A giao: Vị thuốc bổ máu, an thai từ da lừa

A Giao gọi cao hay keo da lừa, A tỉnh giao, Trần a giao. Được nấu từ da lừa đen với nước giếng A Tỉnh để cô lại thành cao (keo). Vị thuốc này đã được sử dụng từ lâu đời trong Y học cổ truyền như một loại thuốc bổ máu, làm mát, an thai, trị các chứng nóng khạc ra máu, ói ra máu, phụ nữ thai sản bị rong huyết. 

1. Mô tả dược liệu

A giao có tên khoa học là Colla asini, tiếng anh là Ejiao. Con Lừa (Equus asinus L.), thuộc họ Ngựa (Equidae).

A giao được nấu từ da con Lừa
A giao được nấu từ da con Lừa

1.1. Nguyên liệu nấu A giao

Da Lừa được lấy vào cuối mùa thu và mùa đông (từ sau vụ thu hoạch cho đến đầu tháng ba). Da được tuyển chọn từ da của những con lừa đen được nuôi dưỡng tốt.

Do việc nuôi lừa đen khá ít, một lượng lớn A giao giả cũng được sản xuất từ la, ngựa, lạc đà, lợn, và đôi khi thậm chí từ giày dép cũ. Những loại này được thêm phụ gia và mùi để giống như A giao thật.

1.2. Chế biến

Trước kia theo quan niệm của người Trung Quốc thì muốn chế A giao chất lượng tốt bên cạnh chọn loại da của con lừa đen thì cần phải dùng nước từ giếng A Tỉnh. A Tỉnh, nay ở 30 dặm về phía Đông – Bắc huyện Dương Cốc, phủ Đoài Châu tỉnh Sơn Đông (huyện Đông A xưa) có một cái giếng thường được đóng kín và niêm phong, và chỉ được mở khi nước được sử dụng để chuẩn bị cho A giao cho triều đình của hoàng đế.

Cách chế A giao:

Lấy da lừa ngâm nước 2 – 3 ngày cho mềm. Lấy ra cạo sạch lông, cắt thành từng miếng nhỏ. Rửa sạch lần nữa, cho vào nồi đổ ngập nước đun 3 ngày 3 đêm. Lấy nước ra, thay nước mới, làm như vậy 5 – 6 lần để lấy hết chất keo của da lừa. Lọc qua rây, thêm vào nước lọc một ít phèn chua, khuấy đều, chờ vài giờ, các tạp chất lắng xuống.

Gạn lấy lớp trong ở trên và cô đặc, 2 giờ trước khi lấy ra, thêm đường và rượu (cứ 600 kg da lừa thêm 4 lít rượu và 9 kg đường) và nửa giờ trước khi lấy ra lại thêm dầu đậu tương cho đỡ dính. 

Nấu A giao
Nấu A giao

Sau đó đổ ra, để nguội, cắt thành từng miếng dài 10 cm, rộng 4 – 5 cm, dày 0,8 – 1,6 cm.

Thường A giao màu nâu đen, bóng, nhẵn và cứng. Khi trời nóng thì mềm, dẻo, trời khô thì dòn, dễ vỡ, trời ẩm thì hơi mềm.

A giao được chế biến như món ăn
A giao được chế biến như món ăn

2. Bào chế

  • Chế với bột vỏ sò: cho chừng 1 kg vỏ sò vào chảo, rang cho nóng cho a giao thái nhỏ vào. Rang thêm cho đến khi a giao nở giòn thì lấy ra rây bỏ vỏ sò đi. A giao chế như vậy sẽ bớt độ dính. Mùi thơm hơn.
  • Chế bồ hoàng: cho bồ hoàng vào chảo rang nóng rồi cho A giao thái nhỏ vào. Tiếp tục rang cho đến khi A giao nở thì rây bỏ bồ hoàng. Lấy A giao mà dùng.

3. Thành phần hoá học

Vì là có nguồn gốc từ động vật nên A giao có rất nhiều Amino acid. Bao gồm: Aspartic Acid, Threonine, Serine, Glutamic Acid, Glycine, Alanine, Valine, Methionine, Isoleucine, Leucine, Tyronine, Phenylalanine, Lysine, Cysteine, Histidine, Arginine, Proline, Tryptophane, Hydroxyproline, NH3.

4. Tác dụng dược lý

  • Là một loại thuốc nổi tiếng của Trung Quốc. A giao đã được sử dụng để điều trị thiếu hụt tạo máu trong hơn 2000 năm. Hiệu quả của nó đã được chứng minh trong các bệnh máu khác nhau bao gồm thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu bất sản và giảm tiểu cầu. Các nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy nó có thể làm tăng số lượng tế bào máu và giảm chảy máu do đe dọa sảy thai.
  • A giao có thể cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu khoảng 60% phụ nữ mang thai – thalassemia mà không ảnh hưởng đến chuyển hóa sắt. Và có thể làm tăng huyết sắc tố ở người trưởng thành và làm giảm huyết sắc tố của thai nhi.
  • A giao bảo vệ đáng kể chống suy giảm chức năng phổi và thay đổi bệnh lý ở chuột thực nghiệm. Tình trạng viêm đã được cải thiện bằng cách điều chỉnh các quá trình trao đổi chất bị xáo trộn gây ra bởi bụi siêu mịn, trong 11 tuần.
  • A giao có công dụng kháng khuẩn và ngăn chặn sự xâm nhập của Salmonella typhimurium trong ống nghiệm và trên sinh vật.
  • A giao làm giảm tình trạng cô đặc máu do mất nước, giúp cải thiện vi tuần hoàn, phục hồi và ổn định huyết áp khá nhanh. Đây là nghiên cứu thực nghiệm trên chó.

5. Công dụng, liều dùng

5.1. Công dụng A giao

Tính vị: ngọt, bình. Qui kinh phế – can – thận.

Tác dụng: bổ huyết, chỉ huyết, tư âm, nhuận táo.

Chỉ định:

Điều trị chứng huyết hư gây vàng da, hồi hộp, chóng mặt, thường dùng cùng với thục địa, đương qui, hoàng kỳ.

Trị huyết nhiệt gây chảy máu cam thường dùng cùng với bồ hoàng, sinh địa, trị hoa ra máu, thường dùng cùng với mạch môn, ngũ vị, bạch cập, nhân sâm như bài a giao tán, trị đi tiểu ra máu, dùng cùng với đương qui, xích thược như bài a giao thược dược thang. Trị đi tiện ra máu cuối bãi, thường dùng cùng với bạch thược, hoàng liên như bài A giao hoàn. Trị suy nhâm bất cố, băng lậu, có thai ra huyết thường dùng cùng với sinh địa, ngải diệp như bài giao ngải thang.

Điều trị chứng ôn táo thương phế, ho khan không đàm, thường dùng cùng với mạch môn, hạnh nhân, như bài thanh táo cầu phế thang. Trị hư nhiệt thương âm, hư phiền mất ngủ thường dùng cùng với bạch thược như bài hoàng liên a giao thang.

Liều dùng: 5 – 15g.

A giao thành phẩm
A giao thành phẩm

5.2. Liều dùng A giao

Ngày dùng 6 – 12 g.

Có khi dùng sống, có khi sao với bột vỏ sò, hoặc bồ hoàng rồi mới dùng.

6. Bài thuốc kinh nghiệm

6.1. An thai

Bài thuốc an thai: A giao 8 g, Ngải cứu 8 g, Hành trắng 8 g, cho 600 ml, sắc còn 200 ml, chia 3 – 4 lần uống trong ngày.

6.2. Kinh nguyệt kéo dài

Còn gọi là chứng rong kinh.

A giao với Bồ hoàng (theo phép bào chế), tán nhỏ, ngày uống 8 – 16 g, có thể uống với rượu.

6.3 Tiêu ra máu

Dùng A giao 10 g (để riêng), Hoàng liên 3 g, Can khương 2 g, Sinh địa 5 g, nước 600 ml sắc còn 200 ml. Nước thuốc còn nóng, thái A giao cho vào, chia 2 lần uống trong ngày.

6.4. Suy nhược thần kinh, mất ngủ

Hoàng liên A giao thang (Thương hàn luận): A giao 20 g (hòa tan), Hoàng liên 8 g, Hoàng cầm 8 g, Bạch thược 8 g, sắc nước uống, gia thêm lòng đỏ trứng gà 2 cái, khuấy đều, chia 2 lần, uống nóng trong ngày.

7. Kiêng kỵ

  • Theo Bản Thảo Kinh Tập Chú: A giao kỵ dùng chung với vị Đại hoàng.
  • Theo Bản Thảo Kinh Sơ: vị yếu, nôn mửa không dùng. Tỳ Vị hư, ăn uống không tiêu không nên dùng.
  • Theo Bản Thảo Hối Ngôn: vị hư, nôn mửa, có hàn đàm, lưu ẩm, không nên dùng.
  • Theo Bản Thảo Bị Yếu: người bị tiêu chảy không nên dùng.
  • Theo Trung Dược Đại Từ Điển: người tỳ vị hư yếu không dùng.
  • Theo Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng: những người rêu lưỡi béo bệu, ăn không tiêu, tiêu chảy thì không dùng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*