1. Tiêm phòng trước khi mang thai
Trong quá trình mang thai, hệ thống miễn dịch của người phụ nữ sẽ hoạt động kém hơn bình thường, tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số bệnh chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu thông thường. Tuy nhiên, số khác lại có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bạn và thai nhi. Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi những nguy hiểm không đáng có này, vì vậy các bác sĩ khuyến cáo tất cả các phụ nữ chuẩn bị mang thai nên đi tiêm phòng để phòng một số bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi.
2. Khám thai định kỳ
Để giúp mẹ có thể theo sát sự phát triển của thai nhi, phát hiện sớm nguy cơ dị tật hay các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt, có 3 mốc khám thai quan trọng, mẹ bầu không nên bỏ qua:
– Khám thai tuần 11-13 tuần 6 ngày của thai kỳ để đo độ mờ da gáy, nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm gây các bệnh như Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành, sàng lọc nguy cơ mắc tiền sản giật sớm….
– Khám thai tuần 21-24 chẩn đoán dị tật bẩm sinh ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng,…
– Khám thai tuần 30-32 của thai kỳ để phát hiện 1 số vấn đề xảy ra muộn như bất thường ở tim, ở não, nhận biết ngôi thai, vị trí bám của bánh nhau, tình trạng ối, thai chậm tăng trưởng…
3. Dinh dưỡng khi mang thai
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi cũng như sự phát triển của thai nhi, mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt dành cho phụ nữ mang thai. Mẹ cần chú ý cung cấp đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng là: tinh bột, đường, đạm và vitamin trong suốt quá trình mang thai. Ngoài ra, mẹ cũng cần bổ sung nhiều loại vi chất để sinh ra con khỏe mạnh, thông minh. Tùy theo từng giai đoạn của thai kỳ, bà bầu cần một chế độ bổ sung dinh dưỡng khác nhau.
Một số điều cần lưu ý trong chế độ ăn uống:
Ăn kiêng: Không nên ăn kiêng một cách phản khoa học vì như vậy sẽ làm cơ thể thiếu chất dinh dưỡng gây thiếu máu, sinh non, con suy dinh dưỡng, và nhiều tai biến khác.
Tăng cân: Nếu thai phụ tăng cân quá ít thì thai sẽ chậm phát triển, dễ suy dinh dưỡng bào thai, bé sinh ra dễ bị suy dinh dưỡng và thai phụ có thể đẻ non. Tuy nhiên, nếu tăng cân quá nhiều thì thai phụ lại có nguy cơ bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc khó sanh… Khi mang thai 3 tháng đầu, thai phụ thường sẽ không tăng hoặc tăng rất ít (chỉ khoảng 1kg), trong 3 tháng sau thì thai phụ tăng khoảng 2 – 2,5kg trong một tháng. Còn ba tháng cuối, thai phụ sẽ tăng khoảng 2,8kg trong một tháng.
– Cân nặng bình thường (BMI là 18,5-24,9): bạn nên tăng từ 11 đến 16 kg trong cả thai kì.
– Thiếu cân (BMI dưới 18,5): nếu bạn bị nhẹ cân so với chiều cao của mình, bạn cần tăng 13 đến 18 kg trong cả thai kì.
– Thừa cân (BMI từ 25 đến 29.9): nếu bị thừa cân so với chiều cao, bạn nên tăng từ 7 đến 11 kg trong cả thai kì.
– Béo phì (BMI từ 30 trở lên): bạn nên tăng từ 5 đến 9 kg trong cả thai kì.
– Song thai: nếu mang thai đôi bạn nên tăng thêm 17-24 kg trong thai kì nếu trước đó bạn có cân nặng bình thường, 14-23 kg nếu bạn bị thừa cân, và 11-19 kg nếu bạn bị béo phì.
Thực phẩm tanh: Hạn chế ăn cá ngừ, cá thu, cá biển vì chúng có chứa nhiều thủy ngân gây hại cho não của thai nhi.
Bạn nên rất chú ý tới chất lượng thực phẩm và khâu vệ sinh, chế biến. Cần tuân thủ “ăn chín, uống sôi” vì thực phẩm chưa qua chế biến chưa lượng lớn vi khuẩn là mầm bệnh cho thai phụ. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ươn, đồ ăn thiu.
Đồ hộp và thức ăn nhanh: không chỉ phụ nữ mang thai mà một người bình thường cũng cần hạn chế đồ ăn nhanh và các loại đồ hộp do các loại này không cung cấp nhiều calo, và chứa nhiều chất có hại cho sức khỏe.
4. Chế độ dùng thuốc
Ngay khi bạn có ý định mang thai hoặc biết mình đã có thai, hãy nói với bác sĩ tất cả những loại thuốc mà bạn đang dùng. Tất cả những thứ mà bạn đưa vào cơ thể trong quá trình mang thai đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi khi còn trong bụng mẹ cũng như sau khi được sinh ra. Vì thế, bạn không được tự ý sử dụng thuốc bừa bãi mà cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc.
5. Những điều cần tránh khi mang thai
– Không làm việc nặng nhọc, không làm trong môi trường độc hại hay những việc làm phải đứng lâu, cúi nhiều.
– Tránh để mình rơi vào trạng thái tinh thần căng thẳng. Bạn cần có một chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý vì trạng thái tinh thần của mẹ ảnh hưởng đến “buồn vui” của thai nhi. Hãy luôn giữ cho mình tâm lý thoải mái, vui vẻ, thỉnh thoảng nghe nhạc cũng rất tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi.
– Không thức khuya. Song song với ngủ nghỉ, bầu cũng nên vận động thường xuyên, vừa giúp tinh thần thoải mái vừa giúp lưu thông máu.
– Quan hệ khi mang thai tuy không cần kiêng quá mức nhưng cần hết sức thận trọng, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, việc sinh hoạt chăn gối khi mang thai cần dựa trên nhu cầu và cảm nhận của người mẹ có thể tăng hoặc giảm do thay đổi về hoóc-môn, sức khoẻ, tâm lý.
– Tránh xa thuốc lá và khói của thuốc lá, không sử dụng rượu bia, chất kích thích, nước uống có cồn, có ga vì có thể làm tăng hàng loạt các nguy cơ như sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, sảy thai, dị tật bẩm sinh và thai chết lưu.
– Tránh xa vật nuôi trong nhà vì mẹ hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh từ các loại kí sinh trùng trên cơ thể vật nuô. Chúng có thể xâm nhập qua nhau thai từ cơ thể mẹ và gây khiếm khuyết cho sự phát triển của thai nhi.
– Không đi giày cao gót.
– Tránh tất cả các bài tập vận động mạnh như chạy, nhảy hay nâng tạ. Nên đi bộ, tập yoga, bơi hay những bài tập thư giãn nhẹ nhàng. Trong quá trình tập thể dục, bạn cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như ra huyết, chóng mặt,…
– Từ tuần 36 trở đi bạn không nên đi xa vì có thể sinh non hay sinh rớt dọc đường, rất nguy hiểm cho mẹ và bé.
Nguồn: Thạc sĩ Võ Văn Khoa – BV Đại học Y dược Huế
Để lại một phản hồi