1. Theo dõi và chăm sóc thai nhi là gì?
Theo dõi và chăm sóc thai nhi là công việc cần thiết và rất quan trọng trong thai kỳ nhằm mang lại sức khoẻ cho người mẹ và thai nhi, đồng thời phòng ngừa và giải quyết những trường hợp bất thường xảy ra đối với thai phụ và thai nhi.
Theo dõi thai nhi thông qua việc thăm khám thai định kỳ để biết được quá trình hình thành và phát triển của thai, nhằm phát hiện những nguy cơ, hay để tính tuổi thai, dự kiến ngày sinh, bên cạnh đó, là cơ sở để hướng dẫn người mẹ và gia đình cách chăm sóc sức khoẻ cho mẹ và thai tốt nhất.
Chăm sóc thai nhi nhằm giúp cho mẹ và thai có điều kiện phát triển tối ưu vì trong quá trình người mẹ mang thai, sức đề kháng của mẹ giảm sút so với trước, vì vậy nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao và các bệnh kèm theo rất khó điều trị.
2. Vì sao phải theo dõi và chăm sóc thai?
Nếu không theo dõi và chăm sóc thai nhi hợp lý, có thể xảy ra những trường hợp xấu trước, trong và sau khi sinh như:
– Sẩy thai.
– Mang thai ngoài tử cung.
– Tiền sản giật.
– Thai nhi bị dị tật bẩm sinh như bệnh Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau, dị tật ống thần kinh…
– Suy dinh dưỡng bào thai
Do đó, việc theo dõi và chăm sóc thai là điều cần thiết để bảo về sức khoẻ cho cả mẹ và bé.
3. Theo dõi thai nhi như thế nào?
Khi mang thai, cần theo dõi những chi tiết như cân nặng thai, cử động thai… gọi chung là chỉ số thai nhi. Chỉ số thai nhi được xác định thông qua việc siêu âm và được thể hiện qua những kí tự viết tắt.
Chỉ số thai nhi là sự thay đổi các chỉ số về đường kính túi thai, chiều dài đầu-mông, đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi, chu vi vòng bụng, chu vi đầu và cân nặng thai ước tính. Sự phát triển của thai được phản ảnh thông qua sự thay đổi của các thông số này.
Trong thời kì mang thai, người mẹ sẽ được chỉ định khám thai vào 3 giai đoạn quan trọng lần lượt ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.
Lần khám thai đầu tiên
Sau chậm kinh khoảng 2 – 3 tuần sản phụ cần đi khám thai để xác định có thai – tình trạng thai (thai trứng, đa thai, doạ sẩy, thai lưu). Nếu có thai thì sẽ xác định tuổi thai và tính ngày dự sinh. Ngoài ra, cần làm xét nghiệm máu để đánh giá sức khoẻ của mẹ, bệnh lý nội, ngoại khoa và thai nghén.
Lần khám thứ 2 (Sàng lọc quý 1)
Lần khám thứ 2 vào lúc thai 11 – 13 tuần 6 ngày. Trong lần khám này, tiến hành siêu âm đo độ mờ da gáy, đánh giá Doppler động mạch tử cung, làm các xét nghiệm sinh hoá Double test để phát hiện nguy cơ mắc các bệnh lý bất thường nhiễm sắc thể cho thai như Hội chứng Down, Hội chứng Edwards, Hội chứng Patau, sàng lọc nguy cơ mắc tiền sản giật sớm trong thai kỳ để từ đó có các phương pháp điều trị dự phòng.
Lần khám thứ 3 – 4 – 5 (từ 14 tuần đến 28 tuần 6 ngày)
Trong thời điểm 3 tháng giữa, một tháng nên tiến hành khám thai một lần. Mục đích
– Theo dõi sự phát triển của thai: Trọng lượng mẹ, bề cao tử cung, nghe tim thai.
– Phát hiện những bất thường của thai kỳ: đa ối, đa thai, nhau tiền đạo, tiền sản giật.
– Khám tiền sản cho những thai phụ có nguy cơ cao hoặc siêu âm phát hiện bất thường.
– Phát hiện các bất thường của mẹ: Hở eo tử cung, Tiền sản giật, doạ sẩy thai…
– Hướng dẫn về dinh dưỡng, vệ sinh, sinh hoạt, tái khám và chích ngừa uốn ván.
– Hướng dẫn các sản phụ tham dự lớp “Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ”.
Các xét nghiệm cần phải làm trong thời kỳ này:
– Nghiệm pháp dung nạp đường ở tuổi thai từ 24 – 28 tuần tầm soát đái tháo đường thai kỳ.
– Triple test: thực hiện ở tuổi thai 14 – 21 tuần (đối với những trường hợp chưa thực hiện sàng lọc trong quý 1)/
– Siêu âm: Siêu âm sàng lọc quý 2 hình thái học ( 3D, 4D) tối thiểu 1 lần ở tuổi thai 20 – 24 tuần khảo sát hình thái thai nhi, tuổi thai, sự phát triển của thai, nhau ối.
Lịch tiêm phòng uốn ván/ thai phụ
– VAT 1: từ tháng thứ 4.
– VAT 2: cách VAT 1 tối thiểu 1 tháng và trước sinh 1 tháng.
– VAT 3: ở thai kỳ sau, cách VAT 2 tối thiểu 6 tháng.
– VAT 4: ở thai kỳ sau, cách VAT 3 tối thiểu 12 tháng.
– VAT 5: ở thai kỳ sau, cách VAT 4 tối thiểu 12 tháng.
– Với những phụ nữ đã tiêm đủ 5 mũi VAT, nếu mũi tiêm cuối cùng > 10 năm thì cần tiêm nhắc lại 1 mũi.
Lần khám thứ 6 (sàng lọc quý 3)
Ở tuần 30 – 32, vẫn khám, theo dõi và làm siêu âm sàng lọc quý 3. Ngoài những phần khám tương tự 3 tháng giữa thai kỳ, việc khám thai trong thời kỳ này nhằm chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ… từ đó có thể dự đoán tỷ lệ thành công của ca sinh. Ngoài ra những thai kỳ nguy cơ cao đã có thể phát hiện được và từ đó cho nhập viện sớm trước ngày dự sinh.
Lần khám thứ 7 – 8 – 9
Sang tuần 36, người mẹ bắt buộc phải đi khám theo dõi mỗi tuần 1 lần. Ở tuần 38, trong trường hợp phải sinh mổ như: nhau tiền đạo, ngôi mông con to, khung chậu hẹp, vết mổ lấy thai cũ…, người mẹ có thể cho nhập viện theo dõi để thai kỳ an toàn hơn.
Lần khám thứ 7 này có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài việc xác định phương pháp sinh, các mẹ bầu cũng sẽ được tư vấn về việc chọn cơ sở y tế tùy theo tình hình phát triển của thai. Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp mà bác sĩ yêu cầu sản phụ khám, xét nghiệm, siêu âm thêm để theo dõi các biến chứng thai nghén, theo dõi nước ối, ngôi thai, tình trạng bám của rau thai… trong những tuần cuối cùng của thai kỳ.
Nếu trong quá trình mang thai có các triệu chứng bất thường như: ra máu âm đạo, ra nước ối, đau bụng từng cơn, phù, nhức đầu, chóng mặt, thai máy ít hơn… cần đi khám thai ngay.
4. Cách chăm sóc thai nhi hiệu quả
Việc chăm sóc thai nhi phải hợp lý và có sự khác nhau theo từng thời kì phát triển của thai. Dưới đây là một số cách chăm sóc thai khuyến cáo cho thai nhi:
Nước
Nước ối có thành phần chính là nước do đó nước có vai trò rất quan trọng đối với mẹ bầu. Từ tháng thứ 3 trở đi, thai nhi sẽ nuốt từ 140 – 160ml nước ối mỗi ngày để có năng lượng. Vì vậy, mẹ bầu nên uống khoảng 2,4l nước mỗi ngày, gồm: nước lọc, nước trái cây, các loại nước canh…
Hơn nữa, việc sử dụng các loại hoá chất như dầu gội, sữa tắm… cũng cần thận trọng để tránh gây hại cho thai nhi.
Chất dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn trong thai kỳ là rất cần thiết nhằm bổ sung những chất thiết yếu mà cơ thể không tự tạo ra được.
Trong ba tháng đầu, người mẹ cần nhiều vitamin, nhất là axit folic để hỗ trợ sự phát triển hệ thần kinh của bé. Axit folic có nhiều trong gạo giã, bánh mỳ nguyên cám, rau có lá màu xanh đậm, đậu phộng, các loại quả mọng (cà chua, cam quýt…).
Ba tháng giữa, mẹ bầu nên bổ sung canxi góp phần hình thành xương và răng cho bé đồng thời giúp hệ thống tạo máu. Canxi có nhiều trong trứng, cá, tôm, tép, trai, hến, sò, đậu phụ, rau mồng tơi, rau đay, rau bí, rau muống, rau cải ngọt, rau dền, vừng mè, đậu phụ, bột yến mạch, hạnh nhân, sữa…
Ba tháng cuối, nên bổ sung nhiều đạm có nguồn gốc động vật và thực vật như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu giúp phát triển não bộ và tăng cường hệ miễn dịch cho bé.
Tập luyện
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên tránh những công việc lao động nặng nhọc. Thay vào đó, nên nghỉ ngơi để tránh tình trạng suy kiệt cơ thể có thể dẫn đến những trường hợp xấu như sẩy thai.
Thực tế cho thấy, việc tập thể dục trong giai đoạn mang bầu giúp cho người mẹ trở nên dẻo dai đồng thời cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, cần phải tập thể dục đúng cách và hợp lý:
– Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi lên kế hoạch tập luyện.
– Chọn môn thể dục phù hợp sở thích và hoàn cảnh.
– Tránh tập luyện quá sức.
– Tập luyện tư thế phù hợp với từng thời kỳ của thai.
Giáo dục
Ngoài việc chăm sóc thông qua ăn uống, cũng nên kích thích các giác quan cho bé bằng cách vuốt ve bụng nhẹ nhàng, hát ru, nghe nhạc, trò chuyện với bé hàng ngày.
Không chỉ mình người mẹ, người cha cũng cần tham gia vào việc chăm sóc thai nhi như rèn luyện thể lực, cai thuốc lá và hạn chế bia rượu, giữ sức khỏe tốt trước và trong thời kỳ chuẩn bị mang thai. Bên cạnh đó, người chồng cũng nên gánh bớt việc nhà giúp bà bầu.
Nguồn: Thạc sĩ Võ Văn Khoa – BV Đại học Y dược Huế
Để lại một phản hồi