Nhắc đến cái tên Bách thảo sương có lẽ rất ít người biết đó là gì. Nhưng khi nói Nhọ nồi thì hẳn đa phần đều đã nghe qua. Vâng, vị thuốc Bách thảo sương chính là Nhọ nồi. Thứ nhọ dính nơi đáy nồi do trong quá trình nấu nướng người ta đốt hàng trăm thứ cây cỏ, khói của nó bốc lên ám dần vào đáy nồi, lâu ngày kết lại thành ra một loại chất đen nhẹ như sương, nên mới có cái tên Bách thảo sương. Thiên nhiên kì diệu ở chỗ, cả những thứ tưởng chừng như ít sử dụng được lại có công dụng chữa bệnh.
1. Mô tả vị thuốc, phân bố
1.1. Mô tả
Bách thảo sương (Pulvis fumicarbonisatus) hay Nhọ nồi, người ta còn gọi nó với những tên khác như: Lọ nghẹ, Muội nồi, Táo đột mặc, Táo ngạch mặc,Táo môi, Phủ để môi…
Nó là muội đen cạo ra từ đáy nồi. Muội này do rơm rạ, các thứ cây cỏ đốt cháy lâu ngày thành khối tạo thành. Trong các loại nồi thì chọn muội nồi đất nấu cơm là tốt hơn cả. Thứ muội màu đen nhánh không lẫn tạp chất là tốt nhất. Khi lấy thì nên cẩn thận phân biệt với Bồ hóng (Ô long vĩ), có màu đen nâu, không mịn, không lóng lánh.
1.2. Nơi phân bố
Vì lấy từ muội nồi nên có lẽ chỉ những nơi còn sử dụng nồi đất nấu cơm mới dễ dàng tìm thấy vị thuốc này.
2. Bào chế, bảo quản vị thuốc Bách thảo sương
2.1. Bào chế
Cạo lấy phần muội đen nơi đáy nồi, khi lấy cố gắng lấy cho sạch sẽ. Sau đó đem sàng bỏ tạp chất rồi thủy phi (thủy phi là hình thức lấy thuốc nghiền thành, rồi cho bột thuốc vào trong bát sứ, đổ nước vào nghiền rất nhỏ, lại đổ nhiều nước vào nữa, quấy đều lên, gạn hết nước và thứ nổi trên, để cho khô).
Khi dùng vào thuốc thang thì chú ý cho vào túi vải sắc để bột thuốc không bị lẫn vào trong các bã thuốc khác, làm giảm lượng thuốc sử dụng. Còn nếu dùng làm hoàn tán thì phối hợp với các thuốc khác mà tán bột.
2.2. Bảo quản
Đây là loại thuốc dễ bảo quản, chú ý để nơi khô ráo, kín đáo để tránh ẩm mốc, hư hỏng.
3. Thành phần hóa học Bách thảo sương
Khi người ta phân tích thành phần vị thuốc này, thì chất chủ yếu thu được là Carbon.
4. Công dụng của vị thuốc Bách thảo sương
Bách thảo sương là vị thuốc cay, tính ôn. Vị thuốc này giúp cầm máu, sinh ra da thịt, nên nó chữa những chứng:
- Ho ra máu
- Chảy máu cam
- Nôn ra máu
- Chảy máu chân răng
- Phụ nữ bị rong kinh
- Băng huyết
- Cầm máu những vết thương bị đâm chém
Bên cạnh đó, vị thuốc này còn chữa những chứng như:
- Trẻ con lở đầu
- Hói đầu
- Rụng tóc
- Chữa những bệnh do trùng độc
- Phụ nữ sanh con đẻ khó bị ra máu
- Chữa thai chết lưu trong bụng mẹ
- Những bệnh kiết lỵ, tả lỵ
Nói tóm lại, nó chữa rất hay những chứng về huyết, như Lý Thời Trân đã từng nhận xét về vị thuốc này:“Bách thảo sương cầm được cả mọi chứng thất huyết, dưới cũng như trên, nhất là người đàn bà bị chứng băng huyết, chứng đới hạ, không cứ rằng thai tiền hay sản hậu mọi chứng huyết đều trị được cả”.
5. Lưu ý khi dùng Bách thảo sương
Những người xét ra nếu không có chứng gì là ứ đọng ngưng trệ thì không nên dùng vị thuốc này.
6. Những bài thuốc chữa bệnh từ Bách thảo sương
6.1. Bài thuốc chữa chứng chảy máu cam không khỏi
Dùng lượng bột cực nhỏ của vị Bách thảo sương thổi vào mũi sẽ có hiệu quả
6.2. Phương thuốc chữa chứng kẽ răng ra máu
Dùng một ít Bách thảo sương làm ra bột, xát trực tiếp vào chân răng. Kết hợp cùng với vệ sinh răng miệng sạch sẽ. (theo “Tập giản phương”)
6.3. Một phương chữa chứng đàn bà bị băng huyết
Bách thảo sương 8gr hòa với nước mật con chó, quấy đều chia làm 2 lần mà uống, dùng rượu sắc Đương quy làm thang để uống. (theo “Kinh nghiệm phương”)
6.4. Phương thuốc chữa chứng “bạch đới” ở phụ nữ
Bách thảo sương 40gr, Hương kim mặc 40gr, Mực tàu tốt 20gr. Tất cả đem nghiền ra thành bột.
Dùng 1 cái gan lợn mổ đôi nhét bột thuốc vào bên trong, lấy giấy ướt bọc bên ngoài đem nướng chín, khi ăn uống kèm chút rượu nóng để đưa thuốc xuống. (theo “Vĩnh loại kiềm phương”)
6.5. Phương thuốc chữa chứng tả lỵ dữ dội
Dùng làm bột hòa với nước cơm mà uống 2 đồng cân. (theo “Tục thiên kim phương”)
6.6. Bài thuốc chữa chứng lở đầu
Dùng nước sôi pha chút giấm vào nước mà rửa cho sạch, cho vào chút Khinh phấn hòa với dầu mè bôi sẽ khỏi. (theo “Chứng loại bản thảo phương”)
Để lại một phản hồi