tốc độ sinh trưởng mạnh mẽ. Đây là loại cây ưa sáng, dễ nhân giống nên được trồng phổ biến ở khắp các vùng miền của Việt Nam, tập trung nhiều ở những khu vực đồi núi trung du như Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Sơn La… Người ta thường trồng cây để lấy gỗ làm que diêm, làm giấy và lấy nhựa.

Thu hái nhựa của cây vào tháng 6 – 7 hằng năm. Nhựa có phẩm chất tốt phải được thu hoạch ở cây 5 – 10 năm tuổi. Lấy nhựa của cây bằng cách rạch vào cành hoặc thân cho mủ chảy ra. Loại tốt có màu vàng nhạt, mùi thơm vani. Loại xấu màu đỏ, mùi kém hơn, lẫn nhiều tạp chất.

1.2. Mô tả toàn cây

Cây Bồ đề thuộc thực vật thân gỗ có thể cao 15 – 20m, vỏ thân nhẵn, màu xám bóng. Cành hình trụ, khi non có lông, sau nhẵn màu nâu.

Lá mọc so le mềm hình trứng hoặc hình bầu dục, gốc và đầu thuôn nhọn, mặt trên nhẵn màu lục, mặt dưới trắng phủ lông mịn, hình sao. Kích thước lá rộng 2 – 2,5cm, dài 6 – 15cm và có cuống ngắn. Gân lá nổi rõ, mép nguyên hoặc có răng rất nhỏ ở phía đầu lá.

Cụm hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá thành những chùm dài, phủ nhiều lông hình sao, mùi thơm nhẹ. Lá bắc rụng sớm, hoa nhỏ màu trắng, mùi thơm nhẹ. Đài hình chén có 5 – 6 răng nhỏ. Tràng có 5 cánh liền ở gốc, mặt ngoài có lông tơ vàng. Nhị 10, rời có lông hình sao, bầu hình trứng cũng có lông, 3 ô chứa nhiều noãn.

Quả hình trứng hoặc hình cầu mở thành 3 mảnh, có lông. Đường kính mỗi quả 1 – 1,5 cm. Quả sống có màu xanh và chín có màu lục điểm tía. Hạt có vỏ cứng, dày và nhăn nheo

Mùa hoa quả tháng 5 – 8.

Hình dáng cành, lá, hoa của cây Bồ đề
Hình dáng cành, lá, hoa của cây Bồ đề

1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế

Toàn bộ các bộ phận của cây Bồ đề đều có thể ứng dụng để điều trị bệnh. Trong đó, phổ biến nhất là lá và tinh dầu, nhựa cây (An tức hương)…

Thu hái: Nhựa thường thu vào mùa hạ và mùa thu hoặc lấy từ thân cây bị tổn thương. Lấy nhựa bằng cách rạch một đường trên thân cây rồi dùng dụng cụ hứng nhựa. Sau khi nhựa kết thành những giọt to.

Chế biến: Sau khi lấy nhựa về, đem ngâm với rượu rồi nấu sôi từ 2 – 3 lần cho đến khi nhựa chìm xuống dưới. Vớt ra và thả vào nước lạnh cho nhựa cứng lại, cuối cùng đem phơi khô rồi dùng dần.

Dược liệu: Còn gọi là An tức hương. Từng cục nhựa nhỏ rời nhau, to nhỏ không đều, một số dẹt, một số dính lại với nhau thành từng khối. Bên ngoài màu vàng cam, láng bóng như sáp (nhựa do tổn thương tự nhiên) hoặc có hình trụ không đều, mảnh dẹt, bên ngoài có màu trắng xám, hơi vàng (nhựa do vết rạch). Chất giòn, dễ vỡ; mặt vỡ phẳng, màu trắng, để lâu dần chuyển thành nâu vàng hoặc nâu đỏ. Đun nóng thì mềm và chảy ra. Mùi thơm vani đặc biệt, vị hơi cay.

Ngoài ra, cây Bồ đề còn có thể bào chế dưới dạng tinh dầu, viên nén hoặc sắc nước uống để điều trị bệnh.

Nhựa cây Bồ đề (An tức hương) có mùi thơm vani đặc biệt, vị hơi cay
Nhựa cây Bồ đề (An tức hương) có mùi thơm vani đặc biệt, vị hơi cay

1.4. Bảo quản

Dược liệu trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, không mối mọt.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Theo nghiên cứu khoa học thì thành phần hóa học trong cây Bồ đề khá đa dạng:

  • Benzyl cinnamat (1,23%).
  • Acid benzonic tự do (26,13%).
  • Vanilin 1,38%.
  • Alcol coniferilic.
  • Acid cinnamic tự do (2,75%).
  • Alcol coniferilic.
  • Benzyl benzoat (4,24%).
  • Acid siaresinolic.

2.2. Tác dụng y học hiện đại

Nhựa Bồ đề có tác dụng kháng khuẩn in vitro trên một số vi khuẩn thông thường và có tác dụng lợi đàm khi thực nghiệm trên thỏ.

Dùng ngoài nhựa làm vết thương mau lành, bảo vệ lớp niêm mạc, chữa nẻ vú, xua đuổi côn trùng.

Ngoài ra, dược liệu còn được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và thực phẩm.

Dung dịch cánh kiến trắng trong cồn dùng làm thuốc xông chữa ho, khản cổ….

2.3. Tác dụng y học cổ truyền

Tính vị: Vị cay, đắng, tính bình, không độc (Đường Bản Thảo).

Quy kinh:

  • Kinh Tâm và Tỳ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
  • Kinh Tâm, Can, Tỳ (Trung Dược Học).

Tác dụng: an thần, hành khí, giảm đau, hoạt huyết, làm lành vết thương…

Chiết xuất được ứng dụng làm thuốc thoa ngoài da giúp vết thương mau lành
Chiết xuất từ cây Bồ đề được ứng dụng làm thuốc thoa ngoài da giúp vết thương mau lành

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau:

  • Dùng dược liệu dưới dạng sắc hoặc hoàn tán với liều lượng 0,5 – 2g mỗi ngày, tối đa 4g.
  • Dùng ngoài: tùy theo vùng bệnh mà dùng. Dung dịch 20% trong cồn làm thuốc bôi chữa nẻ vú.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Chữa bệnh đau răng

Lá Bồ đề tươi 10g, chồi non cây Bồ đề 20g, rửa sạch, sắc lấy cùng 1 lít nước trong vòng 15 phút, đổ ra bát. Súc miệng khi còn ấm sẽ có tác dụng giảm đau răng hiệu quả.

Vị thuốc trị đau răng khá hiệu quả
Vị thuốc trị đau răng khá hiệu quả

4.2. Sát trùng vết thương ngoài da

Lá và chồi non của cây Bồ đề, rửa sạch, giã nát lấy nước. Dùng bông thấm nước cốt chấm đều lên miệng vết thương trong nhiều ngày liên tiếp. Vết thương ngoài da sẽ bắt đầu lên da non và lành.

4.3. Trị ho

Nhựa cây Bồ đề tán nhuyễn (0,5g) thành bột trộn với mật ong uống đều đặn 3 lần/ngày sẽ có tác dụng trị ho, giảm ngứa ngáy vòm họng hiệu quả.

4.4. Trị nứt nẻ vú

An tức hương 20g, ngâm với 100g cồn 80°C trong 10 ngày, thỉnh thoảng lắc cho đều thuốc. Dùng cồn này hòa thêm nước bôi lên chỗ nứt nẻ (Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam).

5. Kiêng kỵ

Tùy thuộc vào cơ địa và sức khỏe của mỗi người mà có thể sử dụng vị thuốc theo cách khác nhau. Tuy nhiên, không nên sử dụng quá liều vị thuốc này, ngay cả khi dùng dưới dạng đường uống hoặc bôi. Bởi vì mặc dù là dược liệu tự nhiên nhưng nếu không biết cách sử dụng, vị thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ như phát ban hoặc tiêu chảy. Ngoài ra, thảo dược này cũng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đối với da và gây ảnh hưởng cơ quan khác bên trong.

Những trường hợp sau không nên sử dụng Bồ đề điều trị bệnh:

  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Trường hợp bị dị ứng với thành phần của dược liệu.
  • Đang mắc bệnh âm hư hoả vượng (gầy yếu, miệng khô khát, nóng trong người, mồ hôi trộm, lòng bàn tay chân đỏ, gò má đỏ, chóng mặt, hoa mắt…).
  • Có khí hư, ăn ít hoặc chán ăn.

Bồ đề là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*