Câu đằng là một loại dây leo, thường mọc nơi mát. Ở mặt lá có gai mọc cong xuống trông như móc câu nên có tên Câu đằng.
1. Mô tả dược liệu
1.1. Tên gọi
- Tên gọi khác: Gai móc câu, Thuần câu câu, Vuốt mèo.
- Tên khoa học: Uncaria sp. (Uncaria rhynchophylla).
- Họ: Cà phê (Rubiaceae).
1.2. Đặc điểm tự nhiên
- Đặc điểm cây: Cây Câu đằng thuộc dạng thân leo, cành non có rãnh dọc thiết diện vuông góc, màu xanh nhạt. Khi già, cây có màu xám đen. Cuống lá ngắn, mọc đối, có lá kèm. Ở kẽ lá có gai nhỏ mọc cong xuống dưới. Cứ 1 mấu 2 gai lại xen phải 1 mấu có gai. Hoa mọc thành cụm, hình cầu mọc thành từng chùm hoặc đơn độc ở vùng đầu cành, kẽ lá… Quả nang dài và dẹt, có chứa nhiều hạt có cánh.
- Đặc điểm dược liệu: Đoạn thân (cành) vuông, có mấu gai, hình như lưỡi câu, được cắt thành đoạn 2 – 3cm, đường kính 5mm. Phần lớn mấu thân có 2 móc câu cong hướng đối diện nhau. Khi phơi khô, vỏ ngoài của dược liệu có màu nâu xám, bên trong màu nâu sáng hoặc vàng. Dược liệu cứng, dai, không có mùi, vị nhạt.
- Loại có 2 móc câu được coi là tốt hơn.
1.3. Phân bố, thu hái, chế biến
- Câu đằng thường phân bố và tập trung chủ yếu ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Ấn Độ, Malaysia, Peru, Việt Nam… Tại Việt Nam, cây Câu đằng phân bố rải rác tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái và một số vùng thượng du.
- Câu đằng thường được thu hoạch quanh năm, nhưng tháng 7 – 8 là mùa chính. Bởi vì lúc này các bộ phận gai đã đủ già.
- Sau khi thu hoạch, Câu đằng được đem chặt lấy các đoạn có móc câu, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.
1.4. Bộ phận sử dụng
Bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc phổ biến nhất của Câu đằng đó là đoạn thân, cành có mấu gai ở kẽ lá hoặc phần gai cong như lưỡi câu.
2. Thành phần hóa học
Y học hiện đại nghiên cứu và phát hiện trong Câu đằng có thành phần chính là alkaloid. Trong thân và rễ Câu đằng có khoảng 0,041% alkaloid toàn phần với khoảng 28,9% rhynchophyllin và isorhynchophuyllin. Ngoài ra, alkaloid còn được phân bố ở một số bộ phận khác như là:
- Thân, lá, móc câu: có chứa rhynchophyllin, isorhynchophuyllin, isocorynoxcin và corynoxcin.
- Thân và lá: gồm các thành phần như akumigin, rhynchophin, valestachotchamin.
- Vỏ, thân, cành: hirsutin, hirsutein.
3. Tác dụng dược lý
3.1. Theo Y học cổ truyền
- Tính vị: ngọt, hơi hàn. Quy kinh can, tâm bào.
Tác dụng: tức phong chỉ kinh, thanh nhiệt bình can.
Chỉ định:
Điều trị trẻ em bị kinh phong gây sốt cao, răng nghiến chặt, chân tay co quắp thường dùng với ma hoàng, toàn yết như bài câu đằng ẩm. Điều trị bệnh ôn nhiệt, nhiệt cực sinh phong, chân tay co quắp thường dùng với linh dương giác, bạch thược, cúc hoa như bài linh giác câu đằng thang.
Điều trị chứng can dương thượng cang gây đau đầu, chóng mặt buồn nôn. Nếu do can hoả vượng thường dùng với hạ khô thảo, chi tử, hoàng cầm. Nếu do can dương vượng thường dùng với thiên ma, cúc hoa, thạch quyết minh. Gần đây, dùng câu dằng điều trị cao huyết áp thấy có tác dụng ôn hoà và hạ áp. Ngoại trừ bệnh nhân cao huyết áp giai đoạn III ra, còn lại phần lớn bệnh nhân đều thấy huyết áp giảm, cùng với dó là các triệu chứng lâm sàng cũng giảm theo.
Liều dùng: 10 -15g. Không nên sắc quá 20 phút.
3.2. Theo Y học hiện đại
Liều nhỏ rhynchophylin có tác dụng hưng phấn trung khu hô hấp, đồng thời làm giãn mạch máu ngoại vi làm cho huyết áp hạ rõ rệt. Tiêm rhynchophylin vào tĩnh mạch của thỏ làm thỏ thở hổn hển và tê liệt vận động.
Câu đằng còn được dùng trấn kinh ở trẻ em, khóc đêm, phụ nữ xích bạch đới (khí hư đới hạ ra nhiều).
4. Liều dùng, cách sử dụng
- Ngày dùng 6 – 15 gam dưới dạng thuốc sắc.
- Vị thuốc này không sắc lâu. Nếu sắc lâu quá 20 phút sẽ làm giảm tác dụng hạ áp của Câu đằng.
5. Bài thuốc cổ phương
Thiên ma câu đằng ẩm
Gồm Thiên ma, Câu đằng, Sinh thạch quyết minh, Tang ký sinh, Đỗ trọng, Ngưu tất, Sơn chi, Hoàng cầm, Ích mẫu thảo, Chu phục thần, Dạ giao đằng.
Dùng để trị huyết áp cao có kèm các biểu hiện đau đỉnh đầu, chóng mặt hoa mắt, đầu lắc, giật mình, mất ngủ.
Linh dương câu đằng ẩm
Gồm Linh dương giác, Tang diệp, Xuyên bối, Sinh địa, Câu đằng, Cúc hoa, Sinh Bạch thược, Sinh cam thảo, Tiên trúc nhự, Phục thần.
Thường dùng chữa ngoại cảm nhiệt bệnh, sốt cao chân tay co giật, lưỡi khô có gai.
6. Các bằng chứng khoa học
6.1. Tác dụng chống co giật
- Mô hình chuột động kinh: Câu đằng có tác dụng chống co giật và điều trị động kinh. Nó giúp bảo vệ các tế bào thần kinh vùng đồi thị khỏi sự chết của tế bào, giảm tỉ lệ chuột tử vong.
- Mô hình chuột Parkinson: Dịch chiết Câu đằng đã ức chế sự biểu hiện của protein HSP90, làm chậm quá trình “chết tế bào theo chu trình – Apoptosis” ở bệnh Parkinson. Đồng thời, dịch chiết Câu đằng cải thiện hành vi, nâng cao các biểu hiện tích cực ở chuột.
6.2. Tác dụng bảo vệ mạch máu, hạ huyết áp
Mô hình chuột: Bảo vệ tế bào nội mô mạch máu là chìa khóa để phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp. Câu đằng có thể làm giảm huyết áp, cải thiện tính toàn vẹn cấu trúc của nội mô mạch máu.
6.3. Tác dụng giảm tiền sản giật
Mô hình chuột tiền sản giật: Tiền sản giật là một rối loạn trong thai kỳ có biểu hiện: protein niệu, tăng huyết áp, co giật và đau đầu dữ dội, phát triển bất thường của thai nhi, oxy hóa thai nhi và giảm lượng nước ối.
Đây là một vấn đề sản khoa nghiêm trọng, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho mẹ. Dịch chiết alkaloid trong Câu đằng làm giảm protein niệu và huyết áp tâm thu 24 giờ, tăng trọng lượng thai nhi, trọng lượng nhau thai và số lượng chuột con sống, giảm nồng độ interleukin (IL)-6, IL-1β, yếu tố hoại tử khối u và interferon. Điều này cho thấy tác dụng chống viêm của dịch chiết Câu đằng có thể là một liệu pháp thay thế trong chăm sóc tiền sản giật.
7. Kiêng kỵ
- Người không có phong nhiệt và thực nhiệt cấm dùng.
Tác dụng của Câu đằng còn đang được nghiên cứu. Chứng minh hiệu quả từ giai đoạn thử nghiệm trên động vật đến sử dụng đại trà cho người là một chặng đường rất xa.
Để lại một phản hồi