Cây Cần tây là loại rau quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Không chỉ có thể dùng như một loại nước ép bổ dưỡng mà đây còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiêu hóa rất hiệu quả. .
1. Giới thiệu về Cần tây
- Tên thường gọi: Rau Cần tây.
- Tên khoa học: Apium graveolens L.
- Họ khoa học: Hoa tán (Apiaceae).
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cây có nguồn gốc xuất xứ từ bờ biển Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Cần tây được trồng lâu đời tại các nước phương Tây để ăn kèm và điều trị bệnh cao huyết áp. Hiện tại, cây được trồng nhiều ở nước ta tại các vùng thung lũng, đầm lầy như Quảng Ngãi, Bình Định…
Cần tây sinh trưởng mạnh vào vụ đông xuân. Cây được gieo trồng bằng hạt. Đất trồng rau thích hợp là đất cát pha, nhiều mùn tơi xốp giữ ẩm tốt.
Đây là loại rau có thể thu hoạch quanh năm, thường dùng để ăn sống, ép nước hoặc chế biến kèm các món ăn khác.
Mùa hoa quả tháng 3 – 5.
1.2. Mô tả toàn cây
Cây thảo sống dai, thân mọc thẳng đứng, cao 1,5m, nhẵn có nhiều rãnh dọc, chia nhiều cành mọc đứng.
Lá ở gốc có cuống, hình thuôn hay 3 cạnh, xẻ 3 hay chia 3 thùy cho tới phía giữa phiến. Các thùy hình 3 cạnh, dạng mắt chim, tù có khía lượn tai bèo. Lá giữa và lá ngọn không cuống, chia 3 hoặc xẻ 3 hoặc không chia thùy.
Cụm hoa gồm nhiều tán. Các tán hoa ở đầu cành có cuống dài hơn những tán bên. Không có tổng bao. Hoa nhỏ màu trắng nhạt hoặc xanh lục nhạt. Đài có răng rất ngắn, tràng có cánh khum, bầu nhỏ.
Cán quả chia đôi, mang 2 quả hình cầu, dạng trứng, nhẵn. Có cạnh lồi chạy dọc theo thân quả, không nổi rõ lắm.
1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế
Toàn thân Cần tây được ứng dụng để làm thuốc điều trị bệnh. Rễ, củ, quả được chưng cất thành tinh dầu và làm gia vị.
Nên chọn các cây có:
- Thân thẳng đứng, cứng cáp.
- Lá phải giòn và tươi, có màu từ nhạt đến xanh sáng.
- Tránh Cần tây có các mảng màu vàng hoặc nâu.
Lưu ý khi sử dụng:
- Cắt Cần tây ngay trước khi nấu hoặc dùng để duy trì chất dinh dưỡng.
- Ngay cả cây đã được cắt nhỏ và lưu trữ chỉ trong vài giờ vẫn sẽ mất chất dinh dưỡng.
- Ăn tươi trong vòng 5 – 7 ngày để tận dụng tối đa những lợi ích dinh dưỡng của rau.
- Đừng bỏ lá vì lá vì có nhiều canxi, kali và vitamin C.
- Hấp sẽ giữ được hương vị và hầu hết các chất dinh dưỡng của rau.
- Ít calo và có thể đem lại một loạt lợi ích trên sức khỏe.
1.4. Bảo quản
Cần tây rất dễ bảo quản. Sau khi thu hái chỉ cần để ở nơi thoáng mát. Tuy nhiên, để cây tươi lâu, người dùng nên bảo quản cây ở nhiệt độ 5 – 12°C.
2. Thành phần hóa học và tác dụng của Cần tây
2.1. Thành phần hóa học
Rau Cần tây chứa 90,5% là nước. Các thành phần hóa học khác bao gồm:
- Hợp chất Nitơ: 1,95%.
- Chất béo: 0,07%.
- Xenluloza: 1,15%.
- Chất tro, polysaccharid, vitamin A, B, C và khoáng chất như Mg, Mn, Fe, Cu, K, Ca, Tyrosin, Cholin.
- Axit glutamic: 1,13%.
Chứa 3 hoạt chất tự nhiên rất có lợi cho sức khỏe tim mạch, đặc biệt là huyết áp bao gồm: 3-n-butylphthalide, apigenin và acid béo omega-6.
Sau khi chưng cất thì lượng tinh dầu thu được là 2 – 3%. Tinh dầu không có màu, rất loãng, mùi thơm đặc trưng. Thành phần chủ yếu của tinh dầu bao gồm: cacbua tecpen, d-limonen, giaiacola, silinen, anhydrit secdanoi, lacton sednolit, sesquitecpen stinben…
Rễ non chứa acid citric, acid isocitric, amin, choline, tinh dầu, vitamin C, glutamin 1,6%…
2.2. Tác dụng y học hiện đại
Bảo vệ tế bào, mạch máu và các cơ quan khỏi bị tổn thương do oxy hóa. Do chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, beta carotene, flavonoid…
Giảm viêm trong đường tiêu hóa, tế bào, mạch máu và các cơ quan, viêm mãn tính.
Hỗ trợ tiêu hóa, giảm các trường hợp loét dạ dày, cải thiện niêm mạc dạ dày và điều chỉnh tiết dịch dạ dày.
Làm giảm mức tăng GOT, GPT trong huyết thanh, dễ trung tiện.
Hạ huyết áp, lợi tiểu. Do có hoạt chất apigenin có tác dụng điều hòa huyết áp và tăng sự co giãn của mạch máu.
Cải thiện tình trạng tăng lipid máu.
Nước ép Cần tây phối hợp với nước ép cà chua có tác dụng kích thích thần kinh và bổ dưỡng cho cơ thể. Nước ép dùng súc miệng hằng ngày có thể chữa được lở loét miệng, viêm họng…
Ngoài ra, quả Cần tây còn được sử dụng trong công nghiệp hương liệu và công nghiệp làm thơm cao thịt chế viên.
2.3. Tác dụng y học cổ truyền
Vị ngọt, cay, mùi thơm nồng.
Tác dụng thanh nhiệt, giúp tiêu hóa, lợi tiểu tiện, ngừng ho, điều trị suy nhược do lao lực, điều hóa khí huyết, giảm ho…
Dùng ngoài trị vết thương, mụn nhọt, ung thư, nứt, nẻ.
3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể ăn Cần tây sống hoặc nấu chín (dễ tiêu hóa hơn), chiết dịch cây, chiết tinh dầu hoặc dùng nước hãm hoặc nước sắc lá. Rau sống thường chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn rau nấu chín.
Cần tây kết hợp sử dụng với:
- Phô mai.
- Bơ đậu phộng.
- Ngoài ra, việc kết hợp Cần tây với dưa chuột, táo, rau bina và chanh có thể tạo ra một ly sinh tố ngon và tốt cho sức khỏe.
- Nước ép từ lá rau Cần tây, cà chua, cà rốt có tác dụng bổ dưỡng
Kiêng kỵ:
- Dị ứng với các thành phần có trong cây Cần tây.
- Phụ nữ mang thai nên tránh bổ sung hạt Cần tây. Vì chúng có thể gây kích thích tử cung.
- Người huyết áp thấp không nên dùng thường xuyên.
- Cần tây xung khắc với dưa chuột. Do đó, không dùng hai sản phẩm này cùng nhau.
- Hải sản như sò lông, nghêu, hàu có tính hàn. Do đó, kết hợp chung dễ làm cơ thể bị lạnh gây ra một số bệnh lý.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp
Dùng 50g cây Cần tây (cả thân và lá) sắc với 3 bát nước con với lửa nhỏ. Khi cạn còn 1 chén là dùng được, chia thành 3 lần, uống trong ngày.
4.2. Hỗ trợ điều trị tăng lipid máu
Dùng Cần tây và táo đen lượng bằng nhau, sắc nước uống hằng ngày, có thể dùng thay nước. Hoặc người bệnh cũng có thể sử dụng nước ép cây Cần tây để sử dụng hằng ngày.
Thời gian sử dụng từ 30 – 45 ngày là mỡ trong máu sẽ giảm rõ rệt. Hàm lượng magnesium và sắt trong Cần tây có thể làm giảm lượng mỡ trong máu rất tốt.
4.3. Trị bệnh đi tiểu nước đục, lợi tiểu
Dùng 10 bộ rễ cây Cần tây cắt sát gốc với đường kính 2cm. Rửa sạch, đun nhỏ lửa cùng 500ml nước còn 200ml. Uống nước này khi đói vào 2 buổi sáng và tối. Uống trong khoảng 3 – 7 ngày nước tiểu sẽ trong trở lại.
4.4. Dùng ngoài
Dùng ngoài hằng ngày: súc miệng bằng nước ép lá Cần tây chữa loét miệng, viêm họng, mụn nhọt.
Nước sắc của rau (250g trong 1 lít nước) dùng ngâm chân chữa nứt nẻ.
Cây Cần tây không chỉ là loại rau bổ dưỡng mà còn là vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Để lại một phản hồi