1. Bệnh sâu răng là gì?
Bệnh sâu răng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất thế giới.
Sâu răng là bệnh nhiễm khuẩn gây ra sự phá hủy mô cứng của răng (men, ngà, cement). Sự phá hủy này là các dấu hiệu của bệnh và các dấu hiệu này có thể được xếp từ sự mất khoáng ban đầu ở mức độ vi cấu trúc đến sự phá hủy toàn bộ răng. Như vậy, sâu răng là một quá trình bệnh, bắt đầu đã lâu trước khi phát triển thành sang thương có thể phát hiện được (lỗ sâu). Bệnh hiếm khi tự giới hạn và nếu không điều trị, sâu răng tiến triển đến khi răng bị phá hủy.
2. Nguyên nhân bị sâu răng
Vi khuẩn, acid, vụn thức ăn thừa trên mặt răng sẽ tạo thành một màng dính vào răng gọi là màng bám răng, màng này rất dính và có ở tất cả các mặt răng đặc biệt là răng hàm, màng bám răng không những gây nguy cơ sâu răng mà còn gây nguy cơ viêm nướu và viêm quanh răng (nha chu).
Vi khuẩn gây sâu răng có sẵn trong miệng, chủ yếu là Streptococcus Mutans (S.Mutans), khi có thức ăn dính lên mặt răng đặc biệt là đường và tinh bột, sau khoảng 30 – 60 phút, S.Mutans có khả năng sinh acid nhanh chóng từ việc lên men carbonhydrate( đường, tinh bột…), tổng hợp polysaccharide ngoại bào từ thức ăn có đường, giúp mảng bám dính chặt vào răng và chống lại tác dụng trung hòa acid mảng bám của nước bọt, làm mảng bám ngày càng dày hơn.
Nếu pH của mảng bám thấp hơn 5,5 thì sẽ gây ra hiện tượng mất khoáng men răng, đây là yếu tố khởi đầu cho sâu răng tạo thành lỗ sâu. Tuy nhiên quá trình mất khoáng này có thể phục hồi hoặc giảm nhờ sự hiện diện của fluoride, calcium và phospho trong nước bọt góp phần tái khoáng hóa bề mặt răng.
Tóm lại, khi vệ sinh răng miệng không kỹ, trên răng có một lớp vi khuẩn đang tăng trưởng bám chặt gọi là mảng bám răng. Vi khuẩn trong mảng bám răng sẽ cùng đường hoặc tinh bột đã được nấu chín trong thức ăn tạo ra acid, acid này sẽ phá hủy men răng, ngà răng và tạo ra lỗ sâu.
3. Triệu chứng bệnh sâu răng
Ban đầu, răng đổi màu ở một vài vùng trên mặt nhai hoặc kẽ giữa hai răng ở một vài điểm trên bề mặt, lúc này người bệnh chưa cảm thấy đau hay buốt, chưa kích thích do thức ăn nóng, lạnh gây ra và chưa hình thành lỗ sâu.
Một thời gian sau, những điểm này biến đổi sắc tố hơn sang màu nâu hoặc màu đen. Lỗ sâu ở răng xuất hiện có thể nhỏ như đầu tăm hoặc to toàn bộ mặt nhai. Người bệnh cảm thấy khó chịu khi thức ăn giắt vào lỗ sâu, cảm thấy ê buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, đau khi có thức ăn giắt vào.
Nếu lỗ sâu không được điều trị (trám, hàn) thì sâu răng tiến triển nhanh vào lớp sâu hơn (ngà răng, tủy răng) làm cho bệnh nặng hơn.
Khi răng đau kéo dài, hoặc cường độ đau gia tăng thì rất có thể tủy răng( thần kinh, mạch máu trong răng) đã bị viêm. Khi bị viêm tủy thì phải điều trị tủy răng. Nếu không chữa tủy thì bệnh sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trở thành bệnh lý viêm chóp chân răng cấp hoặc mạn tính, mất chức năng của răng. Bên cạnh đó, khi bị sâu răng, hơi thở của người bệnh còn có mùi hôi.
4. Điều trị bệnh sâu răng
Phương án điều trị bao gồm:
– Đánh răng bằng kem đánh răng có fluor, có thể giúp phục hồi (tái khoáng) men răng.
– Trám răng: là phương pháp điều trị chủ yếu khi sâu răng đã tiến triển tạo lỗ sâu mà chưa lan tới tủy.
– Những lỗ sâu lớn có thể được phục hồi bằng miếng trám đúc hay Inlay hoặc Onlay kim loại hoặc sứ.
– Điều trị tủy: Khi sâu răng lan đến các thành phần bên trong răng (tủy răng), bạn phải điều trị tủy răng.
– Làm mão răng: Răng sâu tới tủy, mất chất lớn, sau khi điều trị tủy cần bọc mão để bảo vệ mô răng.
– Nhổ răng: Răng buộc phải được nhổ bỏ khi bị hư hại quá nặng không thể phục hồi để loại bỏ ổ nhiễm trùng dai dẳng.
5. Cách phòng tránh bệnh sâu răng
Ăn uống theo những lời khuyên dưới đây:
Ăn, uống với chế độ cân bằng hợp lý và đủ chất sẽ giúp cho răng, nướu cũng như cơ thể khỏe mạnh. Nói một cách tổng quát, nên ăn thịt, trứng, gan, tôm, cua, cá, phomat, rau cải, các loại củ và hoa quả tươi. Nên giảm dùng nhiều lần trong ngày các thức ăn bám dính như bột, đường, bánh ngọt, các loại nước ngọt, nước uống có ga, thức ăn chua (như cà chua, cam quýt, quất, me chua, sấu…).
Giảm ăn vặt. Nếu có dùng các loại thức ăn này thì nên ăn sau các bữa ăn chính và chải răng hoặc súc miệng sạch ngay sau khi ăn. Nên ăn những thức ăn có chất xơ như mía, thơm, củ sắn (củ đậu), dưa gang, dưa chuột, cà rốt… giúp chải sạch răng khi ăn, nhai.
Sử dụng chất thay thế đường bằng các chất làm ngọt ít gây sâu răng hơn ví dụ: xylitol, sorbitaol, lycasin..
Thức ăn giàu canxi, vitamin D có trong sữa, rau quả xanh, cá, phomat… giúp chống mòn răng, rụng răng và loãng xương ở người cao tuổi. Phomat rất giàu chất canxi, khi ăn phomat chất canxi bám vào bề mặt răng có tác dụng phục hồi bề mặt răng chống lại sự tấn công của acid rất hiệu quả. Vì vậy, thói quen ăn phomat là một thói quen góp phần có lợi ích bảo vệ răng.
Giữ vệ sinh răng miệng:
Chải răng mỗi ngày 2 – 3 lần, tốt nhất là buổi sáng khi thức dậy, sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Nên dùng kem đánh răng có fluor mỗi ngày. Nên súc miệng ngay sau khi ăn hay uống đồ ngọt. Đối với trẻ từ sơ sinh đến 2 tuổi không nên sử dụng kem đánh răng có fluor vì trẻ có thể nuốt phần lớn kem đánh răng gây ngộ độc và những mầm răng vĩnh viễn phía trước có nguy cơ nhiễm fluor.
Nhai kẹo cao su xylitol (không đường) khi không thể chải răng sau khi ăn.
Dùng chỉ nha khoa: Việc chải răng chỉ làm sạch được 3 trong 5 mặt của răng. Để làm sạch 2 mặt còn lại ở vùng kẽ răng cần dụng chỉ tơ nha khoa. Trong trường hợp tụt nướu do bệnh nha chu, hở kẽ giữa chân của các răng kế cận rộng hơn bình thường, có thể dùng bàn chải chải kẽ răng thay cho chỉ nha khoa.
Không nên đánh răng ngay sau khi ăn và uống nước trái cây, vì khi đó lớp men răng đang mềm hơn do tác dụng của acid hữu cơ trái cây, chải răng sẽ mài mòn men răng. Có thể súc miệng sạch, đợi khoảng 30 phút sau để nước bọt có thời gian phục hồi và cân bằng chất khoáng của răng rồi hãy chải răng.
Không nên cho trẻ uống nước hoa quả bằng bình vì sẽ kéo dài thời gian răng của bé tiếp xúc với đường và các acid từ hoa quả. Không nên cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt.
(Nguồn: BS Nguyễn Thị Thủy Hằng – BV Trung ương Huế)
Để lại một phản hồi