1. U nang buồng trứng là gì?
Tên gọi khác: Ovarian Cyst.
U nang buồng trứng là hiện tượng một khối chứa dịch lỏng, có vỏ bọc bên ngoài xuất hiện, hình thành và phát triển bên trong buồng trứng.
Đây là loại u nang thường gặp nhất ở phụ nữ chiếm 3,6% tỷ lệ các bệnh liên quan đến phụ khoa.
Có rất nhiều loại u nang buồng trứng trong đó chia ra thành 2 loại chính là u nang buồng trứng cơ năng và thực thể.
– U nang buồng trứng cơ năng: xuất hiện do rối loạn sinh lý trong quá trình phát triển và tự biến mất sau một khoảng thời gian nhất định. Gồm có nang noãn và nang hoàng thể, nang hoàng thể có 2 loại nang hoàng thể hạt và nang hoàng thể vỏ.
– U nang buồng trứng thực thể bao gồm u nang nước, u nang nhày, u lạc nội mạc tử cung, u tế bào sáng, u Brenner, u nang bì…. Trong bài này đề cập đến u nang buồng trứng thực thể, về điều trị cũng như theo dõi.
Ngoài ra ở một số phụ nữ trong buồng trứng chứa nhiều các u nang nhỏ gọi là tình trạng đa nang buồng trứng.
Hầu hết các loại u nang buồng trứng sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp tiến triển thành khối u ác tính làm ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ và trầm trọng hơn gây nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ.
2. Nguyên nhân mắc bệnh u nang buồng trứng
Có rất nhiều nguyên nhân có thể phát sinh gây u nang buồng trứng, trong đó các nguyên nhân được biết đến nhiều nhất là:
– Thể vàng phát triển quá mức: dẫn đến chu kì kinh nguyệt kéo dài kèm chảy máu (giống với dấu hiệu xảy thai). Một số trường hợp hiếm nang trứng bị vỡ gây đau cấp tính làm hình ảnh lâm sàng của thai ngoài tử cung bị xáo trộn.
– Sự phát triển không đầy đủ của nang trứng: các nang trứng không hấp thụ được chất dinh dưỡng dẫn đến nang trứng bị khuyết tật.
– Vỡ mạch máu nang trứng: làm xuất huyết u nang, thường không có triệu chứng và gây đau bụng cấp tính.
– Chorionic gonadotropin (HCG) trong cơ thể dư thừa: do sự xuất hiện của các khối u trong thời kì thai ngén hoặc rối loạn HCG để kích thích trứng rụng. Những khối u sẽ tự biến mất sau khi khối u trong thai kì bị loại bỏ hoặc ngưng điều trị với HCG.
– Lượng hormon trong buồng trứng cao quá mức: mà cụ thể là hormon luteinizing (LH) trong cơ thể quá cao dẫn đến sự rối loạn nội tiết tố làm hình thành buồng trứng đa nang với các nguy cơ mắc bệnh béo phì, chu kỳ kinh nguyệt không đều, vô sinh (do không có sự rụng trứng), nam tính (lông trên mặt nhiều, lông tay, lông chân rậm rạp… nguyên nhân là do dư thừa androgen).
3. Triệu chứng của u nang buồng trứng
U nang buồng trứng không có những triệu chứng đặc biệt. Đa số những trường hợp phát hiện được khối u buồng trứng tình cờ qua khám phụ khoa hoặc siêu âm bụng.
Một số dấu hiệu cần lưu ý khi mắc u nang buồng trứng:
– Những cơn đau bất thường khi quan hệ, đau ở vùng xương chậu (dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác như viêm vùng chậu, ung thư cổ tử cung…), đau vùng khung chậu khi lao động, đau bụng hoặc trong tử cung có cảm giác khó chịu, cảm giác mệt mỏi khi đi lại, chướng bụng và đau tức vùng bụng.
– Kinh nguyệt không đều: nếu có điều gì bất thường xảy ra với chu kỳ kinh nguyệt như máu kinh có màu đen đậm, sẫm, kèm khí hư cũng như có mùi hôi khó chịu, rất có thể là do khối u gây ra.
– Khó tiêu và đầy hơi, táo bón, …kèm bụng to: xảy ra khi khối u lớn trong ổ bụng.
Ngoài ra, bệnh nhân bị u nang buồng trứng còn xuất hiện một số triệu chứng như rối loạn đại tiện, thay đổi chỉ số cơ thể hoặc tăng cân bất thường, buồn nôn khó chịu.
Những triệu chứng trên chưa xác định được chắc chắn người phụ nữ có bị u nang buồng trứng hay không nhưng nó cũng một phần cảnh báo về các bệnh phụ khoa có thể mắc phải.
Nếu gặp các trường hợp trên nên đi thăm khám sức khỏe để chuẩn đoán tìm ra nguyên nhân điều trị bệnh kịp thời, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe sinh sản một cách tốt nhất.
4. Điều trị u nang buồng trứng
Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị u nang buồng trứng như phương pháp nội khoa, ngoại khoa. Tuy nhiên tùy thuộc vào từng loại, tình trạng sức khỏe, cũng như mức độ nguy hiểm của khối u để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Độ tuổi sinh sản cũng là một trong những tác nhân ảnh hưởng đến phương pháp điều trị vì vậy cần làm xét nghiệm và chuẩn đoán thật chính xác để có thể xác định được cách chữa trị tốt nhất.
– Phương pháp nội khoa bao gồm việc điều trị bằng thuốc tây đối với các trường hợp phát hiện sớm, khối u lành tính và có kích thước nhỏ dưới 60 mm. Các loại thuốc này hỗ trợ điều trị các triệu chứng buồn nôn, chảy máu, rối loạn kinh nguyệt. Ưu điểm là an toàn cho khả năng sinh sản của phụ nữ, giảm thiểu rủi ro, biến chứng khi phẫu thuật. Tuy nhiên không điều trị được tận gốc mà chỉ điều trị triệu chứng, có thể bị tái phát lại nếu ngưng dùng thuốc.
– Phương pháp ngoại khoa sử dụng phẫu thuật, xâm lấn để loại bỏ khối u. Đối với phương pháp này có hai dạng là phẫu thuật loại bỏ khối u lành tính, bóc tách khối u ra khỏi buồng trứng mà không làm mất khả năng mang thai của phụ nữ, tỷ lệ tái phát là 25%. Đối với khối u quá lớn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xoắn, vỡ khối u. Những khối u này rất nguy hiểm việc bóc tách dễ xảy ra sai sót đe dọa tính mạng của người bệnh cần phải cắt bỏ một bên.
– Đối với khối u ác tính buồng trứng (ung thư buồng trứng) thì điều trị phẫu thuật rộng, sau đó hóa trị hỗ trợ. Điều trị cho loại bệnh lý này hoàn toàn khác nên sẽ không được đề cập trong bài này.
5. Phòng ngừa bệnh u nang buồng trứng
U nang buồng trứng có thể gặp ở phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào, vì vậy phòng tránh bệnh là việc cần thiết để chống lại căn bệnh này. Một số biện pháp phòng tránh cần thiết như sau:
– Cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
– Không được nạo phá thai vì sẽ ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ và bởi vì đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến u nang buồng trứng cũng như một số bệnh phụ khoa khác.
– Chú ý đến chế độ dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung nhiều vitamin, rau củ quả, thực đơn giàu protein và ít chất béo.
– Cần phải có một chế độ ăn uống điều độ hợp lý và sinh hoạt khoa học, tốt cho sức khỏe như: uống đủ nước mỗi ngày; có thói quen tập luyện thể dục – thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể…
– Không lạm dụng thuốc, giảm stress, căng thẳng và giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan…là cách tốt để ngăn ngừa u nang buồng trứng và nhiều bệnh khác.
– Nói không với rượu bia, thuốc lá và điều chỉnh cân nặng một cách hợp lý để tránh tình trạng béo phì.
– Khám phụ khoa định kì mỗi 6 tháng/lần là biện pháp tốt nhất để phát hiện và điều trị kịp thời u nang buồng trứng, tránh các biến chứng nguy hiểm đồng thời bảo vệ chức năng sinh sản cũng như tính mạng của người phụ nữ.
Nguồn: Thạc sĩ Lê Thị Huỳnh Trang – BV Ung bướu TPHCM
Để lại một phản hồi