Bạc hà: Kho tinh dầu quý báu từ thiên nhiên

Từ lâu, Bạc hà đã được yêu thích và sử dụng rộng rãi không chỉ ở nước ta mà còn trên khắp thế giới. Bạc hà, đặc biệt là tinh dầu của cây rất tốt cho sức khỏe, được dùng đa dạng trong ngành thực phẩm, làm đẹp. Ngoài ra, đây còn là vị thuốc quý trong điều trị cả Tây y và Đông y.

1. Giới thiệu Bạc hà

Có nhiều tên gọi khác nhau của vị thuốc này như: Bạc hà, Bạc hà diệp, Nam bạc hà, Tô bạc hà… Trong đó, loại được trồng phổ biến nhất ở nước ta là Bạc hà Nam.

Tên khoa học: Herba Menthae; thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Bạc hà sống tập trung chủ yếu ở các vùng Âu Á có khí hậu ôn đới. Do đó, tại nước ta, cây xuất hiện nhiều ở Lào Cai, Nghệ An, Lai Châu…

Theo một số tài liệu, cây được thu hái vào khoảng tháng 5, 8, 11. Thu hoạch lúc cây mới ra hoa, rửa sạch dùng tươi hoặc phơi trong râm cho khô.

Bạc hà là loại cây quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày
Bạc hà là loại cây quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày

1.2. Mô tả toàn cây

Vị thuốc thuộc dạng cây thảo, thân mềm, hình vuông. Dáng thẳng đứng hoặc bò lan trên mặt đất, màu xanh lục hoặc tím tía. Lá mọc đối từng lá đơn, hình bầu dục hoặc hình trứng, cuống ngắn, xung quanh mép lá có răng cưa. Khi đưa lên mũi ngửi, lá cây Bạc hà thường có mùi thơm hắc, vị cay và tê nhẹ.

Mặt khác, hoa kích thước nhỏ, đa dạng về màu sắc như trắng, hồng hoặc tím hồng, mọc tập trung ở kẽ lá.

Lá bắc nhỏ, hình dùi. Đài hình chuông có 5 răng đều nhau. Tràng có ống ngắn. Phiến tràng chia làm 4 phần gần bằng nhau, có 1 vòng lông ở phía trong. Bốn nhụy bằng nhau, chi nhụy nhẵn. Quả bế có 4 hạt. Các bộ phận trên mặt đất có lông gồm lông che chở và lông bài tiết tinh dầu.

Hoa của cây Bạc hà
Hoa của cây Bạc hà

1.3. Bộ phận làm thuốc hay bào chế

Có thể sử dụng tất cả bộ phận của cây ở trên mặt đất như lá hoặc cả cây.

Lấy lá Bạc hà khô, tẩm nước, để vào chỗ râm mát. Khi lá cây mềm, cắt ngắn từng đoạn rồi phơi trong râm cho khô để dùng hoặc có thể rửa sạch, dùng trực tiếp.

Sau khi bào chế, dược liệu thân khô màu vàng nâu hoặc tím nâu, hình vuông có nếp nhăn dọc, chất cứng dễ gãy có đốt mắt rõ ràng. Lá mọc đối màu vàng nâu hoặc màu xanh lục nâu, teo nhăn, có mùi thơm mãnh liệt đặc biệt.

Bạc hà sau khi bào chế, có mùi thơm đặc biệt
Bạc hà sau khi bào chế, có mùi thơm đặc biệt

1.4. Bảo quản

Nên bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ẩm, mối mọt hay ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào.

2. Thành phần hóa học

Theo các nghiên cứu, Bạc hà có nhiều hoạt chất khác nhau như Menthol, Menthone, Menthyl Acetate, Camphene, Limonene, Menthenone, Rosmarinic acid… 

Trong đó, hoạt chất chủ yếu là Menthol (tinh dầu). Đây là một hợp chất hữu cơ tự nhiên được sử dụng trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân như thuốc giảm đau tại chỗ và thành phần hương liệu. Quan trọng hơn, FDA cũng đã xác định rằng menthol an toàn và hiệu quả.

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

Sát khuẩn mạnh, điều trị cảm cúm: Hoạt chất Menthol có thể kháng khuẩn, làm lỏng dịch nhầy phổi, giảm ho, cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, khó thở. Không chỉ như vậy, do chứa hợp chất chống viêm Rosmarinic acid nên tinh dầu hay lá Bạc hà tươi pha nước sôi và xông hơi trực tiếp giúp làm sạch và thông xoang mũi.

Chống co thắt cơ trơn: Tinh dầu Bạc hà làm giảm sự vận động và chống co thắt của ruột non. Các chất Menthol và Menthone ức chế sự vận động của đường tiêu hóa từ ruột xuống, có tác dụng giãn mao mạch.

Giảm đau: Menthol bốc hơi nhanh, gây cảm giác mát và tê tại chỗ nên dùng trong trường hợp đau dây thần kinh.

Ức chế hô hấp, tuần hoàn, thần kinh trung ương: Đối với trẻ nhỏ, tinh dầu Bạc hà bôi vào mũi hoặc cổ họng có thể gây ức chế dẫn tới ngừng thở và tim hoàn toàn. Vì vậy, cần thận trọng khi dùng tinh dầu Bạc hà hoặc dầu cù là cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ mới sinh.

Tác động đến nhiệt độ cơ thể: Menthol uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, làm tăng bài tiết của tuyến mồ hôi, hạ thấp nhiệt độ cơ thể.

Vai trò trong cuộc sống: Do có đặc tính kháng nấm, diệt khuẩn mà Bạc hà có thể hữu ích cho người bị sâu răng, hôi miệng, nhiễm trùng nướu…

Trong ngành mỹ phẩm: Nhờ có khả năng làm mát nên Menthol là thành phần rất hữu ích cho các sản phẩm phục hồi da như kem dưỡng, lotion, gel… 

Tinh dầu Bạc hà được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực
Tinh dầu Bạc hà được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực

3.2. Y học cổ truyền

Tính vị: cay mát. Qui kinh phế – can

Tác dụng: sơ tán phong nhiệt, thanh lợi đầu mắt, thấu chẩn sơ can giải uất.

Chỉ định: 

Điều trị cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh giai đoạn đầu: nhóm thuốc này lấy tân để phát tán, lương để thanh nhiệt dùng để điều trị cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh giai đoạn đầu, tà khí ở phần vệ, đau đầu, phát sốt, hơi sợ lạnh thường dùng với ngân hoa, liên kiều, ngưu bàng tử, kinh giới… trong bài  ngân kiều tán.

Điều trị đau đầu mắt đỏ, thường phối hợp với tang diệp, cúc hoa,  mạn kinh tử. Điều trị hầu họng sưng đau, thường dùng cùng với cát cánh,  cam thảo, cương tàm,  kinh giới, phòng phong.

Chứng phong nhiệt còn bế ở biểu, ban chẩn không mọc, thường dùng cùng với thuyền thoái, kinh giới,  ngưu bàng tử, tử thảo…  như trong bài thấu chẩn thang. Dùng để điều trị ban dị ứng gây ngứa, thường phối hợp với khổ sâm, phòng phong, bạch tiên bì…

Chứng can uất khí trệ, đau tức ngực sườn, kinh nguyệt không đều: thường dùng cùng với sài hồ, bạch thược, đương qui  như trong bài tiêu dao tán.

Liều dùng: 3 – 6g, nên cho vào sau.

Chú ý: bạc hà có tác dụng phương hương tân tán, phát hãn hao khí, nên những người hư chứng ra nhiều mồ hôi không nên dùng.

4. Cách dùng và liều dùng

Có thể dùng Bạc hà trực tiếp, Bạc hà khô, tinh dầu hoặc các chế phẩm có chiết xuất từ thảo dược này. 

Liều dùng:

  •  Uống  4 – 8g dưới dạng thuốc hãm.
  •  Ép lấy nước hoặc sắc lấy nước bôi.
  •  Tinh dầu mỗi lần 0,02 – 0,20ml, một ngày 0,06 – 0,6ml.

5. Một số bài thuốc kinh nghiệm

5.1. Trị mũi nghẹt không thông, sốt cao

Bạc hà, Khương hoạt, Cam thảo, Ma hoàng, Cương tằm, Thiên trúc hoàng, Bạch phụ tử tán nhỏ, mỗi lần uống một ít (Bạc hà thang).

5.2. Trị cảm giai đoạn đầu

Bạc hà 8g, Thuyền thoái (bỏ chân) 12g, Thạch cao 24g, Cam thảo 6g, sắc uống (Thanh giải thang).

5.3. Trị sốt cao, sợ nóng, mồ hôi không ra được, miệng khát, bứt rứt, đêm nằm không yên

Thạch cao 40g, Bạc hà diệp 20g.Tán bột. Mỗi lần uống 2 – 4g với nước nóng, ngày 3 lần.

5.4. Trị đầu đau, mắt đỏ, họng sưng đau nóng nhiều

Bạc hà 4g, Cát cánh 8g, Kinh giới 12g, Phòng phong 8g, Cương tằm 12g, Cam thảo 8g. Sắc uống.

5.5. Trị đầu đau, mắt đau do phong nhiệt

Bạc hà 6g, Cúc hoa 10g, Tang diệp 10g. Sắc uống.

5.6. Công dụng khác

  • Trị tai đau: Bạc hà tươi, giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào tai 3 – 5 giọt.
  • Trà Bạc hà: Làm tinh thần sảng khoái, giảm ho, trị hôi miệng, giảm cân và giúp da sáng đẹp.
  • Trị ong chích: Lá Bạc hà tươi, giã nát, bôi.

6. Lưu ý

  • Không nên dùng vị thuốc này cho người gầy yếu, suy nhược toàn thân, táo bón, huyết áp cao, trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai.
  • Những người bị sốt không phải do các nguyên nhân cảm nắng, cảm cúm thông thường, người bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng không được dùng. Nguyên nhân do vị thuốc có một số tác dụng phụ như dị ứng da, phát ban, chậm nhịp tim, co giật, ợ nóng.
  • Không được dùng tinh dầu Bạc hà trên những khu vực da đang bị lở loét, trầy xước. Đặc biệt, cẩn thận tránh để tinh dầu dính vào mắt. Quan trọng là tránh dùng liên tục trong thời gian dài.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*