Bong võng mạc là tình trạng lớp mô võng mạc bị nâng lên hoặc kéo ra khỏi vị trí bình thường bên trong mắt. Võng mạc đóng vai trò như một tấm phim nhạy sáng của mắt, lót ở mặt trong thành nhãn cầu và gửi tín hiệu hình ảnh tới não.
Nếu một người bị bong võng mạc không được điều trị kịp thời, người ấy có thể bị mất thị lực vĩnh viễn. Đôi khi một vùng nhỏ của võng mạc bị rách, gọi là vết rách hoặc vết nứt của võng mạc. Chúng có thể dẫn đến bong võng mạc.
Triệu chứng của bong võng mạc là gì?
Triệu chứng của bong võng mạc bao gồm:
- Sự gia tăng của các vật nổi – Vật nổi trông như “mạng nhện” hoặc các đốm nhỏ trôi nổi trước mắt. Hiện tượng này có thể xảy ra bất ngờ hoặc tăng chậm theo thời gian.
- Nhìn thấy những chớp sáng.
- Nhìn thấy một màn mờ gây cản trở tầm nhìn và có thể bắt nguồn từ bất kỳ hướng nào.
Bong võng mạc là một bệnh nguy hiểm. Nếu bạn hoặc người quen có những triệu chứng trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Bong võng mạc được phân loại như thế nào?
Có ba loại bong võng mạc khác nhau, gồm:
- Rhegmatogenous (Bong võng mạc nguyên phát) – Ở loại này, một vết rách võng mạc khiến dịch tràn dưới võng mạc và tách khỏi biểu mô sắc tố võng mạc (RPE – Retinal Pigment Epithelium). Biểu mô sắc tố là một lớp tế bào giúp nuôi dưỡng võng mạc. Đây cũng là loại bong võng mạc phổ biến nhất, cũng là loại nguy hiểm nhất tiến triển rất nhanh chóng.-
- Tractional (Bong võng mạc do co kéo) – Ở loại này, mô sẹo trên bề mặt võng mạc co lại và tách ra khỏi biểu mô sắc tố. Loại này xảy ra ở bệnh nhân bị tiểu đường. Quá trình phát triển bệnh không quá nhanh.
- Exudative (Bong võng mạc xuất tiết) – Ở loại này, chất dịch rò rỉ vào vùng nằm dưới võng mạc, nhưng không có bất kỳ vết xước hay rách nào trên võng mạc. Loại này thường do các bệnh về võng mạc gây ra, bao gồm các rối loạn gây viêm (inflammatory disorders) hoặc chấn thương mắt.
Những ai có nguy cơ bị bong võng mạc?
Bong võng mạc thường gặp hơn ở những người trên 40 tuổi. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh ảnh hưởng đến đàn ông nhiều hơn phụ nữ.
Những người khác có nguy cơ bị bong võng mạc gồm:
- Bị cận thị nặng
- Đã từng bị bong võng mạc một bên mắt
- Có một thành viên trong gia đình từng bị bong võng mạc
- Đã phẫu thuật đục thủy tinh thể
- Có bệnh hoặc rối loạn về mắt, chẳng hạn như tách võng mạc, viêm màng bồ đào, cận thị bệnh lý hoặc thoái hóa võng mạc chu biên (lattice degeneration)
- Chấn thương mắt
Điều trị bong võng mạc như thế nào?
Có nhiều phương pháp điều trị bong võng mạc. Một số phương pháp giúp điều trị những vết rách và lỗ nhỏ, có thể thực hiện tại bệnh viện mắt, gồm:
- Phẫu thuật Laser – Các vết đốt nhỏ được thực hiện xung quanh lỗ bị rách giúp “hàn” võng mạc về vị trí cũ.
- Cryopexy (Làm lạnh cường độ cao) – Điều trị bằng cách đông lạnh cũng có thể điều trị những vết rách hoặc lỗ nhỏ. Làm lạnh cường độ cao ở những vùng xung quanh lỗ rách và giúp gắn võng mạc trở lại vị trí cũ.
- Bơm khí (Gas injection) – Ở phương pháp này, bác sĩ nhãn khoa sẽ bơm một bong bóng khí vào mắt. Bác sĩ có thể thực hiện phương pháp này kết hợp với điều trị bằng laser hoặc Cryopexy. Bóng khí có thể giúp đẩy võng mạc về lại thành mắt trong khi điều trị bằng laser hoặc Cryopexy giúp võng mạc gắn chặt trở lại vị trí cũ, bóng khí có thể tự biến mất sau một tuần.
Hầu hết các trường hợp bị bong võng mạc đều được điều trị bằng phẫu thuật, bao gồm:
- Ấn độn củng mạc – Một dải băng nhân tạo rất nhỏ được gắn vào phía ngoài nhãn cầu. Dải băng đẩy nhẹ thành mắt về phía trung tâm mắt, khiến thành mắt áp sát với võng mạc bị bong, giúp gắn lại võng mạc vào thành mắt.
- Cắt dịch kính – Phẫu thuật cắt bỏ khối dịch kính là một phẫu thuật giúp thay thế dịch kính, một chất tương tự như gel chứa đầy ở trung tâm mắt và giúp mắt duy trì dạng hình cầu. Trong phẫu thuật cắt bỏ dịch thủy tinh, bác sĩ tạo một vết mổ nhỏ ở tròng trắng của mắt và sử dụng một dụng cụ nhỏ để loại bỏ dịch thủy tinh. Trong hầu hết trường hợp, bác sĩ bơm khí để thay thế dịch thủy. Khí ép và gắn võng mạc về lại thành mắt. Khi lành lại, mắt sẽ từ từ tiết ra một chất dịch thay thế khí và lấp đầy mắt.
Với cả hai phẫu thuật trên, phương pháp laser hoặc Cryopexy đều được dùng để “hàn gắn” võng mạc về lại vị trí cũ.
Với phương pháp điều trị hiện đại, hầu hết mọi trường hợp bong võng mạc đều có thể điều trị thành công, tuy nhiên các bác sĩ không phải lúc nào cũng dự đoán được thị lực sẽ như thế nào.
Thị lực có thể không phục hồi thậm chí đến vài tháng sau phẫu thuật. Đôi khi phẫu thuật lần hai là điều cần thiết. Không may là đôi lúc, thị lực có thể không khôi phục được ngay cả khi đã phẫu thuật nhiều lần.
Trong nhiều trường hợp, điều này tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bong võng mạc, và khoảng thời gian đã bỏ qua cho đến khi bệnh nhân được điều trị. Kết quả tốt nhất chỉ đạt được khi bong võng mạc được điều trị sớm.
Đó là lý do tại sao việc khám mắt ngay khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào của bong võng mạc là điều quan trọng.
Để lại một phản hồi