Tầm soát ung thư vú bằng một số phương pháp xét nghiệm hiện đại giúp chẩn đoán chính xác, từ đó bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Kiểm tra vú để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng rõ ràng được gọi là tầm soát ung thư vú. Những phương pháp xét nghiệm ung thư vú được sử dụng phổ biến như chụp X-quang tuyến, siêu âm, chụp MRI, sinh thiết – tế bào học…
Chụp X-quang tuyến vú
Chụp X-quang tuyến vú (chụp nhũ ảnh) là xét nghiệm ung thư vú được sử dụng thường xuyên trong xét nghiệm ung thư vú. Bác sĩ sử dụng các chùm tia X có cường độ thấp và bước sóng dài hơn, chiếu xuyên qua vú, ghi lại hình ảnh tuyến vú lên phim. Thời gian chụp tuy nhanh, nhưng quá trình chụp bắt buộc chèn ép vào vùng mô vú để chụp ảnh mô vú một cách toàn diện, nên có thể gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.
Theo khuyến cáo, phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp X-quang định kỳ 6 tháng để tầm soát ung thư vú. Lưu ý không chụp nhũ ảnh trong kỳ kinh hay các ngày gần ngày kinh nguyệt, do nồng độ hormone nội tiết tố nữ tăng cao khiến tuyến vú căng tức hơn bình thường. Nếu chụp vào thời điểm này không chỉ gây nhầm lẫn các tổn thương trên phim, mà còn tăng cảm giác khó chịu cho người chụp. Thời điểm tốt nhất X-quang tuyến vú là 1 tuần sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc.
Tuy vậy, phương pháp này có nhược điểm khó phát hiện khối u ác tính ở phụ nữ trẻ, do mô vú ở độ tuổi này khá dày đặc.
Siêu âm
Phương pháp này dùng các sóng siêu âm để phát hiện những bất thường ở vú hoặc xung quanh bầu ngực, chỉ ra những thương tổn nằm sâu trong mô vốn khó phát hiện nếu người bệnh chỉ thăm khám lâm sàng. Siêu âm cũng giúp phân biệt giữa u nang (túi chứa đầy dịch lỏng) và các khối rắn, tìm kiếm các hạch bạch huyết có kích thước lớn, xác định kích thước, mức độ tổn thương của các khối u.
Ưu điểm của siêu âm là xét nghiệm nhanh chóng, tiện lợi, cho kết quả ngay. Có thể thực hiện nhiều lần, không gây hại cho cơ thể. Có thể siêu âm với phụ nữ mang thai, bé gái đang dậy thì, người có tuyến vú to, dày. Bác sĩ phát hiện được tổn thương có đường kính dưới 5mm, nhất là giai đoạn đầu ung thư vú. Người bệnh cũng cảm thấy dễ chịu hơn chụp X-quang, không đau.
Tuy nhiên, phương pháp này phụ thuộc vào người thực hiện siêu âm với nhiều năm kinh nghiệm và khả năng đọc tổn thương, nên việc tầm soát, xét nghiệm ung thư vú thông qua siêu âm cần được tiến hành ở các cơ sở y tế, bệnh viện tin cậy.
Chụp CT, chụp MRI
Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện ung thư và một số bất thường ở tuyến vú với độ chính xác cao. Hình ảnh hiển thị trên máy tính giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác.
Chụp MRI cho hình ảnh có chất lượng cao và độ phân giải tốt, giúp bác sĩ đánh giá chi tiết các tổn thương. Phương pháp thường dùng cho những phụ nữ có mô vú dày đặc hoặc có nguy cơ cao mắc ung thư vú, vì chụp MRI có thể phát hiện các khối u rất sớm. Tuy vậy, MRI tuyến vú có thể cho kết quả dương tính giả.
Xét nghiệm gen
Tầm soát xét nghiệm ung thư vú để phát hiện ra mang gen BRCA1 và BRCA2 đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán sớm, đánh giá đúng nguy cơ mắc bệnh.
Sinh thiết vú
Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô rất nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi, phát hiện bệnh ung thư vú. Phương pháp này thực hiện sau khi chụp X-quang, siêu âm vẫn chưa xác định được bệnh.
Từ những phương phát xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán, đánh giá theo các giai đoạn để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Để lại một phản hồi