Cây Bông gòn: Không chỉ là loài cây tạo bóng mát

Cây Bông gòn là loài cây rất quen thuộc với người Việt Nam. Không chỉ tạo bóng mát, loài cây này là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa, xương khớp rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

Nội dung bài viết

  • 1. Giới thiệu về cây Bông gòn
  • 2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
  • 3. Cách dùng và liều dùng
  • 4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
  • 5. Kiêng kỵ

1. Giới thiệu về cây Bông gòn

  • Tên thường gọi: Bông gạo, Gòn, Mộc miên, Cây gạo, Hoa gạo.
  • Tên khoa học: Gosampinus malabarica (D.C.) Merr.
  • Họ khoa học: Gạo (Bombacaceae).

Mủ gòn là nhựa màu nâu của cây Bông gòn, dạng đặc, có vị chát tiết ra từ vỏ thân cây Gòn.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây Bông gòn phân bố chủ yếu ở Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc nhiều ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Thường thu hái quanh năm nhưng nếu muốn dùng hoa phải đợi đến mùa. Các bộ phận của Bông gòn thường được dùng tươi. Tuy nhiên, với vỏ của cây, có thể cạo bỏ vỏ thô và gai ở bên ngoài, sau đó thái nhỏ và đem sấy/phơi khô rồi dùng dần.

1.2. Mô tả toàn cây

Cây Bông gòn là cây sống lâu năm, có thể cao tới 15 m hay hơn. Thân sùi, có banh vè to ở gốc và gai hình nón. Cành hình trụ, mọc ngang, không gai. Rễ của cây phát triển mạnh, ăn sâu vào trong lòng đất và có độ bám khỏe.

Lá mọc so le, kép chân vịt. Gồm 5 – 7 lá chét, hình mác, gốc thuôn, đầu nhọn dài 9 – 15 cm, rộng 4 – 5 cm. Hai mặt nhẵn mép nguyên, cuống chung dài hơn phiến lá.

Cụm hoa mọc ở đầu cành hình chùm. Hoa màu đỏ nở trước khi cây ra lá, đài dài hình chuông, có 5 răng tù và ngắn, màu nâu xám. Tràng 5 cánh, mặt ngoài phủ lông nhung. Nhị rất nhiều hợp thành 5 bó, ngắn hơn cánh hoa, bầu hình nón, có lông mềm màu trắng nhạt.

Quả nang hình thoi, dài 8 – 15 cm với 5 van cứng, mặt trong có nhiều sợi bông. Sợi nhẹ, nổi trên nước, đàn hồi, dễ cháy và không thấm nước. Hạt hình trứng, xung quanh có lông dài, trắng, mịn.

Mùa hoa: tháng 3, mùa quả tháng 5.

Cây Bông gòn là loại cây quen thuộc, vừa tạo bóng mát, vừa làm thuốc
Cây Bông gòn là loại cây quen thuộc, vừa tạo bóng mát, vừa làm thuốc

1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế

Người ta dùng vỏ, rễ và chất nhựa của cây Bông gòn, thường dùng tươi. Vỏ cây bóc về cạo vỏ thô và gai, rửa sạch thái nhỏ phơi hay sấy khô sắc uống hay giã nát dùng tươi.

Hoa và hạt cũng được dùng.

Quảng cáo

Mủ Gòn rất dễ lấy, chỉ cần lấy dao rạch một đường trên thân cây, sẽ thấy có rất nhiều mủ chảy ra. Người ta chỉ việc dùng xô hứng lấy mủ và đem về bảo quản, chế biến. Mủ Gòn mới chảy ra sẽ rất mềm và dẻo. Một thời gian sau nó sẽ đông cứng lại từng những mảng lớn.

Sợi Bông gòn không se thành búi như sợi bông vải, nên đã được con người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như làm các lớp cách nhiệt, cách điện, nhồi thú bông, nệm trải giường…

Hạt Bông gòn chứa nhiều dầu, sử dụng được cho việc sản xuất xà phòng.

Gỗ của cây nhẹ, mềm, dễ gia công. Nhiều nơi dùng gỗ của những cây Bông gòn cổ thụ, có kích cỡ lớn, để làm ca nô.

Sợi Bông gòn nhẹ, nổi trên nước, đàn hồi, dễ cháy và không thấm nước
Sợi Bông gòn nhẹ, nổi trên nước, đàn hồi, dễ cháy và không thấm nước

1.4. Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.

>> Ngoài cây Bông gòn, Càng cua cũng là một loài cây quen thuộc chữa bệnh hiệu quả. Xem thêm: Càng cua: Loại rau quen thuộc lợi hay hại?

2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

2.1. Thành phần hóa học

  • Toàn thân cây chứa đường, nhiều nguyên tố vi lượng, pectin tannin, nhựa…
  • Rễ chứa cephalin phosphatide và chất nhầy. Phần trắng của rễ chứa chất vô cơ 2,1%; protein 1,2%; chất béo 0,9%; tinh bột 71,2%; chất pectic 6%; cephalin 0,3%.
  • Nụ hoa và đài chứa protein thô, cacbohydrat, chất vô cơ, canxi.
  • Vỏ thân chứa tannin 3,01%; chất nhầy.
  • Hạt có 20 – 26% chất béo đặc (nhân chứa tới 35%), màu vàng.
  • Thành phần dinh dưỡng của mủ Gòn khá dồi dào. Nó chứa các khoáng chất cần thiết như Ca, Mg, C, K, Na… Có hàm lượng chất xơ có khả năng hòa tan trong nước cao.

 2.2. Tác dụng y học hiện đại

  • Tác dụng làm se, tiêu viêm, giải độc.
  • Mủ gòn có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, nhuận tràng, ổn định huyết áp, điều hòa đường huyết…
  • Điều trị cải thiện độ mỡ trong máu, tăng cảm giác no giúp giảm béo hiệu quả.
  • Làm đẹp da, giúp mau lành vết thương.
  • Giúp ngủ ngon, giảm stress.
  • Do chất nhầy trong vỏ có tác dụng quện những tạp chất tinh bột nên vỏ gạo còn được dùng để loại bỏ tạp chất khi chế tinh bột.
  • Hạt chứa dầu được sử dụng để nấu xà phòng và có thể làm phân bón.

2.3. Tác dụng Y học cổ truyền

  • Vỏ: Vị cay, tính bình.
  • Hoa: Vị chát đắng, hơi ngọt, tính mát.
  • Rễ: Vị đắng, tính mát.
  • Mủ Gòn: Vị ngọt, tính mát.

Theo Đông y:

  • Vỏ thân: Khu phong trừ thấp, tăng cường lưu thông máu, giảm đau, gây nôn, bó xương gãy, lợi tiểu. Nước sắc vỏ thân làm dịu viêm, cầm máu.
  • Hoa: Tác dụng làm se, tiêu viêm, giải độc, sát khuẩn, thông huyết.
  • Rễ: Gây nôn và giảm đau.
  • Gôm nhựa có tác dụng kích thích sinh dục, cầm máu, làm săn da.
Hoa bông gòn có tác dụng làm se, tiêu viêm, giải độc, sát khuẩn, thông huyết
Hoa Bông gòn có tác dụng làm se, tiêu viêm, giải độc, sát khuẩn, thông huyết

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy theo mục đích mà có thể sử dụng dược liệu bằng những cách khác nhau. Cây Bông gòn được dùng ở ngoài da hoặc sử dụng ở dạng sắc uống. Liều dùng tham khảo:

  • Hoa gạo ngày dùng từ 15 – 20g.
  • Nhựa ngày dùng từ 4 – 10g

Mủ Gòn sau khi mua về nên rửa sạch. Sau đó, ngâm mủ Gòn trong nước lạnh hoặc nước ấm. Tránh ngâm trong nước nóng vì chúng sẽ phá vỡ cấu trúc mủ Gòn. Tốt nhất là nên ngâm qua đêm để mủ Gòn nở đều.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Hỗ trợ gãy xương

Vỏ gạo 30g, củ Nghệ 20g, củ Dứa dại 10g, lá Xoang non 10g, dây Tơ hồng 20g, Ngải cứu 8g. Tất cả giã nát, trộn với lòng trứng gà, đắp bó tại chỗ (Nam dược thần hiệu).

4.2. Hỗ trợ chữa đau răng

Mỗi ngày uống 15 – 20g sắc, sau đó ngậm rồi nhổ ra.

4.3. Hỗ trợ trị tiêu chảy, kiết lỵ

Hoa gạo sao vàng 20 – 30g. Sắc uống ngày 1 lần.

 4.4. Hỗ trợ suy nhược cơ thể do lao động nặng

Hoa gạo 500g, Bí đao 500g, các vị thái nhỏ sao vàng hạ thổ, sắc với 2 lít nước cho nhỏ lửa còn 800ml. Chia 4 lần, uống trong ngày, uống trước bữa ăn 30 phút.

 4.5. Chữa đau lưng và đau gối mạn tính

Rễ gạo 60g, rửa sạch cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc còn 250ml nước chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 10 ngày.

 4.6. Giảm sưng nề do chấn thương

Vỏ thân hoặc rễ cây Bông gòn ngâm rượu xoa ngoài hoặc giã nát đắp vào vị trí tổn thương.

Hoặc có thể dùng vỏ thân cây gạo 100g, cạo bỏ vỏ ngoài, băm nhỏ, giã nát. Sau đó, dùng giấm thanh và rượu cho vào sao, rồi chườm hoặc đắp vào vết thương khi còn nóng.

 4.7. Chữa bong gân

Vỏ thân cây, lá Náng rửa sạch, giã nhuyễn, băng vào tổn thương, ngày 2 lần.

Hoặc vỏ cây gạo 16g (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), lá Lốt 16g (sao vàng). Sắc với 750ml nước, đun nhỏ lửa còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày, uống liền 3 ngày.

cây Bông gạo còn là thức uống thanh nhiệt, giải khát quen thuộc.
Đây còn là thức uống thanh nhiệt, giải khát quen thuộc

5. Kiêng kỵ

  • Phụ nữ có thai nên lưu ý khi sử dụng mủ Gòn.
  • Dị ứng với thành phần có trong dược liệu.

Cây Bông gòn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*