Cây Bàng: Cây thuốc tỏa bóng mát sân trường

Người viết nhớ lại nhiều năm trước, trong những ngôi trường đã từng đi qua, thường thấy những cây Bàng sừng sững trong sân. Tán bàng to rộng tỏa xòe cho bóng mát. Hạt bàng là thứ lũ học sinh rất thích nhặt, ghè ra để lấy nhân, ăn bùi bùi, thơm thơm. Tuổi thơ bên những cây Bàng cứ trôi qua như thế. Đến lớn rồi, học về thuốc mới biết rằng thì ra Bàng cũng là một thứ cây được dùng làm thuốc. Lúc đó lại càng thấy thích thú hơn về nền Y học dân tộc, tất thảy mọi cỏ cây quen thuộc bên mình đều có thể là một vị thuốc nào đó. 

1. Mô tả đặc điểm cây Bàng

Cây Bàng (Terminalia catappa  L., thuộc họ Bàng Combretaceae) là loại cây thân gỗ lớn. Cây cao khoảng 8 – 10m, những cây lâu năm có thể cao tới 30 – 35m. Các cành mọc vòng, nằm tương đối ngang, tán lá rộng, mọc đối xứng. Cây càng già thì tán lá càng mọc ra phẳng hơn nên tạo cảm giác rộng lớn hơn.

Lá cây to, dài khoảng 15–25 cm và rộng 10–14 cm, hình trứng, xanh sẫm và bóng. Lá hình thìa, đầu lá tròn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn màu hung nhạt. Đây là loài cây có lá sớm rụng về mùa khô. Trước khi rụng thì các lá chuyển màu thành màu đỏ ánh hồng hay nâu vàng.

Hoa Bàng là loại hoa đơn tính cùng gốc, với các hoa đực và hoa cái mọc trên cùng một cây. Cả hai loại hoa có đường kính khoảng 1 cm, có màu trắng hơi xanh, không lộ rõ, không có cánh hoa. Chúng mọc trên các nách lá hoặc ở đầu cành thành nhiều bông dài khoảng 15 – 20 cm. Trên cán bông có nhiều lông mịn.

Quả hình bầu dục, nhẵn, dẹt ở 2 bên rìa quả, phình to ở giữa, đầu quả hơi nhọn, dài khoảng 5–7 cm và rộng 3-5,5 cm.  Khi non có màu xanh lục, rồi ngả màu vàng và cuối cùng có màu đỏ khi chín. Bên trong quả chứa cơm màu vàng đỏ, có xơ.

Phía bên trong cùng của quả chứa một hạt. Hạt Bàng rộng khoảng 15 mm. Bên trong có nhân trắng, chứa nhiều tinh dầu có mùi hơi chát đặc trưng. Cây cho quả vào tháng 8 – 10.

Bàng là cây thân gỗ lớn, cây lâu năm có thể cao tới hàng chục mét
Bàng là cây thân gỗ lớn, cây lâu năm có thể cao tới hàng chục mét

2. Nguồn gốc, phân bố

Nguồn gốc của cây Bàng hiện có một số tranh cãi, có thể nó xuất xứ từ Ấn Độ, bán đảo Mã Lai hay New Guinea. Nó phân bố ở các nước thuộc vùng nhiệt đới.

Bàng là loại cây có khả năng chịu hạn tốt, không kén đất, ưa ánh sáng. Tại nước ta, cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi để lấy bóng mát, lấy gỗ và một số người dùng làm thuốc.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Người ta thường dùng lá, vỏ, hạt và nhựa trên lá làm thuốc. các dược liệu này có thể thu hái quanh năm. Khi lấy về, chú ý bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi có độ ẩm cao làm mốc, hư hại thuốc.

4. Thành phần hóa học trong cây Bàng

Thành phần chính trong lá và vỏ cây Bàng là Tanin. Trong đó vỏ thân chứa 25 – 35% (là loại Tanin pyrogalic và Tanin catechic), còn vỏ cành ít hơn chỉ chiếm khoảng 11%.

Trong lá chứa corilagin, acid galic, acid egalic, brevifolincarboxylic acid.

Quảng cáo

Trong nhân hạt chứa 50% dầu béo, màu vàng nhạt hay lục nhạt, mùi vị dễ chịu, có thể ăn được. Trong dầu hạt Bàng này, người ta còn tách được acid toàn phần ở dạng đặc, màu vàng nhạt hay trắng, trong đó phần acid đặc chiếm tới 36%. Người ta xếp dầu hạt Bàng vào nhóm có chỉ số iod thấp và thuộc loại dầu không khô.

Lá, quả, vỏ và nhựa bàng được dùng để làm thuốc
Lá, quả, vỏ và nhựa bàng được dùng để làm thuốc

5. Một số tác dụng dược lý của Bàng

Nghiên cứu cho thấy cao từ vỏ thân cây Bàng có tác dụng làm săn da, cường tim, lợi tiểu.

Chiết xuất methanolic từ lá Bàng còn có tác dụng chống ung thư hạch bạch huyết Ehrlich (ELA) ở chuột bạch tạng Thụy Sĩ.

Người ta thấy rằng hạt Bàng có thể hồi phục, điều hòa chức năng của các cơ quan sinh sản ở nam giới, nên có thể dùng làm thuốc điều trị loãng tinh dịch, xuất tinh sớm.

6. Công dụng từ các dược liệu của cây Bàng

Tại một số vùng, người dân dùng vỏ cây Bàng sắc thuốc uống chữa lỵ, tiêu chảy, rửa các vết loét, vết thương.

Lá sắc thuốc uống làm ra mồ hôi chữa cảm sốt. Lá bàng tươi giã nát, xào nóng đắp nơi đau nhức làm giảm đau. Búp non phơi khô tán bột, rắc chữa ghẻ, trị sâu quảng và sắc đặc ngậm để trị sâu răng. Búp tươi xào nóng để đắp và chườm nơi đau nhức. Lá bàng khi ngả chín có màu nâu đỏ được dùng trong điều trị các bệnh về gan, trừ giun. Búp và lá bàng non có thể chữa viêm hang vị dạ dày.

Nhựa lá non trộn với dầu hạt bông và nấu chín có thể chữa bệnh phong.

Vỏ và quả đều có tác dụng làm săn da.

7. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây Bàng

7.1. Bài thuốc chữa viêm hang vị dạ dày

Lấy búp và lá bàng non, rửa sạch, để khô, thái nhỏ, cho vào chảo sao vàng hạ thổ. Hàng ngày lấy 1 nhúm cho vào bình trà, hãm với nước sôi, uống thay trà liên tục 2 tháng.

7.2. Bài thuốc chữa cảm sốt có ho

Lá bàng khô 15gr, Kinh giới khô 10gr, Bạc hà khô 12gr, Vỏ quýt khô 10gr. Sắc uống rồi đắp chăn

Lấy 15 g lá bàng rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô rồi trộn với 10 g kinh giới khô, 12 g bạc hà khô, 10 g vỏ quýt khô. Sau đó đem sắc lấy nước uống. Chỉ uống một lần khi nước còn nóng, sau đó đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

7.3. Bài thuốc chữa viêm, đau họng

Dùng khoảng 5 – 10 lá Bàng non tùy to nhỏ, giã nát cùng 1/4 thìa cà phê muối hạt. Cho thêm 250 ml nước, khuấy đều, lọc phần nước cốt, bỏ bã dùng súc miệng kỹ, cứ 4 tiếng súc 1 lần.

7.4. Bài thuốc chữa sâu răng, viêm quanh kẽ răng

Người ta dùng búp non hoặc vỏ thân cây sắc thành nước đặc, dùng ngậm và súc miệng mỗi ngày.

Còn có một cách khác, lấy vỏ thân ngâm rượu, dùng ngậm mỗi ngày 3 lần.

Cây Bàng là một loại cây phổ biến, dễ tìm, những bộ phận dùng làm thuốc của nó có thể ứng dụng để chữa được một số bệnh thông thường. Tuy nhiên, với những trường hợp bệnh cảnh hoặc vết thương phức tạp, người bệnh cần thiết có sự thăm khám từ thầy thuốc. Tránh trường hợp tự ý sử dụng thuốc, có thể đưa đến những hậu quả không mong muốn. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*