Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, và hệ thống sông ngòi phong phú nên đuối nước luôn là hiểm họa rình rập mọi người, nhất là trẻ em. Ngoài việc cần có các biện pháp phòng ngừa chủ động tránh trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu đuối nước ở trẻ em như thế nào cho đúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại nhiều cơ hội sống sót hơn cho trẻ.
1. Cách sơ cứu đuối nước đúng cách
Nguyên nhân gây tử vong ở các trẻ bị đuối nước là suy hô hấp vì vậy bước đầu tiên để sơ cứu đuối nước đúng cách chính là làm thông thoáng đường thở, cho trẻ thở oxy. Tìm cách tiếp cận và đưa lên bờ an toàn bằng cách ném phao hoặc một sợi dây để kéo trẻ. Luôn nhớ gọi thêm người giúp đỡ như nhân viên cứu hộ và cán bộ y tế. Sau khi tiếp cận được trẻ bị đuối nước, cần nâng đầu trẻ cao hơn mặt nước nhằm giúp trẻ hô hấp và bình tĩnh trở lại.
Trẻ bị đuối nước sau khi đưa lên bờ có thể tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức:
- Đặt trẻ nằm ngửa trên sản trong tư thế đầu thấp. Nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức.
- Quan sát lồng ngực của trẻ không còn di động cần thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần.
- Trước đó, cần đảm bảo lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ.
- Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo.
- Hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 – 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây.
- Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại.
- Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô.. Hạ thân nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt đối với nhóm trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
Phương án tốt nhất là gọi xe cấp cứu để được nhân viên y tế đã được đào tạo sơ cứu đuối nước đúng cách cấp cứu và vận chuyển đến cơ sở y tế nhanh nhất. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đuối nước ở những nơi hẻo lánh, mất nhiều thời gian để tiếp cận, người cứu hộ tại chỗ cần vừa hồi sức vừa đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất có thể.
2. Những lỗi sai thường gặp khi sơ cứu đuối nước ở trẻ em
Hầu hết các trẻ bị đuối nước đều được cứu giúp bởi những người không được huấn luyện cách sơ cứu đuối nước đúng cách, vì thế việc mắc lỗi là điều khó có thể tránh khỏi. Một số thói quen cần ngưng thực hiện khi sơ cứu trẻ bị đuối nước như:
- Nóng vội nhảy xuống nước để cứu trẻ khi không biết bơi hoặc bơi không giỏi là lỗi thường gặp khi sơ cứu đuối nước ở trẻ em. Trẻ em nói riêng và nạn nhân bị đuối nước nói chung khi đang vẫy vùng dưới nước thường hoảng loạn, có thể cản trở và gây lúng túng cho những người không có kinh nghiệm. Người cứu hộ lúc này rất dễ trở thành nạn nhân thứ hai.
- Dốc ngược trẻ: nhiều người lầm tưởng động tác này giúp loại bỏ nước ra khỏi hệ hô hấp của trẻ và giúp trẻ có thể tự thở được. Tuy nhiên, vác trẻ bị đuối nước lên vai và chạy chỉ làm chậm trễ các bước sơ cứu quan trọng hơn, bao gồm hồi sức tim phổi. Lượng nước đi vào phổi khi bị đuối nước thường không nhiều và có thể được thải ra ngoài khi thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và khi trẻ có thể tự thở. Trì hoãn việc hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực làm tăng nguy cơ tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy.
- Tụ tập đông người: trẻ bị đuối nước khi đã được đưa ra khỏi mặt nước cần được cung cấp nhiều oxy. Cần đặt trẻ ở môi trường thông thoáng, nhiều không khí. Hình thành đám đông quanh trẻ không những không giúp ích được gì mà còn cản trở hiệu quả hô hấp của trẻ
Để lại một phản hồi