Chuyển dạ đẻ thường

     Chuyển dạ đẻ thường xảy ra ở thời điểm cuối cùng của thời kỳ thai nghén vào khoảng ngày 280 (40 tuần) gọi là chuyển dạ đẻ đủ tháng. Chuyển dạ đẻ là một quá trình sinh lý của nhiều hiện tượng, quan trọng nhất là những cơn co tử cung cùng những thay đổi ở đường sinh dục, kết quả là thai nhi và rau thai được đưa ra khỏi đường sinh dục của người mẹ. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của sản phụ, đồng thời cũng là khoảng thời gian có thể xảy ra nhiều tai biến xấu cho cả mẹ và con. Để chuẩn bị cho một cuộc đẻ tốt thì thầy thuốc phải có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và có thái độ tốt thì mới thực hiện được chẩn đoán, theo dõi, chăm sóc thai phụ trong khi chuyển dạ đẻ.
Chuyển dạ đẻ thường
I. DẤU HIỆU CHUYỂN DẠ ĐẺ THƯỜNG
1.    Dấu hiệu cơ năng
a. Đau bụng từng cơn: Mỗi cơn đau thai phụ thấy bụng cứng nổi gồ lên, cơn đau ngày càng kéo dài, khoảng cách giữa các cơn đau ngày càng ngắn lại.
Đau bụng từng cơn
b. Ra chất nhầy màu hồng ở âm đạo: Đó là nút nhầy bịt kín lỗ cổ tử cung, ngăn cách buồng tử cung với âm đạo trong thời kỳ thai nghén. Khi có cơn co tử cung, cổ tử cung mở dần và nút nhầy bị đẩy ra ngoài lẫn ít máu.
c. Đau mỏi vùng thắt lưng ngày một tăng: Áp lực của cơn co tử cung làm cho đầu thai nhi tác động nhiều vào vùng cột sống thắt lưng gây đau mỏi thắt lưng ngày một tăng.
2.    Dấu hiệu thực thể
a.    Cơn co tử cung
        Đặt tay lên thành bụng nơi tương ứng với đáy tử cung cảm thấy tử cung co chắc lại từng cơn: Từ lúc tử cung co chắc đến lúc hết chắc và đồng thời từ lúc thai phụ đau đến hết đau là một cơn co.
        Cơn co ngày càng mạnh hơn, kéo dài hơn, khoảng cách giữa các cơn ngày càng ngắn lại. Lúc mới bắt đầu chuyển dạ, trong 10 phút có một đến hai cơn co, mỗi cơn kéo dài 15 – 20 giây. Đến giai đoạn sắp sổ thai thì trong 10 phút có 3 – 5 cơn co, mỗi cơn kéo dài 45 – 60 giây.
b. Xóa, mở cổ tử cung
Thăm khám qua âm đạo thấy: Cổ tử cung ngắn dần lại đến khi chỉ còn là một phên mỏng gọi là cổ tử cung đã xóa hết. Sau đó lỗ cổ tử cung ngày càng mở rộng ra cho đến khi lỗ cổ tử cung có khoảng cách 10cm là cổ tử cung đã mở hết. Sự xóa,  mở cổ tử cung là giai đoạn đầu của chuyển dạ.
Xóa, mở cổ tử cung
c. Đầu ối thành lập
Thăm khám trong khi cổ tử cung đã mở, qua lỗ mở cổ tử cung thấy đầu ối (ối chưa vỡ): Màng ối đoạn dưới tử cung bong ra, khi có cơn co tử cung, nước ối dồn xuống làm màng ối căng phồng lên, gọi là đầu ối đã thành lập.
Đầu ối thành lập
3.    Thời gian, các giai đoạn của chuyển dạ đẻ thường
a. Thời gian của chuyển dạ đẻ thường
– Ở người đẻ con so thời gian chuyển dạ trung bình là từ 16 – 20 giờ.
– Ở người đẻ con dạ thời gian chuyển dạ trung bình là từ 8 – 12 giờ.
b. Các giai đoạn của chuyển dạ đẻ thường
Cuộc chuyển dạ chia làm ba giai đoạn.
– Giai đoạn 1 (xóa, mở cổ tử cung): Tính từ lúc cổ tử cung bắt đầu xóa đến khi mở hết, là giai đoạn lâu nhất. Giai đoạn 1 gồm:
+ Giai đoạn 1A: Từ lúc cổ tử cung bắt đầu xóa đến khi mở được 4cm, mất 8 – 10 giờ.
+ Giai đoạn 1B: Tính từ lúc cổ tử cung mở được 4cm đến khi mở hết (10cm), mất 4 – 6 giờ. Đây gọi là giai đoạn tích cực vì cổ tử cung mở nhanh hơn.
– Giai đoạn 2 (sổ thai): Tính từ lúc cổ tử cung mở hết đến khi thai sổ ra ngoài, thường từ 30 – 45 phút.
Giai đoạn 3 (sổ rau): Tính từ lúc thai sổ ra đến khi rau sổ xong, giai đoạn này từ 30 – 60 phút.
II. THEO DÕI CHUYỂN DẠ ĐẺ THƯỜNG
1.    < /span>Chuẩn bị cho thai phụ
– Chuẩn bị về tinh thần: Giải thích cho thai phụ hiểu thêm đẻ là hiện tượng sinh lý tự nhiên.
– Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, ăn nhanh giữa các cơn co tử cung.
– Cho thai phụ tắm nước ấm khi bắt đầu chuyển dạ, trước khi thăm khám âm đạo phải vệ sinh vùng sinh dục ngoài.
2.    Theo dõi tình trạng toàn thân
Theo dõi nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt, hô hấp, sự chịu đựng cuộc đẻ của sản phụ.
3.    Đo và đánh giá sự tiến triển của cơn co tử cung
– Đặt lòng bàn tay lên vùng đáy tử cung cảm nhận cơn co tử cung: Đo thời gian của mỗi cơn co, khoảng cách giữa hai cơn co, tần số cơn co, cường độ của cơn co, trương lực cơ tử cung.
– Giai đoạn 1A: Đo 1giờ/lần.
– Giai đoạn 1B: Đo 30 phút/lần và ghi vào biểu đồ chuyển dạ.
4.    Khám và đánh giá độ xoá, mở của cổ tử cung.
– Đánh giá sự xóa cổ tử cung là xem cổ tử cung ngắn dần bao nhiêu.
– Đánh giá đường kính độ mở trên lâm sàng bằng lọt 1 ngón tay, lọt 2 ngón tay; mở hai ngón tay, tùy theo mức độ mở mà ước đoán cổ tử cung mở 3cm, 4cm,…
– Khám và đánh giá 4giờ/lần và ghi vào biểu đồ chuyển dạ.
5.    Theo dõi tim thai
Nghe và đếm tim thai giữa 2 cơn co tử cung trong 1 phút, bình thường tim thai 140 lần/phút, nếu nhịp tim thai trên 160 lần/phút hoặc dưới 120 lần/phút là suy thai
– Giai đoạn 1A: 30 phút đo một lần.
– Giai đoạn 1B hoặc khi ối đã vỡ: 15 phút đo một lần, ghi vào biểu đồ chuyển dạ.
6.    Theo dõi đầu ối
– Khi cổ tử cung đã mở, qua chỗ mở đầu ngón tay khám chạm vào đầu ối và cảm giác từ đầu ối đưa tay sâu thêm vào sẽ chạm vào đầu thai (ngôi đầu). Nếu từ màng ối qua lớp nước ối khoảng 1cm gọi là ối dẹt, nếu khoảng trên 3cm gọi là đầu ối phồng.
– Nếu ối đã vỡ hoàn toàn thì không sờ thấy đầu ối mà sờ thấy tóc nếu là ngôi chỏm.
– Khi ối vỡ: Ghi giờ ối vỡ và theo dõi số giờ đã vỡ ối, lượng nước ối, màu sắc, mùi và ghi vào biểu đồ chuyển dạ.
Đầu ối dẹt

 

Đầu ối phồng
7.    Theo dõi đánh giá độ lọt ngôi thai
– Sờ nắn ngoài thành bụng hoặc căn cứ vào sự di chuyển của bướu chẩm, bướu trán, mỏm vai và ổ tim thai ngày càng xuống thấp phía khớp mu của thai phụ.
– Đánh giá sự phù hợp giữa độ lọt của ngôi thai và sự xóa mở của cổ tử cung. Ghi vào biểu đồ chuyển dạ.
          

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*