Triệu chứng và điều trị bệnh Basedow

Basedow là bệnh nội tiết thường gặp trên lâm sàng, do tình trạng hormon tuyến giáp tiết quá nhiều vào máu. Bệnh được biết đến từ rất sớm (1840) và hiện nay, mặc dù cùng với sự phát triển của y học, chúng ta đã hiểu biết nhiều hơn về bệnh nhưng việc điều trị vẫn rất khó khăn. 

I. ĐẠI CƯƠNG

     1. Khái niệm

     Basedow là bệnh cường chức năng và phì đại tuyến giáp dẫn đến hormon tuyến giáp được tiết quá nhiều vào máu gây ra những biến đổi bệnh lý tại các cơ quan và tổ chức.
     Đây là bệnh phổ biến (chiếm 45,8% các bệnh nội tiết và 2,6% các bệnh nội khoa được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai); trong đó nữ thường gặp hơn nam với tỉ lệ khoảng 80- 90%, lứa tuổi thường gặp là từ 20- 30 (chiếm 31,8%).

     2. Bệnh sinh và yếu tố thuận lợi

+ Bệnh sinh: đa số các tác giả cho rằng đây là 1 rối loạn tự miễn dịch cơ quan đặc hiệu với sự xuất hiện của kháng thể kháng thụ cảm thể tiếp nhận TSH. Kháng thể này có tác dụng kích thích tuyến giáp nên được gọi là kháng thể kích thích tuyến giáp làm tăng hormon tuyến giáp.
+ Yếu tố thuận lợi:
– Chấn thư­ơng tinh thần, tình cảm …
– Biến đổi nội tiết ở phụ nữ : phụ nữ khi dậy thì, chửa đẻ, mãn kinh….
– Dùng Iod để điều trị bư­ớu cổ đơn thuần mà không đ­ược kiểm soát.
– Yếu tố gia đình
bệnh sinh Basedow
 

II. TRIỆU CHỨNG

     1. Triệu chứng lâm sàng

Basedow
Khái quát các triệu chứng
 
a. Triệu chứng nhiễm độc hormon tuyến giáp
– Rối loạn chuyển hóa: Đa số bệnh nhân thường ăn nhiều, uống nhiều nhưng gầy sút cân nhanh. Hormon tuyến giáp tăng cao, các tế bào tăng chuyển hóa, khiến cơ thể thiếu năng lượng gây cảm giác thèm ăn. Nhưng năng lượng do các
tế bào tạo ra lại được chuyển thành dạng nhiệt là chủ yếu, ngoài ra tình trạng tăng thoái biến Protein ở các mô cơ làm cơ thể gầy sút.
– Rối loạn điều hòa nhiệt: Cảm giác sợ nóng; da nóng ẩm, ra nhiều mồ hôi, nhất là hai bàn tay làm cho bàn tay bệnh nhân thường ấm nóng, ẩm ướt “bàn tay Basedow”. Cơ thể tăng sinh nhiệt, tình trạng giãn mạch do cường thần kinh giao cảm, làm cho cơ thể nóng bức, ra nhiều mồ hôi.
Basedow
Sợ nóng và ra nhiều mồ hôi
 
– Rối loạn tim mạch: Mạch nhanh thường xuyên, kể cả khi nghỉ, thường lớn hơn 90 lần/ phút. Mỏm tim đập mạnh, tiếng T1 đanh, huyết áp tâm thu thường tăng. Hormon tuyến giáp gây tăng hưng phấn tế bào cơ tim và thần kinh giao cảm, đồng thời làm tăng tiêu thụ oxi ở ngoại vi khiến cho tim phải tăng cường làm việc, lâu dần có thể dẫn tới suy tim.
– Rối loạn tâm-thần kinh: Người bệnh thường nói nhiều, lo lắng, bồn chồn, dễ xúc động song cũng dễ nổi nóng; mệt mỏi cả về thể lực lẫn trí lực, khả năng lao động giảm sút. Hormon tuyến giáp gây kích thích thần kinh giao cảm và thần kinh trung ương làm cho bệnh nhân luôn ở trong trạng thái hưng phấn, lâu dần dẫn tới ức chế thần kinh, mệt mỏi.
– Run tay biên độ nhỏ, tần số nhanh, rõ ở các đầu ngón tay, tăng lên khi xúc động.
triệu chứng Basedow
Tóm tắt các triệu chứng của hội chứng nhiễm độc Hormon tuyến giáp
 
b. Bướu tuyến giáp
– Bướu tuyến giáp to lan tỏa ở các mức độ khác nhau, mật độ mềm, di động theo nhịp nuốt.
– Bướu có tính chất bướu mạch: có thể sờ thấy rung miu hoặc nghe thấy tiếng thổi tâm thu, tiếng thổi liên tục tại tuyến giáp.
– Độ lớn của bướu được phân loại theo tổ chức y tế thế giới:
Độ
Đặc điểm
   IA
IB
II
III
Bướu sờ nắn được: mỗi thùy tuyến giáp to hơn đốt 1 ngón cái của người bệnh nhân.
Bướu sờ nắn được: khi ngửa đầu ra sau nhìn thấy tuyến giáp to.
Bướu nhìn thấy được: tuyến giáp to, nhìn thấy ở tư thế bình thường và ở gần.
Bướu lớn làm biến dạng cổ: bướu tuyến giáp rất lớn, nhìn thấy dù ở xa.
buou tuyen giap
Bướu tuyến giáp
 
c. Triệu chứng về mắt
– Mắt lồi, thường cả hai bên mắt. Lồi mắt là do xuất hiện các yếu tố gây lồi mắt được tiết ra từ tuyến yên gây phù nề, tăng thể tích sau nhãn cầu và  ứ đọng tại đó các Mucopolysacharit và các axit có tính hút nước mạnh.

     2. Triệu chứng cận lâm sàng

– Định lượng hormon tuyến giáp trong máu: T3 (Triiodo thyronin) tăng (bình thường 1- 3 nmol/l;T4 (Tetraiodo thyronin) tăng (bình thường 60 – 155 nmol/l); TSH (Thyroid stimulating hormon) hạ thấp (bình thường 0,3 – 3,5 µIU/ml).
trieu chung basedow
 

III. BIẾN CHỨNG

– Cơn nhiễm độc giáp cấp tính: Biểu hiện sốt cao đột ngột (39°C – 40°C); mạch nhanh (150 – 200 lần/ phút); buồn nôn, nôn; bồn chồn, mất ngủ, có thể dẫn đến lọan thần. Đây là biến chứng rất nguy hiểm, xuất hiện khi Basedow không được điều trị hoặc khi phẫu thuật mà không chuẩn bị tốt cho bệnh nhân về nội khoa.
– Suy tim: đây là biến chứng hay gặp khi bệnh không được điều trị.
– Biến chứng về mắt: viêm, loét giác mạc, mù lòa do tình trạng lồi mắt kéo dài.

IV. CHẨN ĐOÁN

1. Chẩn đoán xác định
a. Lâm sàng
– Bướu giáp to lan tỏa.
– Lồi mắt.
– Nhịp tim nhanh thường xuyên.
– Sợ nóng, ra nhiều mồ hôi; lo lắng, bồn chồn, dễ xúc động, run tay.
b. Cận lâm sàng
– T3, T4 tăng.
– TSH giảm.
2. Chẩn đoán phân biệt
– Bướu giáp đơn thuần: Bướu giáp to nhưng không có cường chức năng tuyến giáp.
– Bướu độc thể nhân (Plummer): bướu to thể nhân, không có lồi mắt, triệu chứng tim mạch rầm rộ.
– Viêm tuyến giáp, ung thư tuyến giáp.

V. ĐIỀU TRỊ

   Hiện nay đang áp dụng 3 phương pháp điều trị cơ bản: điều trị nội khoa, phẫu thuật và điều trị bằng Iốt phóng xạ.
Dieu tri Basedow
Phác đồ điều trị Basedow theo trường DH Y dược Huế
 

     1. Điều trị nội khoa

a. Thuốc kháng giáp tổng hợp
    Gồm hai nhóm thuốc: nhóm Thiouracil: Benzylthiouracil (BTU), Propylthiouracil (PTU), Methylthiouracil (MTU); nhóm Imidazol: Methimazol, Carbimazol (Neo Mercazole). Nhóm Imidazol tác dụng mạnh hơn (khoảng 10 lần), thời gian tác dụng kéo dài hơn nhưng cũng nhiều tác dụng phụ hơn. 
Điều trị thuốc kháng giáp tổng hợp theo hai giai đoạn:
– Giai đoạn tấn công: PTU 50 mg x 4 – 8 viên, chia 4 lần/ ngày hoặc Neo Mercazole 5mg x 6 – 9 viên, chia 4 lần/ ngày; giai đoạn tấn công kéo dài 6 – 8 tuần tới khi bình giáp.
   Tiêu chuẩn bình giáp: hết các triệu chứng cơ năng, nhịp tim về bình thường, tăng cân hoặc trở lại cân nặng trước khi bị bệnh, xét nghiệm T3, T4 trở lại bình thường.
– Giai đoạn duy trì: kết thúc giai đoạn tấn công, giảm dần liều, 1 – 2 tuần giảm 1 viên tới khi điều trị 1 viên/ ngày mà vẫn duy trì chức năng tuyến giáp bình thường thì điều trị duy trì đủ 18 – 24 tháng.
   Nếu tình trạng bình giáp được duy trì trong suốt thời gian điều trị, thì sau 18 – 24 tháng có thể cho ngừng thuốc. Kết quả điều trị: 60%- 70% khỏi bệnh, một số tái phát sau khi điều trị thuốc vài tháng, nguyên nhân thường là do thời gian điều trị ngắn, điều trị không liên tục.
    Chú ý một số tác dụng phụ của kháng giáp tổng hợp: dị ứng, giảm bạch cầu, rối loạn tiêu hóa, suy giáp. Một số chống chỉ định: phụ nữ có thai, cho con bú; người suy gan, suy thận nặng;  có bệnh lý dạ dày, tá tràng kèm theo.
b. Chống cường giao cảm
   Propranolol 40 mg x 1–3 viên/ ngày. Thuốc có tác dụng ngoại vi mà không giảm hormon tuyến giáp nên luôn phải kết hợp với thuốc kháng giáp tổng hợp
c. Điều trị Thyroxin (T4) kết hợp với kháng giáp tổng hợp
   Giúp hạn chế tác dụng phụ gây suy giáp của thuốc kháng giáp tổng hợp. Liều sử dụng 1,8 µg/kg/ngày.</ span>
d. Điều trị lồi mắt
– Đeo kính râm để tránh gió, bụi, nhỏ thuốc chống khô mắt.
– Dùng thuốc ức chế miễn dịch: Corticoid 40 – 60 mg/ ngày, tới khi đạt tác dụng thì giảm dần liều, cứ 10 ngày giảm 10 mg. Điều trị 1 – 2 tháng.

      2. Phẫu thuật

   Sử dụng phương pháp cắt gần hoàn toàn tuyến giáp sau khi đã điều trị Basedow về bình giáp.

     3. Điều trị bằng Iốt phóng xạ

   Sử dụng 131I để điều trị, là phương pháp tốt tuy nhiên có biến chứng suy giáp.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*