Bạch cập hay còn được gọi là Liên cập thảo, là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch cập. Vị thuốc sắc trắng (bạch là trắng) lại mọc liên tiếp, do đó có tên Bạch cập. Theo y học cổ truyền, Bạch cập có vị đắng, tính bình, tác dụng bổ phế, cầm máu, làm tan máu ứ, nhanh lành vết thương.
1. Tổng quan về Bạch cập
1.1. Nhận biết
Bạch cập có tên khoa học là Beletia hyacinthina R. Br, thuộc họ Lan (Orchidaceae). Đây là một loại cây thảo, sống lâu năm, mọc hoang và được trồng ở vùng đất ẩm, mát, có thân rễ, có vảy.
Lá mọc từ rễ lên, chừng 3 đến 5 lá hình mác dài 18 – 40cm, rộng 2,5 – 5cm, trên có nhiều nếp nhăn dọc. Vào đầu mùa hạ, ở đầu cành hoa nở màu đỏ tía rất đẹp. Quả hình thoi 6 cạnh.
1.2. Phân bố, thu hái và chế biến
Bạch cập là cây cận nhiệt đới và ôn đới ấm. Vùng phân bố tự nhiên cũng như trữ lượng của nó rất hạn chế. Ở Việt Nam mới gặp rải rác tại vùng có khí hậu á nhiệt đới núi cao như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… Đây là một cây thuốc quý ở Việt Nam. Loài này đã được đưa vào Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam để chú ý bảo vệ và nghiên cứu, nhân trồng thêm.
Thân rễ 2 – 3 năm tuổi, bỏ vảy và rễ con, rửa sạch, sấy nhỏ lửa cho khô hoặc để khô cứng mà dùng. Tuy nhiên, với thân rễ cây được gọi là Bạch cập của ta thì chỉ thu được những vị thuốc trông như bánh dày nhỏ.
Còn vị Bạch cập nhập thì là những khối rắn, cứng, có màu trắng nâu, với hai hoặc ba nhánh con rất đặc biệt. Soi qua kính hiển vi thấy trong bột của nó có những tế bào nhu mô chứa tinh thể oxalat canxi hình kim. Hiện nay, Bạch cập ở nước ta chưa được khai thác, ít nhất vì hình thức bên ngoài chưa đúng vị nhập.
1.3. Thành phần hóa học
Thành phần có 55% chất nhầy, một ít tinh dầu và glycogen.
1.4. Bộ phận dùng
Thân rễ đã phơi khô hoặc sấy khô.
Vào tháng 8 – 11, đào thân rễ, bỏ phần thân đã tàn lụi và rễ nhỏ, rửa sạch, nhúng vào nước sôi 3 – 5 phút cho đến khi không còn ruột trắng. Lấy ra phơi cho đến khi một nửa đã khô, một nửa chưa khô, bóc vỏ ngoài rồi tiếp tục phơi cho đến khô.
2. Công dụng theo y học hiện đại
Nghiên cứu cho thấy các hoạt chất chứa trong loại cây có tác dụng kháng khuẩn và cầm máu.
2.1. Kháng khuẩn
Biphenanthren được phân lập có tác dụng kháng khuẩn trên một số vi khuẩn gây bệnh thông thường.
2.2. Cầm máu
Điều trị xuất huyết đường tiêu hóa: Một nghiên cứu ứng dụng Bạch cập trên 70 bệnh nhân, khỏi 68 (tỷ lệ khỏi 97,2%), số ngày điều trị là 4,13 ± 3 ngày. Một nghiên cứu khác trên 100 bệnh nhân, khỏi 90 (tỷ lệ khỏi 90%), số ngày điều trị là 3.51 ± 1.54 ngày. Trong một tài liệu Trung Quốc, người ta đã nghiên cứu trên 300 bệnh nhân bị xuất huyết đường hô hấp trên cũng thu được kết quả tốt.
3. Công dụng theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, Bạch cập có vị đắng, tính bình, quy vào Phế kinh. Dược liệu có tác dụng bổ phế, hóa ứ (tan máu đông), cầm máu, lành vết thương.
Hiện nay, Bạch cập chủ yếu được dùng theo kinh nghiệm cổ của nhân dân, làm thuốc cầm máu, trong những trường hợp nôn ra máu, chảy máu cam, lỵ ra máu, đau mắt đỏ, dùng ngoài đắp lên những mụn nhọt sưng tấy, bỏng lửa. Ngày dùng từ 4g đến 12g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
4. Đơn thuốc kinh nghiệm với vị Bạch cập
4.1. Chữa nôn ra máu, chảy máu dạ dày
- Bạch cập tán nhỏ, uống với nước cơm hoặc nước cháo, ngày 10 – 15g.
- Bạch cập 2 phần, Tam thất 1 phần. Tán nhỏ, uống với nước cơm hoặc nước cháo. Mỗi lần 4 – 8g, ngày 2 – 4 lần.
4.2. Chảy máu cam
Lấy vị thuốc tán nhỏ, trộn với nước, đắp lên sống mũi và uống 1 – 3g.
4.3. Chữa vết thương do chém
Bạch cập 20g, Thạch cao 20g. Hai vị tán nhỏ, trộn đều. Rắc lên vết thương, rất nhanh hàn miệng.
4.4. Chữa ung nhọt sưng đau
Tán nhỏ dược liệu, trộn với ít nước, đặt trên giấy bản, đắp.
4.5. Chữa vết bỏng lửa
Tán nhỏ dược liệu, hòa vào dầu vừng, bôi.
4.6. Chữa sa dạ con
Bạch cập, Ô đầu, mỗi vị bằng nhau, tán nhỏ. Lấy 4g bọc vào bông vô trùng, để sâu vào âm đạo. Khi thấy trong bụng nóng lên thì bỏ ra. Ngày 1 lần.
Để lại một phản hồi