Chẩn đoán thai nghén

MỞ ĐẦU
Sự thụ tinh, làm tổ và phát triển của trứng làm cho cơ thể người phụ nữ thay đổi rất nhiều. Tất cả những thay đổi về hình thể bên ngoài, cũng như các tạng và thể dịch bên trong cơ thể thai phụ có thể coi là các dấu hiệu thai nghén. Thời kỳ thai nghén trung bình là 40 tuần, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Khi thai đã lớn, việc chẩn đoán không khó khăn vì lúc đó bụng đã to và thai phụ đã thấy các cử động của thai; nhưng trong những tuần đầu của thai nghén, việc chẩn đoán thai nghén không dễ dàng. Nhiệm vụ của thầy thuốc là phải phát hiện sớm được người phụ nữ có thai và hạn chế đến mức tối đa các tai biến có thể xảy ra trong khi có thai.
 I. CHẨN ĐOÁN THAI NGHÉN TRONG 4,5 THÁNG ĐẦU
1. Chẩn đoán xác định
a. Dấu hiệu cơ năng
– Tắt kinh: Xảy ra ở phụ nữ đã có chu kỳ kinh nguyệt và có sinh hoạt tình dục.
– Dấu hiệu nghén: Do nồng độ một số hormon tăng cao gây rối loạn như:
+ Về tiêu hoá: Buồn nôn, hoặc nôn, hay nôn vào buổi sáng. Tăng tiết nước bọt, nhạt miệng. Thèm hoặc chán ăn thức ăn thông thường nào đó.
+ Về khứu giác: Sợ mùi khói thuốc và một số mùi khác.
+ Về tâm thần kinh: Tính tình thay đổi, dễ bị kích thích, vui buồn lẫn lộn, dễ cáu gắt, buồn ngủ, mệt mỏi, hay quên.
Dấu hiệu nghén
 
Từ tháng thứ 4 trở đi các dấu hiệu nghén mất đi.
b. Dấu hiệu thực thể
– Hai vú to dần lên theo tuổi thai, là do tuyến sữa và ống dẫn sữa phát triển phì đại, quầng vú sẫm màu và rộng ra, các hạt Montgomery nổi rõ, tĩnh mạch dưới da vú nổi rõ.
Thay đổi ở vú
– Thăm khám âm đạo
+ Quan sát thấy niêm mạc âm đạo và cổ tử cung có màu tím, sờ thấy cổ tử cung mềm.
+ Dấu hiệu Hegar dương tính: Khi eo tử cung quá mềm, khám có cảm giác như cổ tử cung và thân tử cung là hai khối riêng biệt.
Dấu hiệu Hegar
c. Cận lâm sàng
– Làm phản ứng miễn dịch có thể phát hiện có hCG (Human chorionic gonadotropin) trong nước tiểu người phụ nữ mang thai. Trong thực tế, người ta thường sử dụng que thử thai nhanh (Quickstick test): Nhúng que thử vào nước tiểu, nếu trên que xuất hiện 2 vạch đỏ là phản ứng dương tính.

 

 
– Định lượng β hCG trong máu được làm ở các bệnh viện tuyến trên, có giá trị cao giúp chẩn đoán thai nghén.
– Siêu âm: thấy hình ảnh thai trong tử cung.  
2. Chẩn đoán phân biệt
– Tắt kinh do bệnh lý: Rối loạn nội tiết, bệnh nội khoa nặng, trạng thái thần kinh căng thẳng làm cho người phụ nữ tắt kinh trong một thời gian mà không phải có thai.
– Nghén giả: Tưởng tượng có thai gặp ở những người quá mong có con, có các dấu hiệu tắt kinh và nghén: buồn nôn, thèm chua.

 

II. CHẨN ĐOÁN THAI NGHÉN TRONG 4,5 THÁNG CUỐI.
1. Chẩn đoán xác định
a. Dấu hiệu cơ năng: Tắt kinh vẫn kéo dài.
b. Dấu hiệu thực thể
– Tử cung ngày càng to lên rõ rệt phù hợp với tuổi thai, đo được chiều cao của tử cung.

– Thai phụ thấy được các cử động của thai còn gọi là hiện tượng thai máy, thai đạp: Con so thai máy ở tháng thứ 5, con dạ từ tháng thứ 4 đến 4,5 tháng và thai đạp ở ba tháng cuối.
– Sờ nắn bụng: Thấy đ­ược các phần của thai, gồm phần đầu, lưng, tay, chân, mông.
– Nghe bằng ống nghe gỗ thấy tiếng tim thai, thường nghe rõ từ tháng thứ 6 trở đi, tiếng tim thai có nhịp đều với tần số trung bình 140 lần/phút.

 

 
c. Cận lâm sàng
Siêu âm xác định tình trạng thai và phần phụ của thai.
2. Chẩn đoán phân biệt
Rất ít nhầm lẫn nhưng cũng cần phân biệt với:
– Các bệnh có khối u như: U xơ tử cung, u nang buồng trứng.
– Tích mỡ bụng do béo phì, cổ trướng.
KẾT LUẬN

 

Chẩn đoán thai nghén không chỉ để biết có thai hay không mà qua đó còn cho biết thai bình thường hay thai nghén có nguy cơ, dự đoán biến cố xảy ra vào 4,5 tháng đầu hay những những biến cố trong chuyển dạ. Ngoài ra còn giúp dự kiến ngày đẻ, hướng dẫn sản phụ biết vệ sinh thai nghén, nghỉ ngơi trước đẻ, chỉ dẫn nơi đến đẻ trong những trường hợp thai nghén không bình thường. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*