1. Tổng quan bệnh nướu và nha chu
Theo đánh giá được công bố tại Hội thảo về Răng hàm mặt, do Hiệp hội Nha khoa Răng hàm mặt Việt Nam tổ chức tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ người Việt Nam mắc bệnh viêm nướu, viêm nha chu là rất cao, hầu như người lớn đều mắc phải bệnh răng miệng này.
Nguyên nhân tỷ lệ người dân Việt Nam mắc các bệnh nha chu cao là do hầu hết người Việt Nam không có thói quen khám răng định kỳ 6 tháng/lần, mà thường khi răng bị đau, sưng tấy mới đi khám.
Viêm nhiễm từ răng sẽ làm cho vi khuẩn xâm nhập vào mạch máu, làm suy giảm hệ thống miễn dịch, gián tiếp gây ra và làm nặng hơn các bệnh về tim mạch, hô hấp, đường tiêu hóa…
Vì vậy, vấn đề phòng bệnh về răng miệng là rất cần thiết. Trong đó, việc vệ sinh răng miệng để kiểm soát mảng bám răng là biện pháp quan trọng. Cần giáo dục và hướng dẫn cho mọi người cách vệ sinh răng miệng đúng, đồng thời cải thiện và làm giảm các yếu tố nguy cơ…
2. Nguyên nhân gây viêm nướu, viêm nha chu
Nướu là hàng rào bảo vệ ngoài cùng của tổ chức quanh răng chống lại vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn và các sang chấn. Viêm nướu xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa sự chống đỡ của hệ miễn dịch tại chỗ của cơ thể và vi khuẩn nằm trong mảng bám răng và vôi răng.
Mảng bám răng là một màng dính nằm trên bề mặt răng, gồm có vi khuẩn, chất nhầy và vụn thức ăn, trên màng dính này các chất cặn khoáng của nước bọt sẽ lắng đọng lên tạo thành vôi răng.
Vôi răng thường tập trung ở cổ răng, có màu trắng đục, ở những người hút thuốc lá thì vôi răng nhuộm màu vàng nâu và xỉn màu. Vôi răng được hình thành bởi các mảng bám tồn tại trong miệng khoảng 1 tuần có thể biến thành vôi răng. Mảng bám này xuất hiện từ một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng sau khi ăn khoảng 15 phút và nếu không được làm sạch thì các vi khuẩn sẽ kéo đến, tích tụ ngày càng dày lên.
Vôi răng bám dầy, để lâu có thể gây viêm nha chu dẫn đến tiêu xương, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng. Ngoài ra, vôi răng còn gây ra viêm tủy ngược dòng.
Vôi răng nhiều gây ra viêm nướu, viêm nha chu
Yếu tố thuận lợi gây viêm nướu:
Thay đổi hoóc môn ở tuổi dậy thì, tuổi thanh niên và thời kỳ mang thai, người mắc bệnh tiểu đường, người ốm nặng, răng mọc lệch lạc, trám lỗ sâu răng mặt bên không đúng kỹ thuật, răng giả không khít sát, vệ sinh răng miệng kém.
3. Triệu chứng bệnh viêm nướu
Tùy theo mức độ mà nướu có thể đỏ hay đỏ tía, có thể sưng phì đại, mất độ săn chắc và trông bóng hơn, chảy máu khi chạm phải hay chảy máu tự nhiên, miệng có mùi hôi, có thể đau hoặc không.
Nướu sưng đỏ, chảy máu là biểu hiện nướu bị viêm
Hậu quả của viêm nướu gây ra
Bệnh viêm nướu nếu không được điều trị có thể dẫn tới viêm toàn bộ tổ chức quanh răng gọi là viêm quanh răng hay còn gọi viêm nha chu, là nguyên nhân chính khiến răng bị rụng sớm.
Viêm nướu dẫn đến viêm nha chu nếu không điều trị sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
4. Điều trị viêm nướu, viêm nha chu
– Cần phải loại bỏ nguyên nhân là mảng bám răng và vôi răng đồng thời nâng cao sức khỏe toàn thân , bệnh nhân phải đến phòng khám để bác sĩ lấy sạch vôi răng. Sau khi đã hết vôi răng, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám răng.
* Trường hợp bệnh chuyển qua giai đoạn viêm nha chu thì cần phải có những biện pháp điều trị chuyên sâu hơn như: Xử lí mặt gốc răng hay phẫu thuật lật vạt bằng thiết bị nha khoa chuyên dụng kết hợp với các chất kháng khuẩn tại chỗ và kháng sinh đường uống.
– Điều trị phẫu thuật giúp nhìn thấy vôi răng dưới nướu còn sót lại và thủ thuật cắt bỏ hay tái tạo sẽ giúp giảm độ sâu túi, để có thể kiểm soát bệnh viêm nha chu trong thời gian dài.
– Các tác nhân hóa trị liệu để hỗ trợ các biện pháp cơ học như sử dụng nước súc miệng có chất kháng khuẩn như chlorhexidine gluconate (Kin, Medoral…), thuốc diệt khuẩn tại chỗ (Metrogyl Denta, Periochip có hoạt chất là chlorhexidine gluconate (2.5mg), được phóng thích vào trong túi nha chu trong thời gian 7-10 ngày)
5. Phòng ngừa viêm nướu, viêm nha chu
Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và cạo vôi răng, việc chải răng đúng cách cũng rất quan trọng để phòng viêm nướu.
Sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng hoặc tăm nước để làm sạch kẽ răng dưới nướu, tránh dùng tăm xỉa răng xuyên qua các kẽ răng gây hở kẽ răng hay chảy máu..
Khám và cạo vôi răng 6 tháng định kỳ là cách hiệu quả phòng tránh viêm nướu.
(Nguồn: BS Nguyễn Thụ Thủy Hằng – BV Trung ương Huế)
Để lại một phản hồi