Cà na không chỉ là loại cây gắn liền với tuổi thơ của nhiều người mà còn là vị thuốc điều trị bệnh hiệu quả.
1. Giới thiệu về Cà na
- Tên gọi khác: Cây bùi, Cảm lãm, Trám trắng.
- Tên khoa học: Canarium album (Lour) Raeusch.
- Họ khoa học: Trám (Burseraceac).
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cà na thuộc loài gỗ to, thường mọc rải rác ở rừng kín thường xanh còn nguyên sinh hay thứ sinh. Đây là loại cây ưa sáng, trên đất tốt, dày, đầy đủ ánh sáng, cây sinh trưởng mạnh, sai quả.
Cây được tìm thấy nhiều ở miền Nam Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam và Bắc Lào. Tại Việt Nam, cà na có thể sống được trên nhiều loại đất, thường thấy ở nhiều nơi các tỉnh phía Nam đến Lâm Đồng. Ở miền Bắc, cây được tìm thấy ở Hòa Bình, Hà Tây (Ba Vì), Vĩnh Phúc, Bắc Cạn, Yên Bái…
1.2. Mô tả toàn cây
Cà na là cây thân gỗ cao khoảng 10 – 25 m, cành cây nhỏ màu nâu nhạt, trên phủ nhiều lông mềm.
Lá cây kép lông chim, phiến lá có hình trái xoan ngược, mọc so le, thót lại ở trên cuống, tù ở đầu, dài khoảng 35 – 40 cm. Gồm 7 – 11 chét lá, mặt trên màu xanh bóng, mặt dưới có nhiều lông ánh bạc. Các lá ở gần gốc có đầu ngắn, lá ở giữa dài hơn, đầu thuôn dài, lá trong cùng có hình bầu dục, gân lá nổi hơi rõ ràng. Các lá kép thường có lông mềm, màu nâu bạc.
Cụm hoa thường mọc ở ngọn cành thành một chùm kép, dài khoảng 8 – 10 cm. Các lá bắc hình vảy, hoa mọc thưa, thường mọc tụ thành 2 – 3 cái ở một mấu. Đài hoa có lông, tràng hoa hình bầu dục, canh hoa hơi dài hơn các lá đài, mặt ngoài có phủ một lớp lông ngắn. Hoa có 6 nhị, chỉ nhị ngắn, bầu nhị hình trứng có phủ một lớp lông màu nâu.
Quả Cà na hạch, hình trứng, dài khoảng 3 cm, nhọn ở đầu, khi chín có màu vàng nhạt. Thịt quả dày bên trong có hạt cứng. Mùa hoa vào tháng 5 – 6. Mùa quả vào tháng 8 – 9.
1.3. Bộ phận làm thuốc-bào chế
Vỏ, rễ, lá và quả Cà na là bộ phận được ứng dụng để làm dược liệu điều trị bệnh.
- Vỏ, rễ, lá có thể thu hái quanh năm.
- Quả thu hái khi quả chín (khoảng tháng 8 – 9).
- Bên cạnh đó, nhựa cây còn được khai thác để làm hương liệu và chưng cất tinh dầu hoặc chế Colophan.
Sau khi thu hái, quả có thể dùng tươi hoặc muối, phơi hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần.
Nhựa Cà na làm hương thắp để cất tinh dầu. Muốn lấy nhựa người ta chích thân và rễ nổi trên mặt đất của những cây to. Nhựa khi mới chảy có màu trắng xanh nhạt, dần dần đặc lại thành màu vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu. Nhựa Cà na cho tinh dầu không màu hay màu vàng nhạt lỏng.
1.4. Bảo quản
Dược liệu sau khi sơ chế cần bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh độ ẩm cao. Ngoài Cà na, cây Hoa mào gà cũng là loài cây quen thuộc có tác dụng trị bệnh
2. Thành phần hóa học và tác dụng
2.1. Thành phần hóa học
- Quả Cà na chứa 12% protein, lipid 1.09%, hydrat carbon 12%, Canxi 0,024%,… Bên cạnh đó, trong quả còn có hàm lượng sắt, Vitamin C, phospho cao…
- Dầu hạt chứa acid hexanoic, caproic, octanic, decanoic, plamatic, linoleic…
- Ngoài ra còn có, hợp chất có tác dụng bảo vệ gan triterpene, brevifolin, hyperin acid ellargic…
- Nhựa cà na chứa sabinen 45%, tecpinen 16,7%, pinen 9%…
2.2. Tác dụng Y học hiện đại
- Bảo vệ gan: Chất Triterpen chiết xuất từ Cà na có tác dụng bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại cho gan (thí nghiệm trên chuột).
- Tăng kích thích tuyến nước bọt, tăng tiết dịch vị tiêu hóa giúp ăn ngon miệng hơn, tăng cường tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.
2.3. Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị: Quả Cà na tính ôn, có vị ngọt chua, không độc.
Quy kinh: kinh Vị và Phế.
Công dụng:
- Thanh nhiệt, tiêu khát, sinh tân, thanh giọng, lợi yết hầu, giải độc
- Quả chín còn có tác dụng an thần.
3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Dược liệu từ Cà na có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác, thường dùng dưới dạng thuốc sắc.
Liều lượng: 6 – 10 g mỗi ngày.
Quả Cà na chín còn tươi. Đổ nước sôi vào ủ 10 – 15ph rồi ăn hoặc kho với thịt, cá.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Chữa ho do cảm lạnh
Cà na đem hấp với đường phèn, sau đó ăn và uống hết nước cốt tiết ra từ trái cà na và đường hòa tan.
4.2. Chữa họng đau, mất tiếng, khô cổ
Sử dụng quả Cà na 6 – 12 g, bỏ hạt và chiết dịch. Dùng dịch này ngậm thường xuyên.
Ngoài ra, có thể dùng thịt quả, thái mỏng trộn với nước để ngậm hoặc pha nước uống. Cũng có thể dùng quả tươi, giã lấy nước dùng uống hoặc hãm, nấu nước dùng uống như trà.
4.3. Dùng ngoài da
Quả Cà na (dùng cả hạt) mang đi đốt cháy thành than, trộn với dầu vừng. Dùng hỗn hợp này thoa lên vùng da bệnh, vết nứt nẻ tay chân, nứt môi, đầu vú nứt nẻ sưng đau.
Cà na không chỉ là loài cây quen thuộc mà còn có tác dụng trị bệnh. Nhờ có nhiều công dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày.
Để lại một phản hồi