Cà cuống là loài động vật có ở khắp nước ta. Ngoài việc có thể sử dụng loài động vật này làm thức ăn bổ dưỡng cho sức khỏe, dân gian còn biết dùng nó làm vị thuốc để điều trị bệnh.
1. Cà cuống là con gì?
- Tên gọi khác: Sâu quế, Đà cuống.
- Tên khoa học: Belostoma indica Vitalis (Lethocerus indicus Lep).
- Họ khoa học: Họ Chân bơi (Belostomatidae).
Cà cuống đã được ghi vào Sách đỏ quốc gia để có biện pháp bảo vệ và gây nuôi phát triển.
1.1. Đôi nét về loài Cà cuống
Đây là loại côn trùng khi non gần giống như con gián.
- Mình dài 7 – 8 cm, rộng 3 cm, màu nâu xám, có nhiều vạch đen.
- Đầu nhỏ, hình tam giác, hai mắt tròn và to, miệng là một ngòi nhọn hút thức ăn.
- Ngực dài bằng 1/3 thân, có 6 chân dài, khỏe, chia đốt và có móng nhọn sắc. Hai chân trước dùng để vỗ và giữ mồi, 2 chân giữa và sau giúp bơi lội dưới nước.
- Bụng vàng nhạt, có lông mịn. Ở phía trên, có một bộ cánh mỏng nửa mềm nửa cứng.
- Trứng có hình bầu dục 3,5 mm, màu trắng mờ.
Khi mổ Cà cuống, ta sẽ thấy có một bộ máy tiêu hóa dài khoảng 45 cm, gồm:
- Một ống đầu trên nhỏ là cuống họng, đầu dưới phình to chứa bầu nước.
- Sát ngay bầu chứa nước này là 2 ngòi nhọn mà con Cà cuống có thể thò ra thụt vào được. Nếu lấy tay rút mạnh ngòi này thì cả bộ tiêu hóa có thể bị lòi ra ngoài.
- Ở dưới ngực, ngay gần phía lưng có hai ống nhỏ gọi là bọng. Mỗi bọng dài 2 – 3 cm, rộng 2 – 3 mm, màu trắng, trong chứa một chất lỏng thơm, chính là tinh dầu Cà cuống. Nhưng chỉ có con đực mới có tuyến này phát triển.
Tinh dầu Cà cuống là một vũ khí tấn công con mồi, xua đuổi địch thủ và dụ con cái đến giao phối.
Đây là loài rất háu ăn, chúng tấn công và hút máu các con vật khác như tôm, tép, cá con, dế…
Mùa sinh sản thường là vào tháng 5 – 8 dương lịch.
1.2. Phân bố và thu hoạch
Loài động vật này thường phân bố ở vùng Viễn Đông như Liên bang Nga hay vùng nhiệt đới từ Ấn Độ cho tới Australia. Ở Việt Nam, Cà cuống có ở các tỉnh từ Bắc vào Nam, nhưng nhiều nhất ở miền Bắc. Chúng sống ở ruộng nước, hồ ao, lạch ngòi… Môi trường ô nhiễm do dùng bừa bãi thuốc trừ sâu và phân hóa học hiện nay đã làm cho loài côn trùng này trở nên hiếm và có nguy cơ bị tuyệt diệt.
Khi đậu ở dưới nước, Cà cuống thường bám vào một cây cỏ, đầu chúc xuống, đuôi chổng lên, để thò lên mặt nước cái đuôi. Tức là một bộ phận có thể hút được khí trời cần cho sự hô hấp và bơi lội của Cà cuống. Nằm như vậy Cà cuống cũng ở thể đợi mồi.
1.3. Bộ phận dùng làm thuốc
Bộ phận dùng làm thuốc là thịt, trứng và tinh dầu:
- Thịt và trứng: Sau khi bắt Cà cuống, đem về vặt bỏ cánh, thường dùng tươi sống hoặc hấp chín, rồi băm nhỏ dùng làm gia vị đặc biệt cho món nước chấm bánh cuốn và nước dùng bún thang. Bộ phận này chứa protein với hàm lượng khá cao, lipid và các vitamin.
- Tinh dầu, được lấy từ con Cà cuống đực, dạng chất lỏng trong như nước lọc, mùi thơm ngào ngạt đặc trưng.
Tinh dầu được lấy bằng cách như sau:
- Úp bụng Cà cuống xuống phía dưới để phía lưng lên.
- Dùng đầu nhọn của que tre hoặc mũi dao rạch một đường ngang ngay giữa đôi chân thứ 3.
- Gấp bụng Cà cuống xuống để thấy 2 túi tinh dầu.
- Sử dụng kẹp để gặp và rút túi tinh dầu ra, cần thao tác nhẹ nhàng để tránh làm rách túi.
- Chích túi để cho tinh dầu chảy hết vào lọ khô, sạch và đậy kín.
- Tùy theo con to nhỏ, tinh dầu nhiều ít. Trung bình một con cho 0,02 ml; 1.000 con đực mới thu được chừng 20 ml.
1.4. Bảo quản vị thuốc
Muốn bảo quản tinh dầu này được lâu cần đựng trong lọ có nút mài. Vì để ngoài không khí rất dễ bay hơi.
2. Thành phần hóa học – Tác dụng
2.1. Thành phần hoá học
Từng bộ phận của loài côn trùng này sẽ có chứa những thành phần khác nhau. Ví dụ như thịt và trứng chứa hàm lượng khá cao protein, lipid cũng như các vitamin… Còn trong tinh dầu lại có chứa một chất thơm được xác định là Hexanol acetate.
Hiện nay, bên cạnh tinh dầu thiên nhiên, người ta đã tổng hợp một số tinh dầu Cà cuống nhân tạo. Tuy nhiên, mùi vị không hoàn toàn giống với tinh dầu Cà cuống thiên nhiên.
2.2. Tác dụng Y học hiện đại
Thực nghiệm y khoa cho thấy rằng, tinh dầu có tác dụng như một chất kích thích thần kinh nếu dùng ở liều thấp. Nó có thể gây hưng phấn, đồng thời tăng cường khả năng sinh dục ở mức độ nhẹ. Có thể được dùng trong một số trường hợp yếu sinh lý ở nam giới.
2.3. Tác dụng Y học cổ truyền
Cà cuống có vị ngọt, cay, tính bình, không độc.
Tác dụng: Bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa.
Tìm hiểu thêm về một dược liệu từ động vật khác có tác dụng tráng dương: Lộc nhung: Chìa khóa vàng bổ thận, tráng dương.
3. Cách dùng Cà cuống
Cà cuống thường được chế biến làm thức ăn bổ dưỡng cho con người.
- Người Trung Quốc ăn côn trùng này, theo kiểu luộc thêm một chút muối ở Quảng Châu hoặc xào trong dầu mè ở Bắc Kinh.
- Ở Singapore, “fwai fa shim im” là một món Cà cuống được ưa chuộng.
- Ở Việt Nam, có thể sử dụng loài động vật này bỏ chân, cánh, đuôi phụ rồi hấp cách thủy trong một cái chõ hay nướng trên lò than để ăn. Cũng có khi người chế biến để nguyên con đem thái nhỏ rồi xào mỡ để ăn ngay hay ướp muối để tích trữ. Cà cuống cái không có bọng tinh dầu thơm nên thường người ta chỉ ăn trứng hoặc rang, chiên…
- Tinh dầu là gia vị quý giá được pha chế vào nước mắm, không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn. Chính nó làm cho các món ăn nói trên có hương vị nổi tiếng của nghệ thuật ẩm thực Hà Nội truyền thống.
4. Lưu ý
Cà cuống dùng với liều nhỏ thì có tác dụng kích thích thần kinh và hưng phấn bộ phận sinh dục nhưng khi dùng với liều cao có thể gây ngộ độc.
Nhân dân thường dùng dầu Cà cuống với liều rất nhỏ khi ăn những thức ăn nhiều mỡ, thịt như bánh cuốn, bún thang.
Cà cuống là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày.
Để lại một phản hồi