Bồ hoàng (cỏ nến): Vị thuốc trị chảy máu, đau bụng kinh

Bồ hoàng là phấn hoa của cây Cỏ nến, được y học cổ truyền dùng để cầm máu và điều trị các chứng huyết ứ, đau bụng kinh. Hãy cùng tìm hiểu cách thu hái, chế biến và sử dụng dược liệu trong bài viết dưới đây.

1. Giới thiệu cây Cỏ nến và vị thuốc Bồ hoàng

Cỏ nến là một thứ cỏ cao 1,5 – 3 mét, lá dài và hẹp, quả nhỏ hình thoi. Cụm hoa của nó giống cây nến nên có tên gọi Cỏ nến. Ngoài ra, nó còn có các tên như Bồ thảo, Hương bồ thảo.

Cỏ nến là một thứ cỏ cao với lá dài và hẹp
Cỏ nến là một thứ cỏ cao với lá dài và hẹp

Cỏ nến mọc hoang ở các vùng đầm lầy miền bắc nước ta như Sapa, Hà Nội… Vào tháng 4 – 6, cắt lấy phần trên của bông hoa (phần hoa đực), phơi khô. Giã hay giũ lấy phấn hoa, rây qua rây, sau đó phơi lần nữa được vị thuốc Bồ hoàng.

2. Thành phần hóa học và tác dụng qua các nghiên cứu trong hiện đại

Trong dược liệu có các chất như isoramnetin, xitosterin, palmatic acid… Ngoài ra còn có tinh dầu và chất béo.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Bồ hoàng dùng dạng nước sắc hay đắp tại chỗ có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu. Thuốc đốt thành than có tác dụng mạnh hơn.

Dược liệu này có có tác dụng tăng lượng máu của động mạch vành (nuôi tim), tăng lực co bóp của tim, tăng lưu thông máu, giúp hạ cholesterol máu rõ rệt. Nhờ đó, nó có thể phòng và trị xơ vữa động mạch.

Trên mô hình chuột bị đái tháo đường tuýp 2, vị thuốc có tác dụng tăng độ nhạy cảm với insulin và không gây tăng cân. Nghiên cứu khác tiến hành trên tế bào mỡ cũng xác nhận điều này.

Trên mô hình chuột chấn thương tủy sống, dịch chiết Bồ hoàng cho thấy tác dụng bảo vệ thần kinh, giúp phục hồi thần kinh, cải thiện chức năng vận động.

Dịch chiết này còn ức chế chức năng của các tế bào miễn dịch, làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể khi có chất lạ xâm nhập. Vì vậy có tiềm năng trong điều trị các bệnh lý miễn dịch.

Các thí nghiệm khác còn cho thấy Bồ hoàng tác động lên tử cung làm tử cung co bóp tốt hơn, tăng nhu động ruột, kháng viêm

Các nghiên cứu nhỏ tại các bệnh viện ở Trung Quốc cho thấy các dạng bào chế của dược liệu (bột, sắc nước) có thể trị tử cung sau sinh co kém, trị bệnh mạch vành, mỡ máu cao, tăng huyết áp, chàm, viêm đại tràng mạn.

3. Công dụng theo y học cổ truyền

Theo các tài liệu, dược liệu có vị ngọt, tính ấm, không độc, quy kinh can, tỳ, tâm bào.

Bồ hoàng có tác dụng hoạt huyết, điều trị các tình trạng huyết ứ gây đau bụng, đau ngực, đau bụng kinh; điều kinh, cầm băng huyết, thông tiểu tiện. Nó còn có tác dụng chỉ huyết (ngưng chảy máu), điều trị tình trạng chảy máu ngoài da do chấn thương, nôn ra máu, ho ra máu, tiểu máu…

Vị thuốc Bồ hoàng
Vị thuốc Bồ hoàng

Theo tài liệu cổ, Bồ hoàng phá huyết (trị huyết ứ) thì dùng sống, cầm máu thì sao đen. Dùng sống chữa kinh nguyệt không thông, đau ngực, đau bụng, tiểu tiện khó khăn. Dùng sao đen chữa xuất huyết, chảy máu cam, tiểu máu…

Vị thuốc sao đen
Vị thuốc sao đen

Tài liệu ngày nay cho thấy để có tác dụng cầm máu, không nhất thiết phải sao đen.

4. Liều dùng và cách dùng

Liều dùng: 3 – 20g, bọc lại lúc cho vào thang thuốc, bôi đắp ngoài tùy theo yêu cầu.
Kiêng kỵ: phụ nữ có thai không dùng.

5. Một số bài thuốc

5.1. Đơn thuốc điều trị cầm máu

Bồ hoàng 5g, cao Ban long 4g, Cam thảo 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia thành 2 hay 3 lần, uống trong ngày.

5.2. Điều trị tai chảy mủ

Bồ hoàng tán nhỏ, rắc vào tai.

5.3. Điều trị nhiễm trùng tiểu thể huyết lâm

Ở thể bệnh này, người bệnh nhiễm trùng tiểu có triệu chứng tiểu khó, tiểu đau, nóng rát đường tiểu, tiểu máu, kèm sốt.

Bài thuốc Tiểu kế ẩm: Sinh địa 40g, Tiểu kế 20g, Hoạt thạch 12g, Mộc thông 12g, Bồ hoàng sao 20g, Đạm trúc diệp 12g, Ngẫu tiết 30g, Đương quy 20g, Chi tử 12g, Trắc bá diệp 20g.

5.4. Điều trị bế kinh, đau bụng kinh

Có thể dùng các bài thuốc:

  • Bài thuốc Thất tiêu tán: Bồ hoàng, Ngũ linh chi lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 4 – 6g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm.
  • Bài thuốc Bồ hoàng hắc thần tán: Bồ hoàng 10g, Hương phụ 6g, Bào khương thán 3g, Đậu đen 15g, sắc uống.
  • Bồ hoàng 15g, Đơn sâm 30g, Ngũ linh chi 15g, sắc nước uống.
Vị thuốc trị đau bụng kinh khá hiệu quả
Vị thuốc trị đau bụng kinh khá hiệu quả

5.5. Trị xuất huyết do nhiệt

Có thể dùng các bài thuốc sau:

  • Bài thuốc Bồ hoàng thang: Bồ hoàng thán (Bồ hoàng sao đen) 10g, nước và rượu mỗi thứ một nửa, sắc uống. Trị ho ra máu, chảy máu cam, tiểu máu, xuất huyết tử cung.
  • Bồ hoàng thán, Ngó sen thán, mỗi thứ 15g, sắc uống. Trị xuất huyết tử cung cơ năng (nếu người bệnh yếu gia Hoàng kỳ 30g, Đảng sâm 25g).
  • Bài thuốc Bồ hoàng tán: Bồ hoàng 10g, Đông quỳ tử 10g, Sinh địa 15g, sắc uống, trị tiểu máu.

5.6. Cách dùng của Tuệ Tĩnh 

Trong Nam dược thần hiệu, Đại Y sư Tuệ Tĩnh dùng dược liệu này để cầm máu trong các trường hợp như:

  • Trị miệng mũi chảy máu: Bồ hoàng tán nhỏ, 2 lạng, mỗi lần uống 1, 2 đồng với rượu nóng vào lúc đói.
  • Trị chảy máu cam: Bồ hoàng, Thanh đại, mỗi thứ 1 đồng, uống với nước.
  • Trị trong người nóng, bứt rứt, khạc ra máu hoặc đờm lẫn máu: Bồ hoàng sống, lá Sen khô, 2 vị lượng bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 2 – 3 đồng, sắc với nước vỏ trắng rễ Dâu, uống sau ăn.
  • Trị trẻ con tiểu máu: Bồ hoàng, tán bột, mỗi lần uống 2 đồng, uống với nước nấu củ Sinh địa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*