Điều trị Huyết áp thấp theo Y học Cổ truyền

Cao huyết áp: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Đại cương.

  • Định nghĩa:

+ Huyết áp thấp (hypotension arterielle) là HA luôn luôn có con số thấp hơn đa số người bình thường.

+Phân loại: có hai loại HA thấp là HA thấp tiên phát và HA thấp thứ phát.

Huyết áp thấp tiên phát , còn gọi là HA thấp tự phát hoặc HA thấp do thể tạng. Có những người thường xuyên có HA thấp. HA tâm thu vào khoảng 90 – 100 mmHg nhưng sức khoẻ hoàn toàn bình thường, chỉ khi đo HA mới phát hiện được bị HA thấp. Đây là những người có thể trạng đặc biệt từ nhỏ đến lớn HA vẫn thấy như thế,  nhưng không hề có triệu chứng hoặc biến chứng ở bộ phận nào trong cơ thể. Những người này vẫn sinh hoạt bình thường nhưng khi gắng sức thì thấy chóng mệt. Do đó không coi là bệnh lý và không cần điều trị gì. Nhiều người HA thấp vẫn sống khoẻ mạnh đến già, không những thế, theo thống kê của một hãng bảo hiểm nước ngoài những người này thường có tuổi thọ trung bình cao.

– HA thấp thứ phát còn gọi là HA thấp hậu phát:

Đây là những người trước vẫn có HA bình thường, nhưng sau đó HA bị tụt dần, sau vài 3 tháng hoặc vài năm giảm xuống tới mức được coi là HA thấp. Loại HA thấp thứ phát này thường gặp ở những người suy nhược kéo dài, hoặc mắc các bệnh mạn tính như thiểu năng tuần hoàn não , ung thư, lao, nhiễm khuẩn, nhiễm độc kéo dài, người ốm lâu, thiếu máu kéo dài, người già có rối loạn hệ thần kinh tự điều chỉnh, bị một số bệnh nội tiết (suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp mạn tính…) hoặc dùng các thuốc hạ áp liều cao kéo dài.

Loại HA thấp này có ảnh hưởng rõ rệt tới khả năng làm việc và sức khoẻ của người bệnh, cần phải được điều trị.

1.2. Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh theo y học uiện đại:.

Huyết áp thấp là tình trạng bệnh lý thường gặp, hàng năm chiếm khoảng 10 – 20% dân số. Huyết áp thấp kéo dài gây tổn thương nhiều cơ quan đặc biệt là ở tim và não. Tỉ lệ gây tai biến mạch máu não do huyết áp thấp hàng năm chiếm 10 – 15%, xấp xỉ bằng tỷ lệ tai biến mạch máu não của bệnh tăng huyết áp. ở nước ta trong những năm gần đây, số người bị huyết áp thấp không ngừng tăng lên nhất là ở tuổi trẻ đang lao động , sản xuất và công tác.

+Một số giải thích về huyết áp thấp:

Huyết áp động mạch phụ thuộc vào thể tích máu do thất trái đẩy vào hệ mạch máu theo đơn vị thời gian, gọi là cung lượng tim.

  • Cung lượng tim phụ thuộc vào thể tích máu trở về thất trái trong thời gian tâm trương và lực

co bóp của cơ tim.

  • Thể tích máu trở về, là lượng máu hệ tĩnh mạch đổ về thất trái, bình thường nó chính là lưu lượng tâm thu. Hệ thống tĩnh mạch đóng vai trò rất quan trọng vì nó có thể chứa 65 – 67% toàn bộ thể tích máu, cho nên ứ máu tĩnh mạch sẽ làm giảm lưu lượng tim.
  • Lực co bóp của tim. Để máu trở về tim được nhiều, tim phải có khả năng đẩy nhiều máu đi, cơ tim bóp càng mạnh thì cung lượng tim càng lớn, thể tích máu trở về cũng tăng lên do đó HA tâm thu và HA tâm trương tăng . Thể tích máu tăng sẽ làm căng thành mạch.
  • Sức cản ngoại vi: Là sức cản mà tim phải thắng để đẩy máu đi từ tâm thất trái qua động mạch chủ đến cơ quan tổ chức của toàn thân. Sức cản ngoại vi phụ thuộc vào:
  • Độ nhớt của máu: Khi độ nhớt của máu tăng đòi hỏi một sức bóp lớn hơn mới đẩy máu lưu thông được trong lòng mạch. Khi độ nhớt của máu giảm thường có HA giảm.
  • Sức đàn hồi của thành mạch: Sức đàn hồi của thành mạch là mức độ co giãn cơ trơn của thành mạch; là yếu tố chính, ảnh hưởng tới sức cản ngoại vi. Khi mạch máu co, sức cản ngoại vi tăng dẫn đến HA tăng. Khi mạch giãn sức cản ngoại vi giảm dẫn đến HA giảm.

ở người khoẻ mạnh bình thường, các yếu tố cung lượng tim, sức cản ngoại vi và HA được duy trì ổn định. Nếu như một trong những yếu tố: cung lượng tim( lưu lượng tim, nhịp tim); sức cản ngoại vi (sự đàn hồi của thành mạch, độ nhớt của máu) …thay đổi, thì sẽ có những hoạt động bù ngay, dưới sự kiểm soát và tự điều chỉnh của hệ thống thần kinh và thần kinh thể dịch. Tuy nhiên, nếu tình trạng rối loan kéo dài sẽ dẫn đến mất bù và bệnh lý HA thấp.

+ Cơ chế dẫn tới giảm áp lực máu:

Có rất nhiều tác giả đưa ra cơ chế giảm áp lực máu , giả thiết được nhiều người công nhận là giả thiết cuả Frohlich E.D .

Chứng HA thấp là do hai yếu tố tác động chủ yếu: lưu lượng tim và sức cản ngoại vi. Lưu lượng tim phụ thuộc vào sức bóp của cơ tim chủ yếu là chức năng bóp của tâm thất và khối lượng máu trở về thất trái trong thời gian tâm trương. Sức cản ngoại vị chủ yếu phụ thuộc vào độ đàn hồi của thành mạch và độ nhớt của máu.

+ Triệu chứng lâm sàng và biến chứng thường găp:

  • Triệu chứng lâm sàng gần như hội chứng thiếu máu ở từng cơ quan, nhất là não và tim. Người bệnh có các triệu chứng cơ năng như : mệt mỏi, toàn trạng yếu, giảm tập trung trí lực, hoa mắt, ruồi bay, nhất là khi thay đổi tư thế, có thể có thoáng ngất hoặc ngất. Nếu để bệnh nhân ở tư thế nằm thì sau 1 – 2 phút các triệu chứng trên giảm dần rồi hết hẳn.
  • Triệu chứng thực thể: Nhịp tim nhanh, có thể có ngoại tâm thu, mạch yếu, có khi nhịp chậm, cung lượng tim/phút giảm rõ rệt.

-Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt:

  • Chẩn đoán chứng HA thấp dựa vào đo nhiều lần , tốt nhất là dùng máy đo liên tục 24h theo phương pháp Đo ở nhiều tư thế khác nhau mà kết quả đều ở mức thấp HA tâm thu < 100 mmHg, HA tâm trương < 60 mmHg là HA thấp.
  • Chẩn đoán phân biệt : cần kết hợp lâm sàng và cận lâm sàng để phân biệt HA thấp với cơn động kinh, hạ can xi, hạ đường máu.
    • Biến chứng thường gặp của HA thấp:
    • Chứng HA thấp thứ phát nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm: Passant U, Warkentin S, Gustafson L. (1997), đã nghiên cứu trên 151 bệnh nhân có chứng HA thấp, thấy tụt HA khi đứng: 77 BN , sa sút trí tuệ; 28 BN và đưa ra kết luận tụt HA và sa sút trí tuệ là biểu hiện thường gặp ở BN có HA thấp.
  • Guo Z., Viitanen M., Fratiglioni L., Winblad B. (1997) cho rằng: HA thấp gây ra chứng xơ não và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của chứng bệnh sa sút trí tuệ ở người già.
  • Pirodda A., Saggese. D, Giaus G., Ferri GG., Nascetti S., Gađi A. (1997) khi nghiên cứu và khảo sát chứng bệnh này đã khẳng định sự mất thăng bằng, bệnh tổn hại tới ốc tai dẫn đến làm mất nghe có liên quan tới HA thấp.
  • Busby WJ., Camphell AJ., Roberson MC (1996) khi nghiên cứu tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi có HA thấp trong 3 năm thấy: tỷ lệ tử vong cao ở người HA thấp, nhưng thường do các căn bệnh khác kèm theo hoặc tai nạn rủi ro chứ HATTh thấp không trực tiếp làm tăng tỷ lệ tử vong.
  • Tiên lượng bệnh nhân HA thấp thứ phát phụ thuộc vào bệnh cơ bản. Bệnh HA thấp có 10 – 15% gây TBMMN tương đương với bệnh tăng HA thấp tiên phát thường lành tính nhưng nếu có biến chứng thường nặng hơn.

+ Điều trị HA thấp: hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài điều trị nguyên nhân, còn cần phải chú ý tới nghỉ ngơi, tăng cường ăn uống, rèn luyện thân thể, tác động đến trạng thái thần kinh, chức năng co bóp của tim và điều tiết các mạch máu có tác dụng nâng HA. Một số thuốc thường được chỉ định để điều trị như : ephedrin, caphein, dihydroergotamin, heptamyl, pantocrin và bioton; nếu bệnh diễn biến nặng thì thuốc thường dùng là prednisolon kết hợp với truyền nước,điện giải và dung dịch đường glucose. Tuy nhiên,thuốc có nhiều tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn; một số thuốc như ephedrin, caphein có tác dụng tăng HA nhưng lại làm cho nhịp tim nhanh nên phải ngừng thuốc và tình trạng HA thấp lại tái phát.

1.3.  Nguyên nhân bệnh lý theo YHCT:

Y học cổ truyền từ thế kỷ II trước Công Nguyên(thời Xuân Thu chiến quốc có Tần Việt Nhân – hiệu là Biển Thước), bệnh lý HA thấp đã được mô tả trong phạm trù “huyễn vựng ” nguyên nhân thường là khí hư, huyết hư hoặc khí huyết đều hư . Về điều trị chủ yếu là dùng thuốc bổ huyết, kiện tỳ, ích khí thăng dương.

Huyễn vựng là một phạm trù của Y học cổ truyền để chỉ tình trạng bệnh lý hoa mắt váng đầu, chóng mặt. Huyễn là mục huyễn, vựng là đầu vựng, mục huyễn là chỉ trạng thái mắt hoa hoặc trước mắt tối sầm. Đầu vựng là cảm thấy mọi vật xung quanh xoay chuyển như ngồi trên tàu, xe hoặc trên thuyền, hai chứng này thường đồng thời xảy ra nên có tên là huyễn vựng.

+ Nguyên nhân gây huyễn vựng gồm có: nội thương và ngoại cảm.

Do ngoại cảm gây bệnh có biểu hiện biểu chứng, khởi bệnh cấp, chuyển biến nhanh. Nội thương gây bệnh do tỳ, vị, can, thận bị tổn thương. Sách “tố vấn chí chân yếu đại luận” cho rằng: chứng huyễn vựng do can phong nội động phát sinh ra. “Hà gian lục thư” của Lưu Hà Giang cho rằng: chứng này do phong hoả mà thành. Chu Đan Khê trong “Đan khê tâm pháp” cũng có nói: “vô đàm bất năng tác huyễn” và đề ra phương pháp điều trị “trị đàm là trước tiên”. Trong “Cảnh nhạc toàn thư” của Trương Cảnh Nhạc lại nói: “Vô hư bất năng tác huyễn” và đề ra phương pháp điều trị “Trị hư làm chủ”. .Huyết áp thấp theo Y học cổ truyền,về cơ bản là do khí hư, huyết hư, tỳ thận hư nhưng bệnh ít khi chỉ đơn thuần do khí hay huyết hư, mà phổ biến ở thể khí huyết lưỡng hư.

+ Biểu hiện lâm sàng:

Hoa mắt chóng mặt, đoản khí đoản hơi, tự hãn, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch hư tế, vô lực, sắc mặt trắng nhợt, hồi hộp, trống ngực, mất ngủ, chân tay tê mỏi.

2.  Biện chứng luận trị thể bệnh theo YHCT.

Bệnh lý HA thấp tiên phát hay thứ phát đều được YHCT mô tả trong phạm trù ” huyễn vựng”. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh thường do bản tạng hư nhược, suy nhược cơ thể tuổi già, bệnh mạn tính lâu ngày ảnh hưởng đến ” tâm dương khí hư, thận tinh huyết hư”. Dương khí bất túc thường xuyên gây suy trệ huyết mạch, thanh dương bất thăng, não bộ thiếu nuôi dưỡng sinh huyễn vựng. Mặt khác bồi bổ hậu thiên, ăn uống không đầy đủ, lao động quá sức, suy nghĩ quá độ tổn thương tỳ vị nên khí huyết lưỡng hư, âm huyết hao hư, huyết không dưỡng được mạch, khí của âm dương mất đi tương giao tương tế, dễ gây huyễn vựng nặng gọi là “ quyết thoát”.

Bản chất bệnh HA thấp thứ phát trên cơ sở biện chứng luận trị theoYHCT là hư chứng hoặc hư chung hiệp thực, từ đó suy ra phương pháp chữa cần phải bổ ích thăng đề là chủ. Đối với HA thấp thứ phát bệnh nhân thường không cảm thấy triệu chứng gì, cơ thể không cần điều trị thuốc, chỉ cần thể dục vận động liệu pháp, tăng cường thể chất nhất là đối với người cao tuổi thể chất hư nhược. Các tác giả chia bệnh làm 2 thời kỳ:

+ Thời kỳ phát bệnh cấp diễn:

Bản chất là dương khí hư, lại lao lực qúa, độ đột nhiên khí cơ nghịch loạn, khí của âm dương không giao tiếp nên chóng mặt, hoa mắt, ngã bất tỉnh nhân sự, sắc mặt nhợt nhạt, hãn xuất, chi lạnh, thở yếu, chất lưỡi nhợt, mạch trầm vi, sau thời gian ngắn có thể tỉnh, có thể để lại di chứng không tỉnh táo.

Điều trị bằng tiêm bắp dung dịch: nhân sâm, mạch môn, ngũ vị (sinh mạch tán) hoặc tiêm tĩnh mạch chậm “ sinh mạch tiêm” 20- 30 ml; có thể kết hợp nhĩ châm: điểm dưới vỏ, thượng thận, nội tiết, giao cảm, điểm thăng áp, điểm tâm phế.

+ Thời kỳ hoãn giải: chủ yếu là bổ hư, tăng sức đề kháng của cơ thể, chia 3 thể theo biện chứng:

  • Thể tâm tỳ lưỡng hư: phải bổ ích tâm tỳ dùng “quy tỳ thang” hoặc “ Bổ trung ích khí thang” trọng dùng: hoàng kỳ, đẳng sâm, bạch truật, chích cam thảo, đương quy, trần bì, thăng ma, sài hồ, gia thêm thục địa, quế chi. Nếu nặng cho thêm bạch thược, thiên ma; nếu tâm quý cho thêm toan táo nhân, bá tử nhân.

– Thể khí âm lưỡng hư: trọng dụng “sinh mạch thang”gồm : đẳng sâm, mạch môn, ngũ vị tử gia hoàng tinh, thục địa, ngọc trúc; nếu khí hư thêm hoàng kỳ; nếu âm hư thêm nhị chỉ hoàn ( nữ trinh tử, hạn niên thảo).

  • Thể thận nguyên hao hư : phải ôn chân thận, dùng “ hữu quy hoàn”.

Trọng dụng: phụ tử, nhục quế, thục địa, sơn thù nhục, kỷ tử, hoài mài, đỗ trọng, trích cam thảo, gia thêm nhân sâm, hoàng kỳ; nếu chi lạnh thêm ba kích, lộc giác phiến, tử hà sa,

nếu mạch trì gia can khương, tế tân; nếu chất lưỡi tím tía thêm đương quy, xuyên khung, hồng hoa…Ngoài ra thường sử dụng các chế phẩm thuốc hoàn: bổ trung ích khí hoàn, quy tỳ hoàn, lục vị địa hoàng hoàn và kim quỹ thận khí hoàn

Theo tài liệu giáo khoa Trung y nội khoa học- Bộ y tế ( Bắc Kinh 1/ 2000 của Lưu Diệc Tuyển) xử trí HA thấp giai đoạn cấp hiện nay có 4 chế phẩm thuốc thảo mộc dạng thuốc tiêm:

  • Dung dịch sinh mạch 10 – 20 ml, tiêm bắp ngày một lần, 7 – 14 ngày một liệu trình.
  • Dung dịch sâm mạch 20 – 30 ml tiêm bắp ngày một lần, 7 – 14 ngày một liệu trình.
  • Dung dịch hoàng kỳ: 4 – 10 ml, tiêm bắp ngày một lần, 7 – 14 ngày một liệu trình.
  • Dung dịch sâm phụ: 10 – 20 ml tiêm bắp ngày một lần, 7 – 14 ngày một liệu trình.

Nếu thể nặng: âm dương khí huyết hao hư; hư sinh ứ làm cho huyết mạch không lưu thông, bản chất bệnh đa số thuộc hư hàn hoặc là hư trung hiệp thực.

Nghiên cứu về pháp trị các tác giả đều thống nhất là: âm dương khí huyết của tâm, tỳ, thận hao hư. Trên thực tế biện chứng luận trị lâm sàng không có những triệu chứng tương ứng cho nên về phương pháp chữa có những điểm khác nhau; Nếu tạng tâm đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát bệnh thì phương pháp chữa phải:   kiện tỳ, ích khí, ôn thông tâm dương, giao thông tâm thận, tư âm phục mạch, ích thận dưỡng tinh, bổ dưỡng chân âm, ôn bổ tâm thận, hoá ứ thông mạch. Các phương pháp chữa trên đều có tác dụng điều khí và bổ khí sinh huyết liên quan đến bản chất bệnh. Bởi vậy có tác giả chủ trương đi từ luận trị của khí,

trọng dụng: “cố khí pháp”, “bổ khí pháp”, “hành khí pháp “ và “sơ khí hoá thấp pháp”. Có tác giả chủ trương chia HA thấp ra cấp tính và mạn tính:

Giai đoạn cấp phải bổ khí hồi dương , cố thoát pháp, kết hợp vói thanh nhiệt giải độc sinh mạch pháp.

Giai đoạn mạn tính phải kiện tỳ ích khí thăng phấn pháp kết hợp với dưõng tâm sinh huyết vinh não pháp, tư bổ chân tinh của thận, sinh tủy pháp kết hợp với bổ thận tráng dương,

ích não pháp. Trên lâm sàng căn cứ vào diễn biến bệnh lý cụ thể, chẩn đoán chính xác, sử dụng linh hoạt các phương pháp chữa, các phương dụng dược cho phù hợp.

3.  Thuốc nghiệm phương điều trị  chứng huyễn vựng có hiệu quả.

+ Bài “lục vị kỷ cúc” trong phương tễ học. Bài này chuyên chữa các chứng huyễn vựng thể can thận âm hư, can dương thượng cang, bài thuốc thiên về bổ âm cho can thận.

+ Bài “quy tỳ thang” trong (Tế sinh phương). Bài này có tác dụng kiện tỳ dưỡng tâm, ích khí bổ huyết, để điều trị chứng huyễn vựng thể tỳ khí hư.

+ Bài “phù chính tăng áp thang” trong (Thiên gia diệu phương) gồm: nhân sâm 10g, mạch đông 15g, sinh địa 20g, trần bì 15g, a giao 15g, ngũ vị tử 12g, chích thảo 15g, chỉ xác 10g, hoàng kỳ 30g có tác dụng bổ khí thăng dương cũng được dùng để điều trị chứng bệnh này.

+ Bài thuốc của Trần Đức Đạo (Trường trung học Tuệ Tĩnh I – Hà Nội) gồm: phụ tử chế 16g, ba kích 20g, nhục dung 12g, can khương 10g, đỗ trọng 10g, hoàng kỳ 16g, cam thảo 12g, xuyên qui 20g, bạch truật 20g, để điều trị chứng huyễn vựng do tỳ thận dương hư.

  • Tất cả làm một thang sắc uống ngày 1 thang, tác giả đã điều trị cho 35 BN, sau 30 ngày điều trị khỏi 77,2%, không có kết quả 22,8%.

+Bài: “chấn khởi nguyên khí hư hạ hãm cao” của Phùng Triệu Trương-(Trung Quốc gồm: hoàng kỳ 1 cân (tẩm nước phòng phong), bạch truật sao 20 lạng, phụ tử chế 4 lạng, nhân sâm 6 lạng.

Nhìn chung chưa có bài thuốc nào điều trị có hiệu quả tốt chung cho các thể, phần nhiều dựa hẳn vào bài thuốc cổ phương không chủ động về dược liệu, bào chế phức tạp vì có vị thuốc độc, một số tác giả chỉ dựa vào tác dụng dược lý hiện đại, chưa kết hợp chặt chẽ với biện chứng luận trị theo y lý cổ truyền, nên hạn chế kết quả điều trị.

4. Tư liệu tham khảo.

+ Các vị thuốc trong bài thuốc thăng áp cao – TAC :

Bài thuốc do PGS TS Ngô Quyết Chiến Bộ môn YHCT Bệnh viện 103 cung cấp. Thuốc đã được nghiêm thu cấp BQP tháng 2 năm 2005 và được chuyển dạng bào chế áp dụng thử ( AT):

Đan sâm: dùng rễ đan sâm (Radix Salviae miltiorrhizae). Bạch thược: dùng rễ bạch thược (Radix Paeonniae Abba).

Đương qui: dùng rễ đương qui (Radix Angelica sinensis. (Oliv) Diels).

Đẳng sâm: dùng rễ đẳng sâm (Radix Codomopsis javanicae).

Bạch truật: dùng rễ củ bạch truật (Rhizoma Atractylodis macrocephalae). Hoàng kỳ: dùng rễ cây hoàng kỳ (Radix Astragali).

Cam thảo: dùng rễ cây cam thảo (Radix Glycyrrhizae).

Ngũ vị tử: dùng hạt cây ngũ vị tử (Fructus Schisandrae chinensis). Nhục quế: vỏ quế dày (Cortex Cinnamomimairei).

Kim ngân hoa: hoa và thân dây kim ngân (Flos et caulis Lonicerae Japonicae). Chỉ xác: vỏ quả chanh già (Fructus Aurantii).

Trạch tả: thân rễ trạch tả (Rhizoma Alismatis).

Tất cả đều sẵn có ở thị trường Việt Nam và đều đạt tiêu chuẩn dược điển Việt Nam.

+ Mức đo HA được chẩn đoán là HA thấp:

Một người có HA thấp nghĩa là HA của người đó luôn luôn thấp hơn so với mức bình thường cùng lứa tuổi. ở đây không kể đến những trường hợp giảm HA đột ngột do mất máu nhiều  (bị  chấn  thương,  chảy  máu  trong…),  do  mất  máu  nặng  (nôn  mửa  liên  tục,  ỉa  chảy nặng…), do nhiễm khuẩn cấp, dị ứng đột ngột…cần phải cấp cứu, mà chỉ nói đến người có HA thấp liên tục, từ trước tới nay HA vẫn thấp hoặc HA thấp trong thời gian dài không có tính chất đột ngột.

Theo hằng số sinh học thì người Việt nam trưởng thành có HATTh trong giới hạn 90 – 140 mmHg, HAttr 60 – 90 mmHg; nếu HATTh ở dưới mức tối thiểu < 90 mmHg hoặc HATTr < 60 mmHg thì coi như bị HA thấp.

Theo một số tài liệu và một số tác giả khác như Trung y trị liệu các bệnh khó (1994), Lưu Diệc Tuyển (2000), Nguyễn Phú Kháng (2001) khi HATTh của động mạch giảm thấp mạn tính <100 mmHg (100 mmHg tương đương với 13,3 kpa) thì đã được coi là HA thấp. Khi HATTh hạ xuống giới hạn 70 mmHg (9,3 kpa) gọi là giới hạn nguy hiểm sẽ gây choáng do thiếu máu não có biểu hiện rối loạn ý thức ở mức độ khác nhau, có thể gây co giật giống động kinh

+ Tham khảo thuốc điều trịtheo YHHĐ

  • Điều trị người bệnh có chứng HA thấp thứ phát bằng các thuốc sau cần phải xem xét và sử dụng cho phù hợp với từng bệnh nhân và mức độ bệnh.
  • Ephedrin: có tác dụng co mạch, tăng Tuy là thuốc chủ yếu để chữa và phòng cơn hen nhưng cũng có tác dụng nâng HA với liều dùng ngày 1 – 3 lần mỗi lần 1 viên 10mg.
  • Caphein: có tác dụng trợ tim, kích thích hệ thần kinh, dùng tiêm dưới da với liều 0,25 – 1,50 g/24h, hoặc uống từ 0,5 – 1,50 g/24h.

Nhìn chung ephedrin và caphein đều có tác dụng tăng HA nhưng lại làm tăng nhịp tim, nên khi dùng nếu HATTh > 100 mmHg mà thấy loạn nhịp thì phải dùng thêm cả thuốc chống loạn nhịp.

  • Dihydroergotamin: thuốc có tác dụng chống suy tuần hoàn tĩnh mạch ngoại vi làm tăng HA, điều chỉnh các rối loạn về thần kinh thực vật. Viên nén 1mg uống mỗi lần 1 viên, ngày 3 lần.
  • Heptamil: có tác dụng trợ tim mạch, tăng sức co bóp cơ tim (tăng lưu lượng tim và lưu lượng vành). Viên nén 0,1878g (tương ứng 150 mg heptaminol base), ngày uống 3 lần mỗi lần 1 – 2 viên.
  • Pantocrin: là loại cao lỏng cồn nước chế từ nhung của 3 loại hươu của Nga có tác dụng bồi bổ cơ thể, kích thích tim mạch. Uống hoặc tiêm, ống tiêm 1ml tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 1 – 2 ống ngày.
  • Bioton: chống suy nhược cơ thể, điều trị lao lực về thể xác và trí óc. ống uống 10ml chứa 3,42g cao cồn Kola; 0,75 g acid phosphoric; 0,296g inositocalcium; 0,028g Mn glycerophosphat, uống ngày 2 ống.

Trường hợp nặng dùng Prednisolon 5 – 20 mg/ngày, một đợt 10 – 15 ngày. Hạn chế dùng thuốc an thần và lợi tiểu.

Chống chỉ định hoàn toàn với thuốc giãn mạch vì càng làm hạ HA.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*