Bệnh sốt rét

I. ĐẠI CƯƠNG.

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm lây theo đường máu, do ký sinh trùng sốt rét gây nên, trung gian truyền bệnh là muỗi Anopheles. Lâm sàng điển hình là sốt thành cơn với 3 giai đoạn: rét, nóng, vã mồ hôi và sốt có chu kỳ thường kèm theo thiếu máu, lách to. Bệnh dễ tái phát nếu không điều trị triệt để.

 

II. ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ.

1. Mầm bệnh:

+ Là ký sinh trùng (KST) sốt rét. Ở người có 4 loài: Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae và Plasmodium ovale. Ở Việt Nam phổ biến là Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax.
+ Sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét.
– Giai đoạn phát triển trong tế bào gan:
Thoa trùng của ký sinh trùng sốt rét từ muỗi xâm nhập vào máu người đến phát triển ở tế bào gan; một số ngủ yên trong gan (với Plasmodium vivax).
– Giai đoạn phát triển trong hồng cầu:
Thoa trùng từ gan xâm nhập vào hồng cầu người. Chúng phát triển và phá vỡ hồng cầu hàng loạt gây ra cơn sốt rồi lại xâm nhập vào hồng cầu khác. Một số phát triển thành giao bào đực và giao bào cái.
– Chu kỳ hữu tính ở muỗi:
Giao bào được muỗi hút vào dạ dày sẽ phát triển thành giao tử, hợp tử rồi thành trứng. Trứng vỡ ra giải phóng thoa trùng. Thoa trùng di chuyển tới tuyến nước bọt của muỗi để tiếp tục truyền vào người khi muỗi đốt người.

2. Nguồn bệnh:

Bệnh nhân sốt rét và người mang KST sốt rét (khi có giao bào trong máu). Trong đó người mang KST sốt rét trong máu, nhưng lại không sốt là nguồn bệnh quan trọng.

3. Đường lây:

Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Anopheles, ngoài ra là mẹ truyền cho con qua nhau thai hoặc lây qua truyền máu.
4. Cảm thụ và miễn dịch:
+ Dịch sốt rét thường xảy ra vào mùa mưa hàng năm. Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh.
+ Sau khi mắc bệnh có miễn dịch nhưng miễn dịch không mạnh, không bền và không có miễn dịch chéo (gọi là miễn dịch”có mặt” nên không ngăn ngừa được tái nhiễm. Vì vậy sau khi điều trị khỏi thì  dễ bị nhiễm lại nếu còn ở trong vùng sốt rét lưu hành).

 

III. TRIỆU CHỨNG (Thể thông thường điển hình)

1. Nung bệnh :
Trung bình từ 1- 2 tuần (Do P. Falciparum là 1 tuần, do P.vivax là 2 tuần).
2. Khởi phát:
Thường bắt đầu bằng một trong các tiền triệu:
– Rối loạn thần kinh thực vật: hay ngáp vặt, sốt nhẹ, nhức đầu, đau dọc cột sống thắt lưng.
– Rối loạn tiêu hóa: đắng miệng, chán ăn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng.
– Suy nhược cơ thể: mệt mỏi, mất ngủ, ăn uống kém.
3.Toàn phát:
+ Cơn sốt rét điển hình có 3 giai đoạn:
– Giai đoạn rét run: cơn rét dọc sống lưng truyền ra ngoài, toàn thân nổi gai ốc, run bần bật, đắp nhiều chăn vẫn rét, môi tím tái, mắt thâm quầng, mạch nhanh nhỏ. Giai đoạn này kéo dài 15 phút đến 1 giờ.
– Giai đoạn nóng: khi hết cơn rét, bệnh nhân nóng bức tung hết chăn ra, mặt đỏ, mắt đỏ, da khô nóng, chóng mặt, buồn nôn. Thân nhiệt tăng cao 40- 410C, mạch nhanh, thở nhanh; tiểu ít, nước tiểu sẫm màu. Giai đoạn này kéo dài 1 – 2giờ.
– Giai đoạn vã mồ hôi: người bệnh vã mồ hôi như tắm, khát nước nhưng thân nhiệt giảm dần, đỡ nhức đầu, hết nôn và dễ chịu hơn.
Hết cơn bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường cho đến khi cơn sốt quay trở lại.
+ Cơn sốt có chu kỳ:
– Chu kỳ 24 giờ gọi là cơn hàng ngày thường gặp trong sốt rét tái phát do P. Falciparum.
– Chu kỳ 48 giờ gọi là cơn cách nhật thường gặp trong sốt rét tái phát do P. Vivax.
+ Các triệu chứng khác:
– Thiếu máu: da xạm, môi thâm, niêm mạc phớt vàng.
– Gan to: khi sốt rét nặng hoặc tái phát dai dẳng thì men gan tăng.
– Lách to: nếu sốt rét tái diễn nhiều năm lách sẽ xơ hoá không co lại được.
Càng lâu năm thỡ gan, lách càng to và càng chắc hơn.
+  Xét nghiệm máu:  thấy  KST sốt rét, Hồng cầu giảm, huyết sắc tố giảm.

 

V. ĐIỀU TRỊ – DỰ PHÒNG.

1. Nguyên tắc.

+ Dùng thuốc điều trị đặc hiệu sớm, đủ liều, đúng phác đồ.
+ Kết hợp giữa điều trị cắt cơn và điều trị tận gốc (diệt thể trung gian).
+ Kết hợp điều trị triệu chứng với nuôi dưỡng bệnh nhân tốt.
2. Chế độ hộ lý:
+ Nghỉ ngơi trong đợt điều trị.
+ Theo dõi ý thức, mạch, nhiệt độ, huyết áp, tỡnh trạng cơn sốt, màu sắc và số lượng nước tiểu trong ngày.
+ Thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, đủ năng lượng.
3. Thuốc điều trị đặc hiệu (diệt thể vô tính)
Dùng 1trong các thuốc:
– Artemisinin
– Quinin sunfat
Nếu kháng các thuốc trên dùng phối hợp:
          Artemisinin + Doxycylin
Hoặc Artesunat + Tetracyclin
* Chú ý: Nếu sau 3 ngày điều trị mà vẫn sốt hoặc tình trạng xấu đi và còn KST trong máu thì phải thay thuốc, nếu không còn KST thì cần nghĩ đến nguyên nhân khác
– Nếu do P.Vivax:  Nivaquin  Sau đó dùng Primaquin
4. Điều trị triệu chứng:
– Hạ sốt: Paracetamol (Khi sốt cao).
– Chống thiếu máu: bổ xung viên sắt, Acid folic; truyền dịch, máu.
– Bảo vệ tế bào gan: Argynin 200 mg x 4 viên/ngày.
5. Dự phòng.
+ Tuyên truyền, giáo dục vệ sinh phòng chống bệnh sốt rét cho mọi người, đặc biệt là người mới vào vùng sốt rét lưu hành.
+ Diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt cá nhân.

 

+ Uống thuốc phòng sốt rét khi vào vùng có sốt rét lưu hành: viên phòng sốt rét số II x 2 viên/ngày x 3 ngày.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*