Bướm bạc (Hồ điệp): Vị thuốc thanh nhiệt, chữa cảm nắng

Từ lâu, Bướm bạc là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng làm thanh nhiệt, chữa cảm nắng. 

1. Giới thiệu về Bướm bạc

  • Tên gọi khác: Bướm bạc, Bươm bướm, Bứa chùa, Hoa bướm, Hồ điệp…
  • Tên khoa học: Herba Mussaendae pubenscentis.
  • Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây Bướm bạc sinh sống nhiều ở Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ở nước ta, theo tài liệu của Viện Dược liệu, loài này có gặp ở các tỉnh vùng Tây Bắc. Đây là cây ưa ẩm và ưa sáng. Cây mọc hoang khắp nơi, thường gặp ở đồi núi, ven rừng.

Thu hái bộ phận rễ và thân suốt quanh năm, lá thường dùng tươi. Còn hoa thì thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 7 hằng năm. Các bộ phận của cây Bướm bạc dùng tươi hay khô đều được. Nếu dùng khô thì đem thảo dược rửa sạch và phơi hoặc sấy khô.

1.2. Mô tả toàn cây

Cây Bướm bạc là loại cây nhỏ, mọc trườn cao từ 1m đến 2m. Các cành non có chứa lông mịn.

Lá nguyên mọc đối nhau, dài 4 – 9cm, rộng 1,5 – 4,5cm. Mặt trên có màu xanh lục sẫm, mặt dưới có lông tơ mịn. Lá kèm hình sợi.

Cụm hoa xim mọc ở đầu cành. Hoa màu vàng, có lá đài phát triển thành từng bản màu trắng. Trước khi ra hoa, cành xuất hiện một chùm lá bắc màu trắng bạc hình trứng rũ trông như những cánh bướm bao bọc bông hoa trông rất đẹp nên còn có tên gọi là hoa bươm bướm. Tràng hoa 5 cánh, ống tràng dài và hẹp, nhị 5 dính vào chỗ loe của ống tráng, bầu 2 ô, nhiều noãn.

Hoa của cây Bướm bạc
Hoa của cây Bướm bạc

Quả hình cầu, dài 6 – 9mm, rộng 6 – 7mm, màu đen, có gân dọc trên quả, nhẵn. Quả có chứa nhiều hạt nhỏ màu đen, nếu vò sẽ thấy chất dính. Ra hoa kết quả vào mùa hè.

1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế

Bộ phận được dùng đó chính là hoa, thân, rễ, lá của cây. Riêng rễ và thân được dùng nhiều hơn.

Khi hái về, rửa sạch, cắt ra từng khúc. Sau đó phơi khô, cho vào túi nylon để bảo quản và sử dụng dần. Lá thường dùng tươi.

1.4. Bảo quản

Bảo quản ở những nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, đóng gói kỹ càng trong bao bì sau mỗi lần sử dụng đối với thuốc sấy khô.

2. Thành phần hóa học

Bướm bạc có chứa các thành phần sau:

  • Toàn cây chứa acid cafeic, acid ferulic, acid cumaric, beta-sitosterol-D glucosid (Trung dược từ hải I,1993). Ngoài ra còn có saponin, triterpenic, mussaendosid O, P, Q, R, S.
  • Lá chứa hợp chất acid amin, phenol, acid hữu cơ, đường, beta-sitosterol.
  • Thân có beta-sitosterol và acid arjunblic.

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

Hoa Bướm bạc được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa ho hen, sốt cách nhật. Dùng ngoài giã nát đắp lên những nơi sưng tấy, gãy xương. 

Rễ, cành và thân Bướm bạc dùng làm thuốc giảm đauchữa tê thấpkhí hư bạch đới (mệt mỏi, chán ăn, dịch âm đạo màu trắng xuất hiện bất thường…).

Viện Y học Cổ truyền đã xây dựng một phác đồ điều trị ho, viêm họng đỏ hoặc viêm amidan cấp với lá và thân Bướm bạc 150g/ngày, sắc uống trong 3 ngày.

3.2. Y học cổ truyền

Tính vị hơi ngọt, tính mát.

Quy kinh Phế, Tâm, Can.

Công dụng: thanh nhiệt, giải biểu (làm ra mồ hôi đưa tà khí ra ngoài), giải uất, lương huyết (làm mát), tiêu viêm.

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Ví dụ như sắc lấy nước uống, tán thành bột mịn, làm viên hoàn hay sử dụng ngoài da.

Cụ thể:

  • Toàn cây: 15 – 30g dưới dạng thuốc sắc.
  • Hoa: 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
  • Rễ: 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc. Cành, thân lá 6 – 12g.

Một số đối tượng có thể sử dụng dược liệu để điều trị bệnh:

  • Sổ mũi, say nắng.
  • Ho hen, hen suyễn.
  • Gãy xương, phong tê thấp, chấn thương.
  • Các bệnh ngoài da: mụn nhọt, lở loét, chốc ghẻ…
Dược liệu Bướm bạc thường được sử dụng dưới dạng thuốc sắc để trị bệnh
Dược liệu Bướm bạc thường được sử dụng dưới dạng thuốc sắc để trị bệnh

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Điều trị say nắng

Sử dụng khoảng 60 – 90g thân và rễ Bướm bạc khô, đun sôi với 1 lít nước và nấu nước uống thay chè.

4.2. Chữa bệnh sổ mũi, say nắng

12g thân cây Bướm bạc, 3g Bạc hà, 10g lá Ngũ trảo. Đem tất cả nguyên liệu trên rửa sạch và để ráo nước. Đun sôi cùng với nước để dùng thay thế cho nước trà hằng ngày.

4.3. Chữa bệnh ho, sốt, sưng amidan

30g rễ cây Bướm bạc, 10g rễ Bọ mẩy, 20g Huyền sâm. Đem tất cả các vị thuốc của thang thuốc trên rửa sạch, sau đó sắc với một lượng nước phù hợp và sử dụng.

4.4. Trị viêm thận, phù, giúp lợi tiểu

Thân Bướm bạc 30g, Kim ngân hoa 60g, Mã đề 30g, sắc nước uống.

4.5. Chữa sốt, khô khát, táo bón, tân dịch khô kiệt

Rễ Bướm bạc 60g, Hành tăm 12g (đều sao vàng), sắc uống.

4.6. Chữa bệnh khí hư bạch đới

Đem 10 đến 20g rễ thảo dược, rửa sạch, sắc kỹ với nước lọc một lượng phù hợp và sử dụng mỗi ngày. 

4.7. Chữa lở loét da

Dùng lá cây Mướp tươi và lá cây Bướm bạc tươi liều lượng hai thứ bằng nhau. Đem đi rửa sạch, để ráo rồi giã nát ra đắp bã vào các vùng lở loét da cố định lại, sau đó rửa lại với nước sạch.

5. Lưu ý

Không dùng cho trẻ nhỏ và phụ nữ có thai hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong bài thuốc.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*