1. Bệnh đau mắt hột là gì?
Các tên gọi khác của bệnh này: Trachoma
Bệnh mắt hột là bệnh nhiễm trùng do vi sinh vật Chlamydia trachomatis gây ra. Ban đầu, đau mắt hột có thể gây ngứa nhẹ và kích ứng mắt và mí mắt, sau đó mí mắt bị sưng và có mủ chảy ra từ mắt. Nếu không điều trị, bệnh đau mắt hột có thể dẫn đến mù lòa.
2. Triệu chứng của bệnh đau mắt hột
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau mắt hột thường ảnh hưởng trên cả hai mắt, tùy theo giai đoạn của bệnh có thể có các triệu chứng sau:
– Ngứa nhẹ, cảm giác xốn mắt.
– Kích ứng mắt và mí mắt
– Mắt chảy dịch nhầy hoặc mủ
– Sưng mí mắt
– Sợ ánh sáng
– Đau mắt, mỏi mắt thường về chiều
Hoặc sẽ có những triệu chứng do biến chứng của bệnh mắt hột (bệnh ở giai đoạn trễ)
– Biến chứng lệ bộ: viêm tuyến lệ, khô mắt.
– Biến chứng mi mắt: lông quặm, lông xiêu.
– Biến chứng giác mạc: màng máu giác mạc hoặc sẹo giác mạc
Các biến chứng tại giác mạc như sẹo hoặc màng máu sẽ làm mất thị lực dẫn đến mù lòa, thường do nguyên nhân khô mắt hoặc lông quặm trong cùng bệnh cảnh.
3. Nguyên nhân bệnh đau mắt hột
Bệnh đau mắt hột do Chlamydia trachomatis gây nên. Chlamydia trachomatis truyền nhiễm, lây lan cho người lành khi tiếp xúc với mắt, mí mắt, mũi, cổ họng của người bị nhiễm hoặc do tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm vi khuẩn, chủ yếu là nguồn nước hoặc qua các con vật trung gian như ruồi.
Trước đây do sử dụng chung nguồn nước như nước ao hồ, nên dễ thành dịch do nguồn có tác nhân gây bệnh. Ngày nay chúng ta được sử dụng nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường sống tốt hơn nên bệnh không thành dịch thậm chí ít gặp.
4. Điều trị bệnh đau mắt hột
Nên đến cơ sở y tế và tuân thủ điều trị tốt để có kết quả tốt nhất.
Điều trị đau mắt hột phụ thuộc vào mức độ và giai đoạn của bệnh:
– Ở những bệnh nhân bị nhẹ, triệu chứng chưa xuất hiện: có thể tự khỏi. Không cần điều trị
– Giai đoạn đầu: dùng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng
– Các giai đoạn sau của bệnh đau mắt hột (dị tật mí): cần phải phẫu thuật.
– Giai đoạn nặng, thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng: nên ghép giác mạc
Điều trị bằng thuốc
– Thuốc tra mắt mỡ tetracyclin 1%
– Thuốc kháng sinh đường toàn thân: Erythromycin, Rifamycine, Sulfamide, Tetracyline, Azithromycin, Roxithromycin, Doxycyline
Điều trị các biến chứng
– Mổ nối thông lệ mũi: trong trường hợp viêm mủ túi lệ.
– Tra thuốc, nước mắt nhân tạo: đối với bệnh nhân khô mắt.
– Nhổ lông mi xiêu thường xuyên và tra thuốc mỡ tetracyclin 1% hàng ngày nếu có dưới 5 lông xiêu chọc vào mắt
– Mổ quặm nếu có từ 5 lông xiêu trở lên và cọ vào giác mạc (lòng đen).
5. Phòng ngừa bệnh đau mắt hột
Phòng ngừa bệnh đau mắt hột có thể hạn chế tỉ lệ mù lòa và những biến chứng của mắt hột. Một số biện pháp phòng ngừa:
– Giữ gìn vệ sinh cho mắt: dùng khăn mặt riêng, nước rửa sạch, không dụi bẩn lên mắt, tránh tắm ao hồ hay nước bẩn, đeo kính mát tránh bụi đường, rửa mặt sạch sẽ khi từ ngoài đường về nhà, tiêu diệt ruồi nhặng.
– Đi khám bác sĩ ngay khi có những triệu chứng bất thường ở mắt, tuân theo sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.
Nguồn: Bác sĩ Mai Thị Hương Thảo – BV Đại học Y dược TPHCM
Để lại một phản hồi